Mua nợ đúng giá, bán ra có lời

Con số nợ xấu chính xác và nguồn vốn để mua nợ xấu là những vấn đề đang được giới chuyên môn quan tâm.
Mua nợ đúng giá, bán ra có lời

 Mua nợ đúng giá, bán ra có lời ảnh 1

Nợ xấu ngân hàng đang cần được bán để làm lành mạnh hóa nền kinh tế (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị đề xuất Chính phủ cho thành lập công ty mua bán nợ  đang được dư luận xã hội chú ý.

 

Mù mờ nợ xấu

 

Những thông tin ban đầu được NHNN cung cấp về công ty mua bán nợ chưa đủ để giới chuyên môn bình luận, phân tích sâu hơn nhưng có một điều nhận thấy rất rõ là con số cụ thể về nợ xấu chưa đáng tin cậy.

 

Theo công bố của NHNN, nợ xấu của hệ thống NH tăng từ 2,2% năm 2010 lên đến 3,6% vào năm 2011. Vào thời điểm đó, ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), hé lộ tại diễn đàn Quốc hội rằng nợ xấu NH “lớn hơn nhiều” so với con số được NHNN công bố, chủ yếu phát sinh từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và lĩnh vực bất động sản.

 

 

Khi con số nợ xấu chưa rõ ràng thì việc thành lập một công ty mua bán nợ xấu và phương thức định giá, mua bán thế nào cũng khó minh bạch.

Còn theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách - Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, tính đến cuối năm 2011, nợ xấu của hệ thống NH đã bóc tách nợ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) là khoảng 8,25% - 14,01% tổng dư nợ tín dụng. Số liệu này được phân tích dựa trên công bố nợ xấu của hơn 20 NH thương mại,  trong đó có các NH lớn như VietinBank, Vietcombank… Hãng đánh giá tín dụng Fitch Ratings thì ước tính nợ xấu của Việt Nam vào cuối năm ngoái khoảng 13%.

 

Trong tuyên bố mới nhất, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận nợ xấu đã tăng rất nhanh trong nửa đầu năm nay và công bố nợ xấu NH cập nhật ở thời điểm đầu năm nay là 6% và đến tháng 6-2012 đã vọt lên 10%, có giá trị tới 256.000 tỉ đồng, tương đương 10% GDP cả nước.

 

Không phải bổn phận của Nhà nước

 

Nợ xấu được ví như “cục máu đông” đang gây những điểm nghẽn lưu thông máu của cả nền kinh tế. Các NH đang dư thừa vốn nhưng không cho vay được vì nợ xấu của doanh nghiệp vượt quá ngưỡng an toàn. Một trong những công cụ hiệu quả để làm tan “cục máu đông” này là công ty mua bán nợ.

 

Cả thế giới và Việt Nam đều đã có những thành công khi sử dụng công cụ mua bán nợ trong các thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Nhưng hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế đang lo ngại về hiệu quả của công cụ này, do hệ thống NH Việt Nam đang có những sở hữu chéo phức tạp, chưa nhận diện hết. Hơn nữa, công ty mua bán nợ là một DNNN cũng là vấn đề cần suy nghĩ vì DNNN gần đây đang có nhiều “điều tiếng”.

 

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng cần phải lường trước nguy cơ nhóm lợi ích NH tìm cách đẩy nợ xấu cho công ty mua bán nợ để thu hồi vốn đầu tư đang xuống giá. Như vậy, lúc ấy ngân sách Nhà nước sẽ đứng ra gánh hậu quả thay các đại gia. Đó là chưa kể đến khả năng công ty này mua nợ xấu với giá cao, đem lại lợi ích cho NH nhưng thiệt hại cho ngân sách. Các món nợ phải được định giá nghiêm túc, nợ nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 không thể được mua với giá như nợ nhóm 4 và nhóm 5 vì mức độ rủi ro khác nhau thì chất lượng khác nhau và giá cả khác nhau.

 

Chuyên gia này nhấn mạnh Nhà nước chỉ có thể đứng ra cung cấp vốn cho công ty mua bán nợ nhưng Nhà nước không có bổn phận thu mua nợ xấu NH. Vì vậy, dù công ty mua bán nợ thuộc NHNN hay Bộ Tài chính thì cũng phải bảo đảm hoạt động có lãi, tức là mua nợ đúng giá và bán ra có lời.


NLĐ

Tin cùng chuyên mục