Mua sắm Chính phủ: Không chuẩn bị, nhà thầu nội sẽ “tuột tay” các gói thầu lớn

Doanh nghiệp trong nước có thời gian từ 2 đến 10 năm để thích ứng với những thay đổi trong yêu cầu mua sắm Chính phủ và sự cạnh tranh khốc liệt của nhà thầu quốc tế trong lĩnh vực này.
Mua sắm Chính phủ: Không chuẩn bị, nhà thầu nội sẽ “tuột tay” các gói thầu lớn

Cạnh tranh sòng phẳng theo luật pháp quốc tế là thay đổi lớn nhất khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sau gần 2 năm nữa (tháng 1/2018) và tiếp đó sẽ là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từ 3 đến 10 năm sau khi TPP được các nước thành viên phê chuẩn.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cả EU và các thành viên TPP đều có những quy định rất khắt khe đối với các gói thầu mua sắm bằng tiền ngân sách (được gọi chung là mua sắm Chính phủ), mà nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị từ bây giờ, nguy cơ “tuột tay” với các gói thầu này là rất lớn.

Cụ thể, theo bà Hằng, thay đổi lớn nhất là các thành viên tham gia TPP sẽ không căn cứ vào tính chất nguồn vốn (ngân sách – PV) như hiện nay mà sẽ dựa vào chủ thể mua sắm, hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm và ngưỡng giá gói thầu để điều chỉnh hợp đồng. Cơ chế ưu đãi về giá, các biện pháp ưu đãi cho doanh nghiệp trong nước cũng giảm dần theo thời gian. Thay vào đó, doanh nghiệp trong nước sẽ phải chấp nhận “chơi” theo luật pháp quốc tế và từng nước thành viên EU hoặc TPP.

Là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng lớn từ TPP, ông Vũ Văn Hưng (Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ Y tế) thừa nhận, thực tế tại cả đơn vị quản lý, chủ đầu tư và các doanh nghiệp đang “tồn tại những hạn chế trong nắm bắt những thay đổi của hệ thống pháp luật của hoạt động  cung ứng dịch vụ và mua sắm Chính phủ”.

“Qua các buổi phổ biến thông tin, chúng tôi mới phát hiện các đơn vị trong ngành y tế hiểu biết rất ít về Luật Đấu thầu, nhiều khi chẳng hiểu gì cả. Trong khi đó, đấu thầu thuốc là lĩnh vực rất nhạy cảm, có rất nhiều vấn đề phải nghiên cứu. Có những loại thuộc chỉ có duy nhất 1 nhà cung cấp thì tiến hành đấu thầu, chỉ định thầu sao cho đúng…(?)”, ông Hưng thắc mắc.

Trả lời thắc mắc của đại diện Bộ Y tế, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng cho biết, trước khi TPP được tất cả các nước thành viên phê chuẩn, chắc chắn rằng, trong vòng 2 năm nữa, chúng ta phải thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Thời gian thực thi quy định về mua sắm Chính phủ đã cận kề, có thể sẽ phải bắt đầu từ tháng 1/2018. Riêng với hoạt động mua sắm ở Bộ Y tế, không chỉ 4 đơn vị và 34 bệnh viện, không chỉ thuốc, mà các lĩnh vực cần phải điều chỉnh còn cả trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao…

Để giúp doanh nghiệp, nhà thầu và đơn vị quản lý tiếp cận thông tin dễ dàng, các quy định mới trong việc đấu thầu, mua sắm Chính phủ, các thông báo mời thầu sẽ được đăng tải miễn phí trên phương tiện điện tử. Trong đó, các thông tin, yêu cầu cụ thể về gói thầu cũng sẽ chi tiết hơn so với yêu cầu của pháp luật hiện nay; quy định cụ thể về thời gian đấu thầu và tổ chức đấu thầu qua mạng.

“Việt Nam sẽ có thời gian từ 2 đến 10 năm để thích ứng với sự thay đổi của các quy định mới về đấu thầu/mua sắm Chính phủ. Để tham gia được vào sân chơi EVFTA và lớn hơn là TPP, các nhà thầu trong nước cần chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực pháp lý, đặc biệt là luật pháp của các thành viên tham gia TPP”, bà Hằng khuyến cáo.

Nói về cơ hội của doanh nghiệp Việt trong “sân chơi” TPP và trước mắt là EVFTA kể từ đầu năm 2018, ông Lê Văn Tăng, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, cơ hội là rất lớn với việc hàng loạt dòng thuế được cắt giảm, quy định về ưu tiên sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các thành viên trong khối. Tuy nhiên, khả năng thành công đến đâu hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp.

“Việc lớn nhất mà doanh nghiệp/nhà thầu Việt Nam phải thay đổi là phải tập đứng trên đôi chân của mình, không được dựa vào nhà nước nữa vì vào TPP là cạnh tranh sòng phẳng, giá thành hàng hóa, dịch vụ phải rẻ, chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của mỗi nước thành viên. Doanh nghiệp phải tìm hiểu cặn kẽ luật pháp của các nước sở tại để cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật, sẽ không còn chuyện như ngày xưa là có vấn đề gì lại… alo một cái”, ông Tăng nói.

Ở chiều hướng tích cực, ông Tăng cũng tự tin vào khả năng thành công của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường các nước thành viên EU, TPP khi có những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam đủ sức chinh phục thị trường quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam phải có nhiều hơn nữa những doanh nghiệp có khả năng vươn ra thị trường quốc tế chứ nếu chỉ có 1 số ít thì lợi ích mà TPP mang lại sẽ khó được lan tỏa đến đại bộ phận người dân.

Hà Quang
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục