“Mục sở thị” ĐHCĐ trực tuyến đầu tiên của REE

Sáng 31/3, CTCP Cơ điện lạnh (REE) chính thức trở thành công ty niêm yết đầu tiên tiến hành ĐHCĐ bán trực tuyến, với hai đầu cầu là TP. HCM và Hà Nội, qua hình thức hội nghị truyền hình (video conference).
Ảnh: Quang Sơn

>> Khai pháo hiệu đại hội cổ đông trực tuyến 

Công nghệ đáp ứng được

9h00, ở đầu cầu TP. HCM, Ban thư ký đại hội công bố ở cả hai đầu cầu đã có 609 cổ đông dự họp, đại diện cho 65,5% số cổ phần, đủ điều kiện tổ chức đại hội theo luật định.

Một số cổ đông cho biết, những năm trước thường uỷ quyền đi dự họp, nhưng năm nay cố gắng tham dự để “mục sở thị” không khí ĐHCĐ trực tuyến.

Tại thời điểm khai mạc, hội trường chính vẫn còn chỗ ngồi. Tuy nhiên, REE đã chu đáo bố trí một phòng họp liền kề, lo xa cổ đông tới tham dự cao đột biến.

Trên hàng ghế đầu xuất hiện lãnh đạo của một số DN niêm yết đến học tập kinh nghiệm tổ chức đại hội trực tuyến. Trong số này có cả những DN vừa thất bại trong lần triệu tập đại hội cách đây 1 - 2 tuần. Trong suốt buổi đại hội ở TP. HCM, màn hình luôn hiển thị quang cảnh đầu cầu Hà Nội. Đường truyền không thật tốt nên đôi lúc âm thanh bị méo, hình ảnh bị nhòe, nhưng về cơ bản, khoảng cách địa lý hai miền đã được thu hẹp.

Ngoài đầu Hà Nội, chất lượng hình ảnh khá tốt. Một số NĐT dù sở hữu rất ít cổ phần cũng tham dự, một phần vì tò mò. Cổ đông Trần Thị Bích, NĐT tại CTCK TP. HCM cho biết, cô đánh giá cao nỗ lực tổ chức ĐHCĐ của REE tại đầu Hà Nội. Thêm vào đó, cách điều hành minh bạch của Ban lãnh đạo REE, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Thanh, khiến cô cảm thấy an lòng khi đầu tư vào đây, dù thời gian vừa qua, giá cổ phiếu REE liên tục giảm.

 

Sôi nổi tranh luận về TPCĐ

Không chỉ là cuộc họp đầy thú vị vì lần đầu tiên một DN niêm yết tổ chức ĐHCĐ trực tuyến, mà ĐHCĐ của REE còn diễn ra đầy hứng thú bởi màn tranh cãi nảy lửa của các cổ đông xung quanh vấn đề có nên hay không thay đổi phương án chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi, dự kiến thực hiện vào đầu tháng 8/2011.

Trong tờ trình ĐHCĐ ngày 31/3, HĐQT của REE đề nghị thay đổi giá chuyển đổi dự kiến từ 13.810 đồng/CP về 12.210 đồng/CP, tương ứng mỗi trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng sẽ được chuyển đổi thành 82 cổ phiếu, thay vì 72 cổ phiếu theo như phương án ban đầu. Lý do được HĐQT đưa ra là cổ đông đã được hưởng cổ tức tỷ lệ 16% mệnh giá bằng tiền mặt theo danh sách chốt ngày 17/2.

Xung quanh đề xuất thay đổi này, một cổ đông ở đầu cầu TP. HCM mở màn bằng phản ứng gay gắt. Cổ đông này cho rằng, việc điều chỉnh phương án khiến lòng tin của cổ đông sụt giảm, giá cổ phiếu đã giảm sẽ càng giảm hơn, gây thiệt thòi cho các cổ đông hiện tại. Cùng quan điểm trên, một cổ đông khác cho rằng, ở góc độ pháp lý, làm sao REE có thể xin ý kiến cổ đông (những người không sở hữu trái phiếu) tại đại hội này để bỏ phiếu thông qua phương án giảm giá chuyển đổi trái phiếu (vì đây là trường hợp lợi ích có liên quan)? Cổ đông cũng lên tiếng cho rằng, REE không nên thay đổi phương án chuyển đổi, do các cổ đông khác cũng bị thiệt, chứ không riêng gì trái chủ. Chưa kể, phương án chuyển đổi đã được các NĐT và trái chủ biết, nếu bây giờ thay đổi, sức ép tăng vốn điều lệ của REE sẽ tăng lên.

“Ban lãnh đạo Công ty đã cảm tính,  khi đề xuất phương án chuyển đổi trái phiếu mới. Điều này sẽ có hại cho uy tín lâu dài của REE”, một cổ đông nhận xét.

Tuy nhiên, có NĐT lại ủng hộ phương án, rằng đây là bước đi “khôn ngoan” của HĐQT nhằm đảm bảo khả năng chuyển đổi trái phiếu thành công và đảm bảo quyền lợi của cổ đông cũ (người hưởng quyền mua trái phiếu) và các trái chủ. Thêm nữa, với phương án chuyển đổi mới, các trái chủ sẽ đỡ bị thiệt thòi, vì thực tế họ chỉ được hưởng lãi suất thấp (8%/năm thay vì 14%/năm như gửi ngân hàng), trong khi có thể phải mua cổ phiếu với giá cao hơn giá thị trường (phiên 31/3, giá cổ phiếu REE là 13.000 đồng/CP).

Theo Chủ tịch của REE, thông lệ quốc tế cho thấy, những DN phát hành trái phiếu chuyển đổi nhưng có thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông trong khoảng thời gian trái phiếu chưa đáo hạn thì DN cũng có thể sẽ xem xét điều chỉnh giá chuyển đổi của trái phiếu để đảm bảo quyền lợi cho trái chủ. Tại REE, ngày 17/2/2011, Công ty đã thực hiện chốt quyền chia cổ tức 16% bằng tiền mặt cho cổ đông và đây là lý do chính khiến REE đề xuất phương án giảm giá chuyển đổi từ 13.810 đồng/cổ phiếu xuống 12.210 đồng/cổ phiếu cho các trái chủ. Tuy nhiên, phương án này cần đại hội cùng xem xét, thảo luận.

Lý giải thêm về việc xin thay đổi phương án chuyển đổi trái phiếu, ông Dominic Scriven, Phó chủ tịch HĐQT REE cho rằng: Xung quanh việc chuyển đổi trái phiếu, có rất nhiều nhóm lợi ích khác nhau (như có người chỉ có trái phiếu mà chưa phải cổ đông, có người là cổ đông mà không có trái phiếu, hoặc có cả trái phiếu lẫn cổ phiếu). Điều quan trọng nhất là cả Ban lãnh đạo cùng các cổ đông đưa ra một phương án chuyển đổi trái phiếu dung hòa tốt nhất lợi ích các bên.

Điều đáng nói là, bên cạnh những ý kiến trái chiều vẫn có không ít cổ đông đứng lên phát biểu thể hiện thái độ ủng hộ quyết định của HĐQT, mà nguyên nhân là do những thành quả trong quá khứ vào thái độ đối thoại cởi mở, chân thành với cổ đông, minh bạch trong quản trị.

“Ban lãnh đạo đã đưa ra phương án dựa trên cân bằng lợi ích các nhóm cổ đông và tôi nghĩ rằng, các vị đã rất nỗ lực. Chính vì vậy, thiệt hại hay không cũng chỉ là rất nhỏ, tôi tin tưởng Ban lãnh đạo và ủng hộ phương án sửa đổi”, một cổ đông phát biểu.

Đến phút cuối, kết luận của ĐHCĐ là giữ nguyên phương án chuyển đổi trái phiếu ban đầu, tức giữ nguyên giá chuyển đổi là 13.810 đồng/CP. Nguyên nhân của việc này là sự công khai rút lui ý tưởng thay đổi từ chính HĐQT Công ty sau khi lắng nghe ý kiến từ cổ đông.

Bùi Sưởng - Ngọc Giang
Bùi Sưởng - Ngọc Giang

Tin cùng chuyên mục