Buổi lễ này được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 2 điểm cầu, trong đó, điểm cầu tại tỉnh Khánh Hòa tại Km33+800 Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm thuộc địa bàn xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa; điểm cầu kết nối tại tỉnh Bình Thuận tại Km 1604+700, Dự án đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết (giao với Quốc lộ 1) thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Một dự án kiểu mẫu
Thủ tướng cho biết, việc xây dựng tuyến cao tốc Bắc – Nam, trong đó có đoạn tuyến cao tốc qua miền Trung luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm, trăn trở nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong vùng sớm vươn lên, phát triển kinh tế - xã hội.
“Chính vì vậy, việc khánh thành 2 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam hôm nay, sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuận lợi và nhanh chóng hơn. Đồng thời, còn tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Chính phủ, việc hoàn thành 2 Dự án Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết tiếp tục nâng tổng số km đường cao tốc trục Bắc - Nam lên thành 950 km. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ sau 3 năm, chúng ta đã hoàn thành, đưa vào khai thác 566 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đến thời điểm hiện nay là 1.729 km.
“Cùng với việc hoàn thành các dự án thành phần còn lại của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông và một loạt các dự án đường bộ cao tốc khác vừa được khởi công trong thời gian qua, mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 là hoàn toàn khả thi nếu chúng ta có quyết tâm và có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc”, Thủ tướng khẳng định.
Đánh giá rất cao nỗ lực của Tập đoàn Sơn Hải trong việc triển khai Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm theo hình thức PPP với 2 điểm nhấn đặc biệt: thi công vượt tiến độ 3 tháng và không để tăng tổng mức đầu tư, nhất là trong bối cảnh hợp đồng dự án được ký đúng vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, giá vật liệu xây dựng tăng cao và khan hiếm nguồn đất đắp.
"Dự án này chính là hình mẫu cho việc triển khai các dự án công trình giao thông theo hình thức PPP. Bộ GTVT và các bộ ngành liên quan cần tổng kết, xem xét đánh giá để nhân rộng", Thủ tướng chỉ đạo.
Được biết, Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm là 1 trong 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP với chiều dài tuyến 49,1km, đi qua các huyện Diên Khánh, huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh thuộc tỉnh Khánh Hòa.
Trong giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến được thiết kế đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h, giai đoạn phân kỳ có quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe bề rộng nền đường 17m. Tổng vốn thực hiện Dự án là 5.524,15 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng: 2.967,16 tỷ đồng.
Nhà đầu tư được Bộ GTVT lựa chọn thực hiện Dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang Cam Lâm.
Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài tuyến khoảng 100,8km đi qua tỉnh Bình Thuận.
Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến được thiết kế là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m. Dự án có tổng mức đầu tư 10.853,9 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 7 - Bộ GTVT.
Cả hai dự án này trước đó, đã được Bộ GTVT đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp cao điểm hè 2023.
Một đoạn cao tốc Nha Trang - Cam Lâm |
Những bài học quý
Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, quá trình thi công các dự án thành phần Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có Dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm và Dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, phần lớn giai đoạn triển khai thực hiện trùng với giai đoạn năm 2020 - 2021 khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, có những thời điểm toàn xã hội phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội, công trường không thể huy động các cán bộ, công nhân đến làm việc, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng vật liệu dẫn tới tổng thời gian các công trường phải dừng thi công từ 4 - 6 tháng. Trong các năm 2021, 2022, thời tiết khu vực các dự án diễn biến bất thường với mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng của xung đột giữa Nga và Ucraina nên giá nhiên, nguyên, vật liệu có biến động lớn ngoài khả năng dự báo của các bên liên quan, việc tính toán chi phí trượt giá theo công thức điều chỉnh giá thông thường chưa bù đắp được mức độ biến động giá quá lớn dẫn đến thiếu hụt tài chính và thua lỗ cho Nhà đầu tư, nhà thầu gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Đặc biệt, các dự án đồng loạt triển khai với nhu cầu khối lượng vật liệu lớn dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung (đặc biệt với nguồn vật liệu đất đắp), mặc dù Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết để tháo gỡ nhưng các thủ tục cấp phép mỏ vật liệu, cấp phép khai thác vẫn còn kéo dài làm ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai của các dự án.
Đứng trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt, sâu sát, quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai dự án; đã ban hành nhiều Nghị quyết với cơ chế đặc thù để giải quyết thiếu hụt nguồn vật liệu xây dựng thông thường cho Dự án.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt, vượt qua mọi khó khăn thách thức để giải quyết những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của mình.
Xác định việc hoàn thành các Dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng là danh dự, trách nhiệm của ngành trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, toàn bộ tập thể cán bộ, công nhân viên trong ngành GTVT, từ Bộ trưởng đến các đồng chí lãnh đạo Bộ, các cơ quan trực thuộc, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các đơn vị tư vấn, đặc biệt là các nhà đầu tư/nhà thầu thi công đã quyết tâm với tinh thần “Đã nỗ lực rồi thì nỗ lực hơn nữa, cố gắng rồi thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, xác định trọng tâm trọng điểm để phân bổ nguồn lực thời gian thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra”.
Bộ GTVT đã tổ chức phát động các phong trào thi đua với mục đích vừa động viên, cổ vũ, vừa là “mệnh lệnh” để các chủ thể tham gia dự án nỗ lực phấn đấu, tổ chức triển khai 3 ca 4 kíp, thi công xuyên Lễ, xuyên Tết và đến ngày 19/5, đúng dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, 2 dự án đã được đưa vào khai thác phục vụ nhân dân; đặc biệt Dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã vượt tiến độ 3 tháng so với Hợp đồng.
Đối với Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm, Tập đoàn Sơn Hải đã chủ động rút ngắn các thủ tục về lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt là việc phân chia gói thầu có sản lượng lớn, tổ chức thi công có trọng tâm, trọng điểm, mạnh dạn đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại nhất, nhập khẩu từ châu Âu thi công theo dây chuyền hiện đại hóa. Nhiều thời điểm, trên công trường có đến hơn 4.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia triển khai thi công dự án. Từ đó giúp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả về kinh tế và cho sản phẩm chất lượng cao, đồng đều.
Nhà đầu tư cũng đã bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường so với thiết kế, giúp an toàn hơn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án không thay đổi. Không những thế, Tập đoàn Sơn Hải cam kết bảo hành 10 năm, đây là bảo chứng về niềm tin và trách nhiệm của chủ đầu tư với công trình. Dự án cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư vốn tư nhân theo hình thức PPP.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải cho biết, Dự án cao tốc Nha Trang – Cam Lâm là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP. Có những thời điểm khó khăn dồn lại khiến doanh nghiệp tưởng như không thể vượt qua.
Tuy nhiên, được sự quan tâm tháo gỡ khó khăn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, chính quyền địa phương nên dù gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thi công nhưng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án với uy tín của mình, giữ đúng lời hứa với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ GTVT, rút ngắn tiến độ hơn 3 tháng.
Việc Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ vào thăm động viên công trường, trực tiếp lắng nghe, xử lý những kiến nghị của nhà đầu tư, đặc biệt là thay đổi giải pháp kỹ thuật thực sự là niềm cảm hứng rất lớn cho đơn vị thi công, đồng thời giúp công trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Tập đoàn Sơn Hải đã mạnh tay đầu tư những thiết bị thi công mặt đường hiện đại nhất của châu Âu, chưa từng có tại Việt Nam để kịp hoàn thành công trình vào ngày 19/5/2023 – đúng dịp kỷ niệm ngày sinh của Hồ Chủ tịch.
“Việc rút ngắn thời gian thi công vừa là niềm tự hào của Sơn Hải, nhưng đồng thời mang lại lợi ích cho người dân, bởi được lưu thông miễn phí dù nhà đầu tư phải bỏ thêm nhiều chi phí’, ông Hải chia sẻ và nhấn mạnh dù là một doanh nghiệp tư nhân còn non trẻ tại Việt Nam nhưng đã hứa là làm, đã làm là phải tốt, đảm bảo tiến độ.