Đây đều là những vấn đề mà các cơ quan quản lý và cộng đồng nhà đầu tư quan tâm khi xem xét và đánh giá chất lượng của một doanh nghiệp niêm yết. Tiếp nối thành công và những kết quả đã đạt được, năm 2024, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Báo Đầu tư, cùng với sự tài trợ của Công ty cổ phần Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam tiếp tục tổ chức Cuộc bình chọn doanh nghiệp lần thứ 17 (VLCA 2024).
Trải qua 17 kỳ đánh giá, Cuộc bình chọn năm nay tiếp tục phân chia thành ba hạng mục chính: Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo phát triển bền vững. Đặc biệt, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác như Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và các công ty kiểm toán hàng đầu là PwC, Deloitte, KPMG, EY và sự hỗ trợ thông tin đến từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở giao dịch chứng khoán. Kết quả giải thưởng VLCA 2024 đã khẳng định tính chính xác và khách quan trong quá trình đánh giá.
Báo cáo thường niên
Kế thừa thành công của hạng mục Báo cáo thường niên - VLCA 2023, năm 2024 là năm thứ hai VLCA áp dụng việc đăng ký tham gia. Theo đó, có 96 doanh nghiệp niêm yết đăng ký và đạt đủ điều kiện tham dự. Hạng mục được chia thành 2 nhóm ngành: 25 doanh nghiệp thuộc nhóm tài chính và 71 doanh nghiệp thuộc nhóm phi tài chính. Bộ tiêu chí đánh giá tiếp tục thực hiện theo Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính (hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán). (Bảng 1)
|
Số lượng báo cáo thường niên được đánh giá năm 2024 là 96 báo cáo, giảm 20 báo cáo (-17,24%) so với năm 2023, chủ yếu giảm từ nhóm phi tài chính.
Thang điểm đánh giá năm 2024 kế thừa sự thay đổi của năm 2023 theo hướng nhấn mạnh hơn phần nội dung (trọng số điểm phần nội dung là 80% và phần hình thức là 20%). Bộ tiêu chí đánh giá tiếp tục chuyển hai câu điểm thưởng trước đây (về đo lường và về giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính) thành 2 câu hỏi bắt buộc, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của các nội dung công bố thông tin liên quan đến biến đổi khí hậu.
Điểm trung bình các báo cáo được chấm năm 2024 đạt 72,16 điểm, tăng nhẹ khoảng 5,19% so với năm 2023. Biên độ chênh lệch giữa điểm cao nhất và điểm thấp nhất cũng được thu hẹp, với điểm cao nhất là 93,79 (tăng 3,12% so với năm 2023), điểm thấp nhất là 41,41 điểm (tăng 71,90% so với năm 2023), qua đó, thể hiện sự nỗ lực cải thiện trong việc soạn thảo và công bố báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết.
So với năm 2023, có cùng thang điểm, biểu đồ phân bố điểm nêu trên cho thấy điểm số năm 2024 cải thiện rõ rệt. Phần lớn báo cáo thường niên đạt điểm từ 70 - 90 điểm, đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp có báo cáo đạt điểm cao từ 80 - 90 điểm tăng lên đáng kể so với năm ngoái. Qua đó, mặc dù số lượng báo cáo thường niên năm 2024 đăng ký tham dự giải giảm xuống nhưng mặt bằng chất lượng năm nay đồng đều hơn.(Đồ thị 1)
|
Nhìn chung, kết quả đánh giá báo cáo của mỗi nhóm đều có sự cải thiện so với năm ngoái, cụ thể ở điểm trung bình nhóm và điểm cao nhất mỗi nhóm. Với nhóm tài chính, số lượng báo cáo tham gia chấm không biến động nhiều, điểm trung bình đạt 74,32 điểm (tăng 2,3% so với năm 2023), điểm cao nhất đạt 93,79 điểm (tăng 3,44% so với năm 2023). Đối với nhóm phi tài chính, số lượng báo cáo giảm, điểm trung bình đạt 71,39 điểm (tăng 5,7% so với năm 2023), điểm cao nhất đạt 93,41 điểm (tăng 2,7% so với năm 2023).
Nhìn qua biểu đồ phân bổ điểm nêu trên, xét về chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất, nhóm tài chính có biên độ mở rộng hơn, còn nhóm phi tài chính thu hẹp lại, qua đó, cho thấy các doanh nghiệp tham gia đều có sự đầu tư để có báo cáo thường niên tốt, đảm bảo nội dung theo quy định hiện hành và gần gũi tiếp cận cho cổ đông và các bên liên quan khác. Tuy nhiên, vẫn còn báo cáo có điểm thấp, dưới mức 50 điểm, cho thấy chất lượng vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của báo cáo thường niên.
Xét cấu phần đánh giá báo cáo thường niên, đa số báo cáo đảm bảo phần hình thức, trình bày tốt phần nội dung về thông tin chung, đánh giá của hội đồng quản trị về hoạt động của công ty. Các phần về quản trị công ty, tình hình hoạt động trong năm, báo cáo/đánh giá của ban giám đốc còn các nội dung được nêu tại biểu đồ kết quả đánh giá như trên chưa được trình bày, phân tích sâu.
Việc lập báo cáo thường niên bằng tiếng Anh vẫn còn hạn chế. Cụ thể, năm 2024, có 36/96 doanh nghiệp tham gia giải có báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, chiếm 37,5% tổng số báo cáo được đánh giá. So với năm 2023, số lượng báo cáo bằng tiếng Anh năm nay giảm 2 báo cáo, tuy nhiên, tỷ lệ tăng nhẹ (năm 2023, có 38/116 báo cáo thường niên tiếng Anh, tỷ lệ 32,76%).
Năm 2024 là năm thứ hai bộ tiêu chí đánh giá báo cáo thường niên gồm câu hỏi bắt buộc về việc công bố thông tin tác động môi trường của công ty. Năm nay, số lượng báo cáo đề cập giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính giảm nhẹ so với năm ngoái do số lượng tham gia giảm, tuy nhiên, xét về tỷ lệ số báo cáo công bố nội dung này trên tổng số báo cáo tham gia, các tỷ lệ này đều tăng, cho thấy nhiều doanh nghiệp tham gia hạng mục có sự đầu tư trình bày về nội dung môi trường - xã hội trên báo cáo thường niên nhằm truyền tải thông tin của doanh nghiệp cho cổ đông và nhà đầu tư.(Bảng 2)
|
Về tổng quan, doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong việc lập báo cáo thường niên, thêm nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư nghiêm túc về nội dung và hình thức. Báo cáo thường niên được trình bày bắt mắt, nhiều slogan mới lạ, thông điệp truyền tải rõ nét, mang tính đặc trưng, tạo hiệu ứng quảng bá doanh nghiệp tốt. Các số liệu kết quả hoạt động kinh doanh và chỉ tiêu tài chính được đa số doanh nghiệp trình bày rõ; một số doanh nghiệp đã tuyên bố áp dụng tốt các thông lệ về quản trị công ty như Bộ nguyên tắc quản trị công ty Việt Nam theo thông lệ tốt nhất (Vietnam Corporate Governance Code of best practices – Vietnam CG Code), Bộ thẻ điểm Quản trị công ty của ASEAN…
Bên cạnh đó, kết quả cũng cho thấy nhiều điểm yếu cần cải thiện. Về nội dung quản trị công ty, đa số các doanh nghiệp chỉ dừng lại ở mức tuân thủ, công bố thông tin theo luật định mà chưa tự nguyện áp dụng theo thông lệ tốt nhất về quản trị công ty. Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm, nhiều báo cáo trình bày chưa rõ nét vị thế của doanh nghiệp cũng như đánh giá liên quan đến các chỉ tiêu môi trường. Phần báo cáo/ đánh giá của ban giám đốc còn chưa đầy đủ. Thông tin về môi trường, xã hội, cộng đồng, mục tiêu phát triển bền vững, thông tin về phát thải khí nhà kính còn hạn chế. Số lượng doanh nghiệp có báo cáo thường niên bằng tiếng Anh chưa có sự tăng trưởng so với các năm trước.
Quản trị công ty
Năm nay, số lượng doanh nghiệp được đánh giá hạng mục giải quản trị công ty bao gồm 501 doanh nghiệp từ rổ chỉ số VNX Allshare chốt tại kỳ tháng 4/2024. Số lượng doanh nghiệp được đánh giá theo từng nhóm bao gồm: 50 doanh nghiệp nhóm vốn hóa lớn, 149 doanh nghiệp nhóm vốn hóa vừa và 302 doanh nghiệp nhóm vốn hóa nhỏ.
Năm 2024 đánh dấu sự thay đổi lớn trong công tác đánh giá giải quản trị công ty, qua việc cập nhật bộ câu hỏi theo các thông lệ mới nhất (Bộ nguyên tắc về quản trị công ty của OECD tháng 10/2023) và thay đổi cơ cấu điểm chấm, nâng tỷ trọng điểm thông lệ lên 40% (thay vì 30% như những năm trước) và giảm điểm tuân thủ từ 70% xuống còn 60%, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng nhiều hơn các thông lệ quốc tế về quản trị công ty, nâng cao tiêu chuẩn về quản trị vượt lên trên mức tuân thủ.
Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng quản trị công ty được xây dựng theo hai cấp độ: 1. Tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về quản trị công ty, dành cho công ty đại chúng và; 2. Áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty. Năm 2024, với sự thay đổi trong cơ cấu điểm chấm, kết quả điểm của các doanh nghiệp cũng có sự thay đổi: (bảng 3)
|
Theo kết quả thống kê, điểm trung bình quản trị công ty của các doanh nghiệp năm nay đạt 50,83 điểm, giảm so với mức 54,61 điểm của năm 2023. Điều này có thể được giải thích là do sự thay đổi cơ cấu điểm, giảm tỷ lệ điểm tuân thủ và tăng tỷ lệ điểm thông lệ, trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp niêm yết hiện tại chỉ dừng lại ở mức đáp ứng các quy định hiện hành về quản trị công ty, nên khi cơ cấu điểm thay đổi theo hướng dịch chuyển về thực hiện thông lệ tốt như trên, mặt bằng điểm chung sẽ có xu hướng giảm xuống. Tuy nhiên, nếu thực hiện quy đổi kết quả điểm của năm 2023 về thang điểm mới của 2024, kết quả điểm trung bình năm 2023 sẽ là 50,56 điểm, như vậy, năm 2024 sẽ có sự tăng điểm nhẹ.(đồ thị 2, 3)
|
|
Năm nay, điểm quản trị công ty trên thị trường có sự chênh lệch lớn giữa doanh nghiệp có điểm cao nhất (110,28 điểm) so với doanh nghiệp có điểm thấp nhất (11,7 điểm) và mức độ chênh lệch này có sự nới rộng so với các năm trước. Nếu xét riêng từng nhóm vốn hóa, khoảng cách chênh lệch cũng có sự khác biệt. Theo đó, chênh lệch giữa doanh nghiệp đạt điểm cao nhất so với điểm trung bình của nhóm vốn hóa lớn là hẹp hơn so với nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Điều này cho thấy có sự đồng đều hơn về kết quả giữa các doanh nghiệp vốn hóa lớn và nhóm này cũng đạt được điểm quản trị công ty tốt nhất (điểm trung bình, điểm cao nhất và thấp nhất đều tốt hơn hai nhóm vốn hóa vừa và nhỏ). (Đồ thị 4)
|
Đánh giá tổng quan, các doanh nghiệp đã đạt được một số điểm tốt đáng ghi nhận. Đa phần các doanh nghiệp đã công bố các báo cáo và tiến hành tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên đúng thời hạn quy định, cung cấp thông tin kịp thời cho cổ đông và nhà đầu tư. Các doanh nghiệp cũng đã công bố tốt hơn thông tin về sở hữu và tính độc lập của các thành viên hội đồng quản trị. Đây là những nội dung mang tính chất tuân thủ, thuộc phạm vi luật quy định.
Bên cạnh đó, cũng còn khá nhiều điểm chưa tốt mà doanh nghiệp cần cải thiện, đặc biệt là nội dung “Vai trò các bên hữu quan”. Năm nay, khi bộ tiêu chí quản trị công ty được cập nhật theo hướng đẩy mạnh hơn về áp dụng thông lệ thì các câu hỏi về công bố tác động môi trường - xã hội thông qua chính sách và thực hành với các bên hữu quan, công bố và thực hành các bộ quy tắc đạo đức sẽ là những nội dung quan trọng, tăng tỷ trọng điểm chấm và kết quả cho thấy các doanh nghiệp chưa đạt được điểm tốt ở những câu hỏi này. Nội dung thứ hai cần cải thiện là về “quyền cổ đông”. Các doanh nghiệp cần cập nhật phương thức tổ chức đại hội đồng cổ đông, ứng dụng công nghệ hiện đại (họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử…) để thuận tiện cho cổ đông được tham dự và biểu quyết, đảm bảo quyền lợi của các cổ đông nhỏ. Ngoài ra, cũng còn ít doanh nghiệp soạn thảo tài liệu đại hội đồng cổ đông bằng tiếng Anh.
Về hội đồng quản trị, chưa có nhiều doanh nghiệp công bố thông tin về chính sách cân bằng giới, đa dạng về thành phần và số lượng doanh nghiệp có chủ tịch hội đồng quản trị là thành viên độc lập cũng còn hạn chế.
Báo cáo Phát triển bền vững
Năm 2024, những doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững riêng và những doanh nghiệp đăng ký tham gia giải Báo cáo thường niên sẽ được thực hiện đánh giá. Các chỉ tiêu đánh giá có sự thay đổi với mục tiêu thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững toàn diện và minh bạch hơn so với năm 2023, cụ thể như tăng số lượng tiêu chí (46 chỉ tiêu trong năm 2024 so với 44 chỉ tiêu trong năm 2023), tăng thêm 2 chỉ tiêu về sự tham gia của bên liên quan và về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Nhìn chung, báo cáo phát triển bền vững năm nay cho thấy sự tiến bộ rõ rệt cả về số lượng và chất lượng. Ngoài việc giữ vững vị trí của các doanh nghiệp quen thuộc, nhiều gương mặt mới được đánh giá cao về cấu trúc báo cáo mặc dù là năm đầu tiên thực hiện. Những điểm tích cực nổi bật bao gồm: số lượng doanh nghiệp lập báo cáo phát triển bền vững riêng đã tăng từ 18 doanh nghiệp (năm 2022) lên 21 doanh nghiệp (năm 2023) và 33 doanh nghiệp (năm 2024). Đây là bước tiến vượt bậc, minh chứng cho sự cam kết mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong việc duy trì thực hiện tốt các tiêu chuẩn ESG. Đồng thời, nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững cũng được ghi nhận.
Các tiêu chuẩn quốc tế tiếp tục được áp dụng trong báo cáo phát triển bền vững của doanh nghiệp. Ngoài GRI, một số doanh nghiệp đã áp dụng thêm các khung báo cáo khác như CDP, SASB và SDG. Mô hình ủy ban ESG cũng được áp dụng nhiều hơn so với năm ngoái. Ngoài ra, vấn đề về đa dạng sinh học cũng bắt đầu được đề cập trong báo cáo của một số doanh nghiệp. Số lượng công ty đặt mục tiêu về phát thải khí nhà kính và báo cáo ở phạm vi 1 và 2 đã tăng đáng kể. Theo đó, 2/3 các doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo đã công bố dữ liệu về phát thải khí nhà kính. Điểm trung bình về phát thải khí nhà kính đã tăng so với năm 2023. Đặc biệt, có hai doanh nghiệp là Vinamilk và Sợi Thế Kỷ đã đặt mục tiêu phát thải theo SBTi. (đồ thị 5)
|
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần cải thiện, bao gồm một số doanh nghiệp chưa duy trì được chất lượng báo cáo như các năm trước, một số doanh nghiệp vẫn còn tham chiếu đến chuẩn GRI cũ và đa số chỉ dừng ở cấp độ tham chiếu, thay vì tuân thủ; việc áp dụng các khung báo cáo, đặc biệt là khung theo ngành vẫn còn hạn chế; đa số doanh nghiệp thiếu mục tiêu SMART; quy trình thu thập thông tin để lập báo cáo chưa được nêu rõ và số liệu thiếu sự phân tích, so sánh; phạm vi bảo đảm còn hạn chế khiến thông tin trên báo cáo thiếu độ tin cậy, đặc biệt là rất ít doanh nghiệp có sự đảm bảo độc lập đối với chỉ tiêu phát thải khí nhà kính…
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC)
|
Trong mùa bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm nay, nhìn chung, các doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ trong việc lập báo cáo thường niên, thêm nhiều doanh nghiệp có sự đầu tư nghiêm túc về nội dung và hình thức. Nhiều báo cáo được trình bày bắt mắt, thông điệp truyền tải rõ nét, tạo hiệu ứng quảng bá doanh nghiệp tốt. Các số liệu kết quả hoạt động kinh doanh và chỉ tiêu tài chính được đa số doanh nghiệp trình bày rõ ràng, mạch lạc. Một số doanh nghiệp đã tuyên bố áp dụng tốt các thông lệ về quản trị công ty theo các tiêu chuẩn. Tuy nhiên, ngoài việc đầu tư cho hình ảnh, các doanh nghiệp nên bổ sung thêm phần phân tích rủi ro, cũng như đưa ra các dự báo, kịch bản để nhà đầu tư có thể nhận diện.
Bên cạnh đó, báo cáo thường niên của doanh nghiệp có những chuẩn mực pháp lý phải tuân thủ như các quy định về công bố thông tin, quản trị công ty. Nhiều báo cáo của doanh nghiệp đã tuân thủ rất tốt các vấn đề pháp lý hay báo cáo phát triển bền vững, đồng thời cũng giảm dần những nội dung không phải là trọng tâm của báo cáo thường niên.
Ở hạng mục báo cáo quản trị công ty, các tiêu chí đánh giá được xây dựng dựa trên các quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quản trị tốt trên thế giới, dựa trên các nguyên tắc quản trị của G20/OECD, Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam (VCGS), Bộ thẻ điểm quản trị công ty tại ASEAN. Bộ tiêu chí đánh giá hạng mục quản trị công ty được xây dựng riêng, dựa trên khung nguyên tắc quản trị công ty của OECD, xoay quanh 5 nguyên tắc: quyền cổ đông, đối xử công bằng với các cổ đông; công bố thông tin và minh bạch; trách nhiệm của hội đồng quản trị; phát triển bền vững và bền bỉ. Các tiêu chí đó được phân loại thành câu hỏi mang tính chất tuân thủ quy định của pháp luật về quản trị công ty và câu hỏi mang tính chất thông lệ tốt trong thực hành quản trị công ty cao hơn các yêu cầu của pháp luật.
