Mua nhà thời bão giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời buổi vật giá leo thang, giá bán căn hộ tại TP.HCM cũng liên tiếp leo dốc khiến nhiều gia đình gặp trắc trở trong giấc mơ mua nhà, thế nhưng nếu biết “liệu cơm gắp mắm” thì câu chuyện an cư vẫn có... lối ra.
Người có nhu cầu ở thực vẫn được ngân hàng và chủ đầu tư hỗ trợ. Ảnh: Việt Dũng Người có nhu cầu ở thực vẫn được ngân hàng và chủ đầu tư hỗ trợ. Ảnh: Việt Dũng

Trắc trở giấc mơ an cư

Cầm trong tay cuốn sổ tiết kiệm 2 tỷ đồng, anh Nguyễn Hồng Hà (quê Nghệ An, đang trọ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, đây là số tiền anh tiết kiệm được sau 10 năm vào Sài Gòn lập nghiệp với tấm bằng kỹ sư cơ khí.

Do xác định mình kiến thức đầu tư hạn chế nên nhiều năm qua, anh chỉ gửi ngân hàng để gia tăng khoản tiết kiệm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, lạm phát có nguy cơ tăng nhanh, vật giá leo thang nên vừa lo tiền mất giá, vừa sốt ruột khi thấy nhiều người thân quen mua được nhà. Thế nhưng, khi đi tìm hiểu thì mới thấy, số tiền sở hữu vẫn chưa đủ để nhà khu vực nội đô.

Anh Hà kể, thời điểm bắt đầu vào TP.HCM, giá căn hộ tại đây khá rẻ, chỉ cần khoảng 1 tỷ đồng là có thể mua được một căn chung cư 60-70 m2 không quá xa khu vực trung tâm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá bất động sản tại TP.HCM, đặc biệt tại các quận trung tâm như quận 1, 3, 10… tăng dựng đứng, các dự án nội đô hiếm như sao buổi sớm vì tắc thủ tục, thậm chí ngay cả khi chấp nhận đi xa cũng không có nhà giá hơn 2 tỷ đồng. Anh cũng tính đến chuyện đi vay ngân hàng, nhưng nhiều nơi từ chối cho vay với nhiều lý do.

Đoạn trường mua nhà của anh Hà cũng là câu chuyện chung của đa phần lao động ngoại tỉnh tại những đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội, bởi tốc độ tăng giá nhà hiện đã vượt xa tốc độ tăng thu nhập. Chỉ riêng địa bàn TP. Thủ Đức, giá bán của các dự án chung cư mới tại quận 9 cũ chào hàng trong 12-18 tháng qua đều không dưới 50 triệu đồng/m2, còn tại quận Thủ Đức cũ là 80-100 triệu đồng/m2, thậm chí quận 2 cũ còn không có căn hộ bình dân và trung cấp, mà chủ yếu là căn hộ cao cấp và hạng sang với mức giá từ 5.000-6.000 USD/m2 (tương đương 110-130 triệu đồng/m2) trở lên.

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Lê Thành, trong 2 năm qua, giá đất tại nhiều khu vực ở TP.HCM đã tăng 2-3 lần, giá nguyên vật liệu đầu vào cũng tăng phi mã. Trong khi đó, tiền thuế sử dụng đất mới chỉ đóng tạm ứng vì thiếu hướng dẫn. Do chưa tính được giá đầu vào cụ thể nên doanh nghiệp phải bán giá cao để “trừ hao”, phòng trường hợp phải đóng tiền sử dụng đất bổ sung. Cùng với đó, việc Nhà nước kiểm soát chặt dòng tiền vào bất động sản cũng khiến các chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn phát triển dự án, dẫn đến nguồn cung sản phẩm càng khan hiếm.

“Với bối cảnh hiện tại, cần ít nhất 2 năm nữa nguồn cung nhà ở mới có thể cải thiện, còn từ nay tới cuối năm vẫn sẽ khan hiếm, giá nhà cũng khó có thể giảm trong ngắn hạn khi các loại chi phí đầu vào đồng loạt tăng cao như hiện nay”, ông Nghĩa nhận định.

Lao động ngoại tỉnh có thể sở hữu nhà nếu biết “liệu cơm gắp mắm”.

Lao động ngoại tỉnh có thể sở hữu nhà nếu biết “liệu cơm gắp mắm”.

Vẫn có cơ hội sở hữu nhà cho người lao động

Mặc dù giá nhà ở hầu hết dự án đều đã neo ở mức cao, nhưng điều đó không hẳn khép lại cơ hội sở hữu nhà ở của người dân. Tìm hiểu thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho thấy, với khoản tài chính khoảng 2 tỷ đồng, người có nhu cầu vẫn có thể mua được nhà chung cư diện tích nhỏ, đã qua sử dụng ở khu vực nội đô, nếu muốn mua nhà mới thì phải chấp nhận ra xa trung tâm.

Chẳng hạn, tại quận 2 cũ, với khoảng từ 2-2,2 tỷ đồng, người mua nhà có thể tiếp cận căn hộ có diện tích 30-36 m2 tại một số dự án ở phường An Phú như dự án Căn hộ văn phòng officetel Lexington, Chung cư 64 Xuân Thủy, Mười Mẫu, La Astoria, Petroland, An Lộc - An Phúc, Thủ Thiêm Xanh…

Tương tự, trên địa bàn quận 9 cũ, một số dự án căn hộ vẫn còn giao dịch trong vùng giá này, nhưng nhà chỉ có 1 phòng tắm như Man Thiện, EHome 1, Thủ Thiêm Garden, Citrine Apartment, Ricca, Flora Anh Đào, Flora Kikyo, Flora Fuji, The Eastern… Các dự án này phần lớn đã bàn giao từ 6-10 năm trước, thuộc phân khúc nhà ở bình dân hoặc trung cấp.

Trường hợp muốn sở hữu nhà mới, dự án Bcons Polygon tại phường An Bình, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương là cái tên được nhắc tới khi đang được nhiều ngân hàng hỗ trợ, chính sách thanh toán được đánh giá phù hợp với người trẻ.

Cụ thể, để ký hợp đồng mua bán, khách hàng chỉ cần thanh toán trước từ 15-20% giá nhà, phần còn lại ngân hàng hỗ trợ cho vay và chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất 0% và ân hạn nợ gốc trong 2 năm đầu.

Cũng tại TP. Dĩ An, dự án Phú Đông Sky Garden của Phú Đông Group cũng đang áp dụng chương trình kích cầu mua nhà tương tự, khách hàng chỉ cần đóng trước 20% giá trị căn hộ, 50% còn lại được ngân hàng hỗ trợ vốn với lãi suất 0%, ân hạn nợ gốc đến khi nhận nhà.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Giám đốc Kinh doanh Phú Đông Group cho hay, doanh nghiệp tập trung 80% nguồn lực hướng đến dòng sản phẩm dành cho người trẻ nên có thiết kế sản phẩm cũng như chính sách thanh toán phù hợp.

Còn ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho hay, bên cạnh sở hữu căn hộ, nhà đầu tư cũng có thể đầu tư vào đất nền tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai với các điều kiện như dự án có vị trí không quá xa TP.HCM, có giá bán hợp lý để chờ cơ hội tăng giá trong tương lai, khu vực có tiềm năng phát triển các khu công nghiệp với hạ tầng kết nối hoàn thiện...

“Trong thời điểm này, đất nền không phù hợp lướt sóng ngắn hạn, mà cần giữ tối thiểu trong năm đầu mới có thể có lợi nhuận. Nếu đầu tư dài hơi hơn, từ 3-5 năm, lợi nhuận thu về có thể đạt 50%, thậm chí cao hơn”, ông Quang gợi ý.

Việt Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục