Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 27/9 ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bộ Chính trị đề ra mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc top 3, hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP.
Các chỉ số nói trên phải thay đổi đột phá sau 5 năm tiếp theo. Khi đó, chỉ số GII thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới, mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GDP.
Bộ Chính trị kỳ vọng, năm 2030 Việt Nam hoàn thành xây dựng Chính phủ số, hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
Nghị quyết nêu rõ tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á; có năng suất lao động cao, đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Để đạt được mục tiêu đó, hàng loạt giải pháp được Bộ Chính trị đề ra như: đổi mới tư duy, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; hoàn thiện thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, các ngành và công nghệ ưu tiên...
Doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực tham gia xây dựng hạ tầng viễn thông và các hạ tầng cho chuyển đổi số quốc gia sẽ được khuyến khích phát triển. Hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương được hình thành, kết nối đồng bộ, thống nhất.
Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan quy hoạch, xây dựng hạ tầng thanh toán số quốc gia theo hướng đồng bộ, dùng chung, khai thác có hiệu quả.
Cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ thanh toán không dùng tiền mặt cũng sẽ được hoàn thiện, hình thức thanh toán trực tuyến qua biên giới phải kiểm soát chặt chẽ.
Các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được giao tiên phong thực hiện chuyển đổi số, bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ.
Dữ liệu số của Chính phủ và các cấp chính quyền phải tạo điều kiện để mọi công dân có thể cập nhật thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước.