Mua xe bên thế chấp giữ giấy tờ gốc: Ngân hàng cũng lo sốt vó

Đại diện ngân hàng cho biết, nếu không giữ giấy tờ gốc của bên thế chấp bằng các thoả thuận dân sự thì khó có ngân hàng nào dám cho vay mua ô tô, do lo ngại có thể phát sinh nợ xấu khó kiểm soát.

Nghị định vênh Luật?

Trong vài năm gần đây, nhu cầu sử dụng ô tô trong sinh hoạt và trong kinh doanh tăng cao, khiến thị trường cho vay mua ô tô phát triển rất mạnh.

Người mua có thể vay đến 75% giá trị xe và thời gian vay tới 7 năm, ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc và cung cấp cho chủ phương tiện bản photo có công chứng bằng các thoả thuận dân sự.

Tuy nhiên, mới đây có trường hợp người vay mua ô tô giữ giấy tờ công chứng bị CSGT phạt vì không đem theo Giấy Đăng ký xe bản gốc. Theo Cục CSGT thì chủ sở hữu phương tiện vẫn cần xuất trình giấy tờ gốc khi CSGT yêu cầu và theo nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của NHNN thì bên thế chấp (người vay mua xe) được quyền giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực.

Tuy pháp luật vẫn bảo vệ quyền và lợi ích của các ngân hàng nhận thế chấp xe, tuy nhiên đối mặt với rủi ro quá cao, trong khi tài sản thế chấp là phương tiện di chuyển khắp nơi trên cả nước nên không dễ theo dõi, quản lý   

Trao đổi về vấn đề này, đại diện một ngân hàng thương mại cho biết, hiện tại khi thực hiện các thủ tục cho vay mua ô tô, giữa ngân hàng và bên thế chấp luôn có thoả thuận dân sự, cho phép bên nhận thế chấp (phía ngân hàng) giữ bản chính và thoả thuận này căn cứ theo Điều 323 của Bộ luật Dân sự năm 2015 hiện hành khẳng định quyền của bên nhận thế chấp: “Giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Vị này cho rằng, trong trường hợp nói trên, Luật là văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội và nếu có các quy định khác, thì quy định này phải tuân thủ theo Luật, chứ không phải tuân thủ theo quy định khác của Nghị định.

Mặc khác, ông cũng cho rằng, quy định tại Nghị định số 163 không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2005 trước đây và Bộ luật Dân sự 2015 hiện nay về việc các bên có thể thỏa thuận về việc bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.

Căn cứ khoản 2 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”.

Căn cứ theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Với quy định này, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015 bởi được thay thế bằng Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, Nghị định số 163 (và các văn bản sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163) với tính chất là văn bản quy định chi tiết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về giao dịch bảo đảm, cũng đã hết hiệu lực.

Đại diện ngân hàng này cho rằng, về mặt pháp lý quy định nêu trên của Nghị định số 163 không phù hợp và gây khó khăn, vướng mắc cho các tổ chức tín dụng trong việc nhận, quản lý và xử lý tài sản bảo đảm.

“Nghị định 11 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 163) có từ năm 2012, các ngân hàng vẫn giữ bản đăng ký gốc từ đó đến nay mà CSGT vẫn chấp nhận, sao đến nay lại lấy đây làm lý do để phạt lái xe khi tham gia giao thông; ngoài ra bên cạnh bản sao Giấy đăng ký có đóng dấu sao y của ngân hàng chứ không cần phải Công chứng, còn có Sổ kiểm định xe bản gốc, Giấy Bảo hiểm bản gốc nên việc xác định chủ xe không có khó khăn gì”, ông nói thêm.

Quy định có thể gây khó khăn cho nhiều bên

Nhân viên bộ phận pháp chế của một ngân hàng đề nghị dấu tên cho biết, trước khi cho vay mua ô tô, cho dù ngân hàng tra soát rất kỹ các hồ sơ của khách hàng nhưng vẫn có khách hàng gây khó khăn cho ngân hàng bằng việc mang xe đi cầm cố, thậm chí đi… bán bằng giấy viết tay do nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Trong trường hợp khách hàng giữ giấy tờ gốc, các thoả thuận mua bán dễ dàng hơn thì việc khách hàng đem tài sản đảm bảo tại ngân hàng đi thế chấp, hoặc bán lại có thể tăng cao, gây bất lợi cho ngân hàng, cho người mua và phát sinh những vấn đề liên quan đến an ninh của xã hội", nhân viên này nói.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại thẳng thắn: “Nếu thực hiện việc giao bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông cho chủ phương tiện theo yêu cầu của Bộ Công an và NHNN thì tỷ lệ nợ xấu đối với phân khúc tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông có thể lên đến 2 con số, xuất phát từ sự dễ dàng trong việc khách hàng có thể tự ý xử lý, mua bán, chuyển nhượng phương tiện đang là tài sản thế chấp”.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Luật sư – Tiến sĩ Bùi Quang Tín cũng cho rằng, quy định Nghị định số 163 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 11) về giao dịch đảm bảo trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn khi thực thi trên thực tế và chưa hoàn toàn phù hợp với quy định tại quy định tại khoản 1 Điều 320 tại BLDS 2015 về Nghĩa vụ của bên thế chấp “Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

“Tuy pháp luật vẫn bảo vệ quyền và lợi ích của các ngân hàng nhận thế chấp xe, tuy nhiên đối mặt với rủi ro quá cao, trong khi tài sản thế chấp là phương tiện di chuyển khắp nơi trên cả nước nên không dễ theo dõi, quản lý.

Mặt khác, với các quy định hiện hành sẽ làm cho các ngân hàng hạn chế tối đa việc nhận thế chấp xe ô tô, dẫn đến khó khăn cho loại hình cho vay này đang phổ biến hiện nay, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngân hàng và chức năng trung gian tài chính của hệ thống ngân hàng.

Vì thế, các ngân hàng buộc phải giữ bản gốc cà vẹt xe ô tô”, ông Tín phân tích.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Trung Thành - luật sư của đoàn luật sư Hà Nội cho biết, thực tế khi nhận thế chấp phương tiện giao thông và giữ bản chính của giấy tờ liên quan đến phương tiện, vẫn có không ít trường hợp Bên thế chấp mặc dù không giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhưng vẫn thực hiện việc cầm đồ, bán cho bên thứ ba bằng giấy viết tay…

Khi xảy ra nợ quá hạn, ngân hàng đề nghị Cơ quan công an hỗ trợ thu hồi tài sản từ Bên thứ ba để xử lý thu hồi nợ.

Tuy nhiên, Cơ quan công an vẫn cho rằng người mua tài sản bằng giấy tờ viết tay vẫn có quyền lợi liên quan đến phương tiện giao thông mà Bên thế chấp đang thế chấp tại ngân hàng, do đó, ngân hàng vẫn chưa được đảm bảo quyền lợi theo Hợp đồng thế chấp đã ký với Bên thế chấp.

Mặt khác, khi ngân hàng thu giữ và thực hiện bán đấu giá tài sản bảo đảm thì ngân hàng phải bàn giao bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông cho người mua lại tài sản đấu giá đó để làm thủ tục sang tên tại Cơ quan công an.

“Nếu như thực hiện việc giao bản chính giấy tờ xe cho bên thế chấp như quy định tại Nghị định số 163 và yêu cầu của Bộ Công an, thì các ngân hàng và các tổ chức tín dụng sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Thành nói.

Theo Dân Trí

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục