Một trong những cách mà ngành Du lịch đóng góp vào tổng mức bán lẻ hàng hóa là thông qua việc tạo ra nhu cầu tiêu dùng địa phương. Thông thường, khách du lịch thường muốn trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và sản phẩm địa phương khi họ đến một địa điểm mới, điều này thúc đẩy nhu cầu mua sắm cho các sản phẩm địa phương như đồ thủ công, đặc sản và quà lưu niệm...
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2024 của Tổng cục Thống kê, tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 49,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; may mặc tăng 12,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,1%; du lịch lữ hành tăng 57,6%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%).
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%).
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 7,8%; Bình Dương tăng 7,7%; Đồng Nai tăng 6,9%; Đà Nẵng tăng 6,8%; TP.HCM tăng 6,4%; TP. Hà Nội tăng 5,3%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 237,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương như sau: Đà Nẵng tăng 23,2%; Quảng Ninh tăng 22,3%; Hải Phòng tăng 14,5%; TP. HCM tăng 12,6%; TP. Hà Nội tăng 12,5%; Cần Thơ tăng 9,1%.
Doanh thu dịch vụ khác 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 211,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,2% tổng mức và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu 4 tháng đầu năm 2024 của một số địa phương như sau: Lào Cai tăng 26,5%; Kiên Giang tăng 23,4%; Thừa Thiên - Huế tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,4%; TP. HCM tăng 10,8%; Quảng Bình tăng 9,7%; Bình Dương tăng 8,6%; Cần Thơ tăng 8,0%; TP. Hà Nội tăng 5,8%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành 4 tháng đầu năm các năm 2020-2024. (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Theo đó, các hoạt động giải trí như tham quan, vui chơi và giải trí đều được du khách quan tâm và chi tiêu. Các nhà hàng, quán bar, khu vui chơi giải trí, dịch vụ spa… thường trở thành điểm đến phổ biến cho du khách muốn thưởng thức và nghỉ ngơi. Điều này không chỉ tạo ra thu nhập cho các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, mà còn tăng cường hình ảnh thương hiệu và sự phát triển của cộng đồng địa phương.
Cùng với đó, sự đóng góp tích cực của ngành Du lịch cũng góp phần phát triển các ngành kinh doanh liên quan như vận tải, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ cung cấp. Hệ thống vận tải công cộng và cá nhân cũng phải mở rộng để đáp ứng nhu cầu di chuyển của du khách.
Với chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn tiếp tục phát huy tác dụng, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam khá cao so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 4/2024, số lượng khách quốc tế đến nước ta đạt gần 1,6 triệu lượt người, tăng 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, doanh thu du lịch lữ hành 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 19,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,0% tổng mức và tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, nhu cầu du lịch từ tháng 4 bắt đầu tăng khiến hoạt động vận tải diễn ra sôi động phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch và tiêu dùng của nhân dân trong ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30/4 - 1/5.
Vận tải hành khách tháng 4/2024 ước đạt 403,2 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 1,3% và luân chuyển đạt 22,8 tỷ lượt khách.km, tăng 3,1% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vận tải hành khách ước đạt 1.602,6 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.