Năm nay, điểm quản trị công ty của các doanh nghiệp cho thấy sự tiến bộ và ngày càng chú trọng thực hiện hoạt động quản trị tốt. Hiện các doanh nghiệp có sự chênh lệch giữa mức độ đáp ứng các tiêu chí tuân thủ so với các tiêu chí mang tính chất thông lệ. Phần lớn doanh nghiệp vẫn đáp ứng tiêu chí thông lệ ở mức khá thấp và tỷ lệ vi phạm về nghĩa vụ công bố thông tin ở mức đáng kể, cho thấy các thực hành quản trị công ty tuy tiến bộ nhưng vẫn đang trong quá trình tiếp cận đổi mới, cần thúc đẩy hành động cụ thể để cải thiện nhanh hơn. Các điểm cần cải thiện liên quan đến đảm bảo quyền và đối xử công bằng với các cổ đông; công bố thông tin và minh bạch; vai trò các bên hữu quan và phát triển bền vững; cơ cấu và vai trò kiểm soát của hội đồng quản trị.
Trong khi đó, ở hạng mục Báo cáo phát triển bền vững năm nay tiếp tục cho thấy sự tiến bộ về chất lượng, tương đối đồng đều hơn.
GS. Trần Ngọc Thơ, Đại học Kinh tế TP.HCM, thành viên Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm 2024
|
Cứ theo tiêu chí, khung tổng thể về phát triển bền vững một cách chung nhất, nếu áp vào các định chế tài chính, các loại hình định chế tài chính trung gian sẽ khó thể nào được xã hội vinh danh phát triển bền vững. Cũng như các ngân hàng, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nghành khác trong việc hướng đến Giải thưởng Phát triển bền vững.
Ở một khía cạnh khác, việc không có tiêu chí phát triển bền vững cho các định chế tài chính, nên nếu nhúng các khung theo thông lệ - mà ta cứ cho rằng đó là thông lệ quốc tế - vào một doanh nghiệp bảo hiểm và vinh danh doanh nghiệp bảo hiểm, liệu có chính xác? Ví dụ, doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư 1.000 tỷ đồng cho các hành vi giảm khí thải nhà kính. Còn ngân hàng đầu tư gấp 10 lần (10.000 tỷ đồng) để tăng bộ đệm vốn cấp 1, vượt xa tiêu chuẩn quốc tế Basel 3 thì không gọi là phát triển bền vững ư?
Trong ngành tài chính, chúng tôi gọi những nhà băng này là phát triển bền vững. Vì sao? Vì nếu có những cú sốc kinh tế như khủng hoảng tài chính hoặc cú sốc thảm họa môi trường do biến đổi khí hậu làm nhà băng thua lỗ, nợ xấu, nhưng nhờ bộ đệm vốn quá mạnh nên không bị phá sản, bảo vệ được quyền lợi người gửi tiền, cung cấp thêm tín dụng cho nền kinh tế thì nhà băng đó xứng đáng phát triển bền vững.
Vấn đề là, nếu theo tiêu chí chung thì các nhà băng “an toàn và lành mạnh” theo thông lệ quốc tế về quản trị rủi ro, quản trị công ty sẽ khó thể nào được dán nhãn bền vững.
Vậy có phải chúng ta nên tìm ra tiêu chí đặc thù chung nhất cho các định chế tài chính về phát triển bền vững để vinh danh? Nếu câu trả lời là nên, câu hỏi tiếp theo là các định chế tài chính liệu có nên phân thành ngân hàng và phi ngân hàng (chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư) vì các hoạt động kinh doanh rủi ro của chúng khác nhau hoàn toàn. Ngân hàng sử dụng đòn bẩy tài chính (nợ tiền gửi) rất cao gấp hàng chục lần các định chế phi ngân hàng thì không thể nào áp dụng chung một khung.
