Mùa nhập hàng Tết cuối năm: Áp lực lên tỷ giá không nhiều!

(ĐTCK) Trả lời Báo Đầu tư Chứng khoán về diễn biến tỷ giá trong những tháng cuối năm, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD vào tháng 12/2016 là có thể xảy ra. Tuy nhiên, theo các dự báo trên thị trường, biên độ tăng lãi suất lần này của Fed cũng chỉ ở mức 0,25%, nên không tạo nhiều áp lực lên tỷ giá tiền đồng. 
Hiện cung ngoại tệ vẫn ổn định

Ông đánh giá thế nào về xu hướng tỷ giá trong 2 tháng cuối năm, khi đây thường là thời điểm nhu cầu về ngoại tệ nhập hàng tiêu dùng Tết gia tăng, thưa ông?

Đúng là các tháng cuối năm cầu ngoại tệ thường tăng lên và thực tế cũng cho thấy, xu hướng tỷ giá đang có phần nhích lên, mặc dù rất nhỏ. Với tình hình dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam như hiện nay, bên cạnh sự gia tăng của dòng vốn kiều hối trong cán cân thương mại, sẽ không tạo lên áp lực khiến Việt Nam phải điều chỉnh tỷ giá.

Tuy nhiên, theo tôi, sự biến động của đồng Nhân dân tệ cũng là yếu tố rất quan trọng cần phải lưu ý. Bởi, nếu kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh và họ dùng tỷ giá như là một công cụ để kích thích tăng trưởng kinh tế thì Việt Nam cũng phải có sự điều chỉnh tương ứng.

Ông Phạm Hồng Hải 
Vậy cầu ngoại tệ tăng liệu có ảnh hưởng đến nguồn cung?

Hiện cung ngoại tệ trên thị trường vẫn ổn định. Hơn nữa, trong 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã mua vào hơn 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, cộng thêm các dòng vốn FDI, kiều hối… nên tôi cho rằng, nguồn cung ngoại tệ sẽ đáp ứng đủ nhu cầu, dù có tăng.

Theo ông, những biến cố nào của nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nói chung và doanh nghiệp trong nước nói riêng trong thời gian tới?

Việt Nam đang dần hội nhập sâu rộng vào thế giới, nên tất cả những biến động trên thế giới đều ít nhiều có ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng, Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Trung Quốc. Từ năm 2004 đến nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Trung Quốc trong khu vực ASEAN. Vì vậy, nếu nền kinh tế Trung Quốc bị sốc hoặc giảm tốc tăng trưởng sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Việt Nam. Một khi đồng Nhân dân tệ được điều chỉnh sẽ có tác động đến tỷ giá tiền đồng.

Ngoài ra, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ hay sự kiện Brexit (việc Anh rời Liên minh châu Âu – EU) cũng có ảnh hưởng nhất định đến kinh tế trong nước. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải linh động và tôi tin rằng, Chính phủ cũng đã chủ động trong việc đàm phán các hiệp định thương mại song phương, cũng như đa phương để tận dụng được các hệ quả.

Gần đây, nhiều dự báo cho rằng, có khả năng Fed sẽ tăng lãi suất đồng USD trong tháng 12 tới, thậm chí là ngay trong tháng 11 này. Động thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tỷ giá USD/VND, thưa ông?

Theo tôi, nhiều khả năng Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản đồng USD, tuy nhiên, biên độ tăng chỉ nằm trong khoảng hẹp, ở mức 0,25% như lần tăng lãi suất đầu tiên của Fed sau hơn một thập kỷ vào cuối năm 2015.

Mặt khác, việc tăng lãi suất của Fed cũng đã được dự liệu, nên sẽ không tạo ra “cú sốc” cho thị trường, cũng như gây áp lực lớn lên tỷ giá trong nước. Điều thị trường quan tâm nhất hiện nay là tốc độ tăng lãi suất của Fed trong tương lai sẽ như thế nào? Nếu Fed vẫn giữ tốc độ tăng lãi suất chậm và đều như trong thời gian qua thì cũng không có vấn đề quá lo ngại, thị trường tài chính vẫn sẽ ổn định. Ngược lại, nếu tốc độ tăng lãi suất của Fed nhanh sẽ là vấn đề đáng lo.

Việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tỷ giá ổn định thời gian qua được đánh giá là thành công, song có ý kiến cho rằng, tỷ giá chưa hỗ trợ được các doanh nghiệp xuất khẩu. Ông nghĩ sao về điều này?

Tỷ giá là một phần để đảm bảo cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không đảm bảo được chất lượng, uy tín và thời gian giao hàng… thì sản phẩm của doanh nghiệp khó có thể xuất khẩu ra thị trường các nước, cũng như cạnh tranh với hàng hóa của các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Chẳng hạn, với các sản phẩm nông nghiệp (trái cây) không có kích cỡ và chất lượng đồng nhất, nên rất khó có thể xuất khẩu hàng hóa ra thị trường các nước. Vì thế, ngay cả khi Việt Nam phá giá tiền đồng 5% cũng khó có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa cạnh tranh được với các nước khác.

Thùy Vinh thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục