Mùa báo cáo kết quả kinh doanh thúc đẩy giới đầu tư gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên hồi phục tích cực trong ngày thứ Ba (08/2), khi nhận một loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan cùng các ông lớn công nghệ trở lại.
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh thúc đẩy giới đầu tư gom hàng

Chỉ số S&P 500 và Nasdaq, vốn nặng về công nghệ đã đảo chiều tăng giá về cuối ngày, với các cổ phiếu với Amazon tăng 2,2%, trong khi Apple và Microsoft đều tăng trên 1%.

Chỉ số ngân hàng thuộc S&P 500 tăng 1,9% sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2019 tại 1,97%, do kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ.

Theo đó, các cổ phiếu của Bank of America Corp, JPMorgan Chase và Wells Fargo đều tăng trên 1%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số ngành năng lượng S&P 500 đã giảm 2,1% do việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran có thể làm sống lại thỏa thuận hạt nhân và cho phép xuất khẩu nhiều dầu hơn từ một thành viên của OPEC này. Qua đó, thể giúp thị trường có thêm hơn một triệu thùng dầu của Iran mỗi ngày, nâng nguồn cung toàn cầu lên khoảng 1%.

Mùa báo cáo kinh doanh quý cuối cùng của năm 2021 tiếp tục với một số tên tuổi như Pfizer, giảm hơn 2,8% sau khi dự báo doanh số bán hàng cả năm giảm so với ước tính.

Cổ phiếu Amgen tăng gần 8% sau khi công ty thông báo kế hoạch mua lại cổ phiếu lên tới 6 tỷ USD và dự báo thu nhập sẽ tăng hơn gấp đôi vào năm 2030.

Cổ phiếu Harley-Davidson tăng hơn 15% sau khi báo cáo lợi nhuận khả quan bất ngờ trong quý IV/2021.

Peloton Interactive tăng hơn 25%, sau khi nhà sản xuất xe đạp này cho biết, sẽ thay thế CEO và cắt giảm nhân sự nhằm phục hồi doanh số bán hàng đang sụt giảm.

Hiện đã có khoảng 300 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh, với 77% trong đó có lợi nhuận vượt kỳ vọng và 75% có doanh thu cao hơn dự báo, dựa theo dữ liệu từ FactSet.

Kết thúc phiên 8/2, chỉ số Dow Jones tăng 371,65 điểm (+1,06%), lên 35.462,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 37,67 điểm (+0,84%), lên 4.521,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 178,79 điểm (+1,28%), lên 14.194,46 điểm.

Chứng khoán châu Âu biến động nhẹ, khi lợi suất trái phiếu tăng gây áp lực lên cổ phiếu công nghệ.

Chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu đóng cửa hầu như không thay đổi tại 465,34 điểm, nhưng cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm hoạt động yếu nhất, giảm 0,9% bởi áp lực từ lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro tăng, do lo ngại về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu thắt chặt chính sách nhanh hơn dự kiến.

Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde đã cố gắng xoa dịu những lo lắng về việc tăng lãi suất vào thứ Hai, nói rằng không cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ lớn trong khu vực đồng euro vì lạm phát có thể ổn định quanh mức 2%.

Chỉ số STOXX 600 đang phải vật lộn để tìm hướng đi sau 5 tuần giảm liên tiếp từ đầu năm năm 2022, khi những lo lắng về việc tăng lãi suất và những hạn chế về nguồn cung đang đè nặng lên một mùa thu nhập quý IV, dù kết quả phần lớn khả quan.

Kết thúc phiên 8/2: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 6,40 điểm (-0,08%) xuống 7.567,07 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 35,74 điểm (+0,24%), lên 15.242,38 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 19,16 điểm (+0,27%), lên 7.028,41 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ, nhờ sự hỗ trợ của nhóm công nghệ khi các nhà đầu tư mua mạnh các cổ phiếu giảm sâu trước đó, nhưng sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường trước dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố vào cuối tuần này.

Chỉ số bluechip của Trung Quốc giảm, do động thái của chính phủ Mỹ thêm nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách kiểm soát xuất khẩu đã đè nặng tâm lý giới đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông giảm, do lo ngại gia tăng, sau Mỹ thêm nhiều công ty của Trung Quốc vào danh sách đen.

Chứng khoán Hàn Quốc chỉ còn tăng nhẹ, do thị trường tỏ ra thận trọng trước dữ liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một số công ty Trung Quốc.

Kết thúc phiên 8/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 35,65 điểm (+0,13%), lên 27.284,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 23,05 điểm (+0,67%), lên 3.452,63 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 250,06 điểm (-1,02%), xuống 24.329,49 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 1,41 điểm (+0,05%), lên 2.746,47 điểm.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Ba tiếp tục nới đà tăng khi chỉ còn hai ngày nữa Mỹ sẽ công bố CPI tháng 1 và dự báo con số sẽ cao nhất kể từ năm 1982. Tuy nhiên, đà tăng của kim loại quý bị chặn lại khá nhiều do sức ép từ lợi suất trái phiếu Mỹ đứng ở mức cao.

Kết thúc phiên 8/2, giá vàng giao ngay tăng 5,3 USD lên 1.825,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm hơn 1 xuống 1.825,5 USD/ounce.

Giá dầu thế giới tiếp tục suy yếu nhanh do việc nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran ngày 8/2 có thể hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân quốc tế và cho phép xuất khẩu nhiều dầu hơn từ OPEC.

Kết thúc phiên 8/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 1,96 USD (-2,19%), xuống 89,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,91 USD (-2,10%), xuống 90,78 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