Điều khả dĩ là chúng ta nên chia giải thưởng thành 2 lĩnh vực là tài chính và phi tài chính. Nhưng để tìm ra tiêu chí phát triển bền vững cho loại hình tài chính và phân biệt ngân hàng với phi ngân hàng không phải là điều dễ. Theo tôi biết, trên thế giới cũng chưa có khung tổng quát về phát triển bền vững cho loại hình dịch vụ tài chính ngân hàng. Tôi cũng chưa thấy một khung phương pháp luận phát triển bền vững thông lệ quốc tế chủ đề này trong lĩnh vực tài chính.
Lướt qua báo cáo thường niên của một số định chế tài chính ngân hàng, tôi thấy bắt đầu có trào lưu trồng rừng, phát động nhân viên đi xe điện… để giảm khí thải nhà kính. Để được gọi là có phát triển bền vững? Liệu chúng ta có khuyến khích họ đi đúng hướng?
Đây sẽ là một thách thức cho Ban Tổ chức cuộc bình chọn khi xem xét bình chọn vinh danh doanh nghiệp phát triển bền vững, nhất là khi số lượng loại hình doanh nghiệp tài chính ngân hàng quan tâm lập báo cáo phát triển bền vững ngày càng tăng.
Ông Đỗ Văn Tâm, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội
|
Ông Đỗ Văn Tâm |
Hạng mục giải thưởng Báo cáo thường niên và Quản trị công ty năm 2024 đã có sự điều chỉnh tích cực cả về tiêu chí đánh giá và cách thức tổ chức, bảo đảm tốt hơn tính khoa học, khách quan và độc lập của quá trình đánh giá. Đối với bộ tiêu chí đánh giá về quản trị công ty, ban tổ chức đã nâng tỷ trọng đối với các câu hỏi thông lệ từ 30% lên 40% và điểm đánh giá đối với các tiêu chí cụ thể, cho thấy các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện về quản trị công ty.
Tuy nhiên, từ kết quả đánh giá của chương trình cho thấy vẫn còn một số vấn đề mà doanh nghiệp cần lưu ý hoặc tập trung cải thiện để thông tin công bố của doanh nghiệp đem lại giá trị thiết thực hơn cho cộng đồng đầu tư. HNX có một số khuyến nghị đối với các doanh nghiệp để nâng cao chất lượng công bố thông tin và quản trị doanh nghiệp.
Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh rất cần thiết để nâng cao tính minh bạch và hỗ trợ thông tin cho nhà đầu tư nước ngoài, song trong thời gian qua số lượng doanh nghiệp thực hiện còn hạn chế. Quy định về công bố thông tin bằng tiếng Anh đã được cụ thể hóa tại Thông tư 68/2024/TT-BTC, do đó, doanh nghiệp niêm yết cần lưu ý để có phương án triển khai phù hợp, đảm bảo tuân thủ quy định mới.
Với quản trị công ty, HNX có một số lưu ý đối với doanh nghiệp niêm yết về các vấn đề ngăn ngừa xung đột lợi ích. Theo đó, doanh nghiệp cần công bố thông tin rõ ràng, đầy đủ về thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát và ban giám đốc cũng như thông tin về cấu trúc sở hữu cổ phần, nhất là các cổ phần sở hữu gián tiếp. Các doanh nghiệp niêm yết cần tuân thủ nghiêm túc quy định về công bố thông tin thù lao, lương thưởng của hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban điều hành. Vấn đề này đã được lưu ý tại các kỳ đánh giá báo cáo thường niên và quản trị công ty trước đây và chúng tôi kỳ vọng, các nội dung này sẽ sớm được các doanh nghiệp niêm yết thực hiện đầy đủ.
Ngoài ra, việc đảm bảo tỷ lệ thành viên độc lập theo quy định và tính độc lập của thành viên hội đồng quản trị cần chú trọng hơn nữa. Theo kết quả đánh giá VLCA 2024, vẫn còn doanh nghiệp không đảm bảo đủ tỷ lệ hoặc chưa có thành viên hội đồng quản trị độc lập. Vai trò của thành viên hội đồng quản trị độc lập ở một số doanh nghiệp còn chưa đi vào thực chất...