Đa dạng sản phẩm
Nằm ở vị trí trong vành đai nội chí tuyển của bán cầu Bắc, Việt Nam phải nhận một lượng bức xạ mặt trời với nền nhiệt độ trung bình rất cao. Số giờ nắng gắt lên đến 1.400-3.000 giờ/năm. Cao điểm vào những mùa nắng nóng, ở các thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hóa, Đà Nẵng…, nhiệt độ ngoài trời có thể ở mức lên đến gần 500C.
Ngày 21/5, chỉ số tia UV ở Hà Nội có giá trị 8-10, ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Theo ghi nhận, nền nhiệt thực tế được đo vào 12h trưa lên tới 50 độ C, nắng nóng đặc biệt gay gắt và khó chịu.
Khi bắt buộc phải ra đường, người dân trang bị khẩu trang, kính râm, áo chống nắng để tránh ánh nắng và hơi nóng phả lên từ mặt đường. Vất vả nhất là những người lao động làm việc ngoài trời nắng. Đây sẽ là điều kiện để thị trường tấm lợp, nhất là tấm lợp cách nhiệt trở nên sôi động hơn. Tuy nhiên, thực tế thị trường không phải như vậy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, TS. Võ Quang Diệm, Chủ tịch Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cho biết, nguồn cung trên thị trường tấm lợp hiện rất đa dạng. Người dân đã sử dụng đại trà với tất cả các loại tấm lợp từ amiăng đến các loại tấm lợp bằng tôn, tấm lợp cách nhiệt. Tuy nhiên, tùy loại sản phẩm mà nhu cầu khác nhau. Đơn cử, với các loại tấm lợp từ amiăng hầu như sản xuất đến đâu bán đến đó. Nhờ có sự cải tiến về chất lượng nên sản phẩm này rất được ưa chuộng, nhất là xây dựng dân dụng. Hay các loại tấm lợp cách nhiệt nói riêng, gần như là sản phẩm “độc quyền” trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà máy chế xuất.
Trong khi đó, ông Thái Duy Sâm, Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cũng cho biết, thị trường tấm lợp nói chung và tấm lợp cách nhiệt nói riêng hiện đã sử được sử dụng phổ biến, đại trà trên toàn quốc. Hiện nay, vật liệu lợp có nhiều loại, ngoài ngói đất nung, amiăng, các loại tôn mát cách nhiệt…, còn có các loại tấm lợp từ nhựa, thậm chí là tấm lợp tái chế từ chất thải công nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Sâm, dù thời tiết đã nắng nóng gay gắt nhưng nhu cầu sử dụng tấm lợp cách nhiệt vẫn chưa nóng lên như mọi năm. Có thể do tác động từ dịch bệnh nên thị trường vẫn trầm lắng, mức tiêu thụ giảm mạnh.
Theo ghi nhận của phóng viên, các sản phẩm chống nóng phổ biến trên thị trường hiện nay là tôn cách nhiệt, do các nhà sản xuất phủ lớp PU dày 16 mm cách nhiệt bên dưới tôn. Điều này mang lại hiệu quả cách nhiệt rõ rệt. Bên cạnh đó, những loại vật liệu xây dựng như tấm lợp Onduline, tấm Poly Carbonate, tôn nhựa sợi thủy tinh cũng được nhiều người lựa chọn làm vật liệu chống nóng cho mái. Các sản phẩm này có giá bán khá bình dân, chẳng hạn tôn dán cách nhiệt Cát Tường có giá từ 124.000 - 160.000 đồng/tấm 1.07m2; tôn lạnh Đông Á có giá từ 64.000 - 110.000 đồng/tấm kích thước 1.07m2; tôn lạnh Hoa Sen tùy từng trọng lượng, độ dày cũng có giá chỉ từ 48.000 - 92.000 đồng/tấm có kích cỡ 1.07m2…
Với các tấm cách nhiệt cao cấp nhập khẩu như Aldron, tùy từng trọng lượng và kích thước, có giá từ 530.000 đồng đến gần 1,5 triệu đồng/tấm; tấm lợp lấy sáng chống nóng của hãng Solarflat, tùy từng kích thước, trọng lượng có giá dao động từ hơn 200.000 đồng đến 1,8 triệu đồng/tấm. Tuy nhiên, lượng cầu năm nay giảm sút rất lớn do tác động của dịch bệnh, hoạt động xây dựng giảm sút.
Trao đổi với phóng viên, nhiều nhà phân phối tấm lợp cho biết, thông thường vào đầu mùa nắng từ khoảng tháng 4 trở đi là thời gian thị trường tấm lợp nói chung và tấm lợp cách nhiệt nói riêng bắt đầu vào mùa. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, thị trường xây dựng nên thị trường tấm lợp, nhất là tấm lợp cách nhiệt cũng chịu tác động xấu.
Chia sẻ với Báo Đầu tư bất động sản, bà Châu, phụ trách marketing hãng tấm lợp M-Green cho biết: “Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thị trường tấm lợp cách nhiệt cũng khá trầm lắng. Hiện tại, giao dịch trên thị trường chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ năm trước”.
Đồng quan điểm này, trao đổi với phóng viên, ông Nghiêm Việt Cường, Giám đốc Công ty TNHH Vật liệu nhiệt Phát Lộc cho biết: “Thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường xây dựng giảm sút, người dân thắt chặt mọi chi tiêu, nên thị trường tấm lợp nói chung gặp nhiều khó khăn. Nếu so sánh lượng tiêu thụ tấm lợp cách nhiệt trên thị trường hiện nay với cùng kỳ năm trước thì thị trường suy giảm từ 30 - 40%”.
Theo ông Cường, mặc dù dịch bệnh đã được khống chế, nhưng tiêu thụ tấm lợp cách nhiệt phụ thuộc lớn vào tình hình phục hồi kinh tế của cả nước, nhất là thị trường địa ốc và thị trường xây dựng. Hy vọng từ giờ đến cuối năm tình hình dịch bệnh trên toàn thế giới ổn định, vì nguyên vật liệu của sản phẩm tấm lợp cách nhiệt hiện nay chủ yếu vẫn nhập khẩu từ nước ngoài và là thị trường ăn theo thị trường xây dựng.
Xu hướng tiêu dùng xanh
Theo ông Thái Duy Sâm, ở một góc độ nào đó, tấm lợp cách nhiệt là loại vật liệu tiết kiệm năng lượng. Theo chiến lược phát triển vật liệu bền vững do Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đang dự thảo, thị trường tấm lợp sẽ phát triển theo hướng các sản phẩm thân thiện, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, trọng lượng nhẹ và giá thành hợp lý để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như kỹ thuật về xây dựng.
Ông Nghiêm Việt Cường cũng cho rằng, tiêu chí về sản phẩm xanh là xu hướng tương lai của thị trường xây dựng nói chung. Tuy nhiên, với thị trường tôn lợp cách nhiệt còn phụ thuộc vào hầu bao, kế hoạch đầu tư, mức đầu tư của khách hàng, họ có bỏ tiền đầu tư cho sản phẩm xanh hay không? Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng và khi có cầu thì ắt sẽ có cung. Hiện thị trường đã xuất hiện nhiều nhà sát xuất tấm lợp thân thiện môi trường.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty TNHH M-green cho biết, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam hiện nay đã được nâng cao. Do đó, họ có nhu cầu cao hơn về hưởng thụ cuộc sống, hướng đến môi trường sống trong lành hơn. Và nhu cầu xây dựng một ngôi “nhà xanh”, khu đô thị sinh thái đã hình thành trên thị trường địa ốc. Chính vì vậy, các loại tấm lợp nói chung và tấm lợp cách nhiệt nói riêng cũng đang hướng đến các tiêu chí xanh để đáp ứng người tiêu dùng.
“Trong tương lai gần, loại hình sản phẩm bất động sản xanh toàn diện sẽ được ưu tiên phát triển. Xanh không có nghĩa chỉ là nhiều cây xanh mà là sử dụng các vật liệu thân thiên, tiết kiệm năng lượng như tấm lợp cách nhiệt. Hiện những loại vật liệu xây dựng như tấm lợp Onduline, tấm Poly Carbonate, tôn nhựa sợi thủy tinh cũng đã được nhiều người lựa chọn để làm chống nóng cho mái”, vị đại diện này cho hay.
Đồng quan điểm này, ông Trần Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Toàn Cầu cho biết: “Xu hướng xây dựng xanh đã hình thành và đang phát triển mạnh trong xây dựng. Và sản ngôi nhà xanh toàn diện thì phải xanh từ viên gạch, đến mái lợp. Không những vậy, các loại tôn cách nhiệt là lựa chọn ưu việt cho các khu công nghiệp, nhà máy. Và đương nhiên, chúng tôi cũng lựa chọn các loại tấm lợp cách nhiệt trong xây dựng nhà máy của mình”.
Đại diện Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cũng cho rằng, xu hướng xây dựng xanh là tất yếu và các loại tấm lợp mái, chống nóng cách nhiệt cũng vậy. Tuy nhiên, để tấm lợp nói chung và tấm lợp chống nóng, cách nhiệt nói riêng đi đến xanh hóa là cả một quá trình, từ nguyên vật liệu đến cơ chế pháp lý để các nhà máy phát triển.
Hiện nay, hầu hết các nguyên vật liệu cách nhiệt đều nhập khẩu từ thị trường nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Bài toán chất lượng và nguy cơ đứt gãy nguồn cung có thể xảy ra nếu các nhà sản xuất và nhà quản lý không có được một lộ trình nội địa hóa sản phẩm phù hợp.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com