Thị trường M&A Việt Nam: Khơi thông dòng chảy

Thị trường M&A Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới. Nhưng có tận dụng được cơ hội đó hay không, cần một sự bứt phá mạnh mẽ từ cả hai phía Chính phủ và doanh nghiệp.
Thương vụ KEB Hana - BIDV đã xóa tan những trầm lắng của thị trường M&A Việt Nam trong nửa đầu năm 2019. Thương vụ KEB Hana - BIDV đã xóa tan những trầm lắng của thị trường M&A Việt Nam trong nửa đầu năm 2019.

Nếu đặt câu hỏi rằng, thị trường M&A Việt Nam trong nửa đầu năm có gì nổi bật, thì gần như chắc chắn, câu trả lời sẽ là thương vụ Tập đoàn SK (Hàn Quốc) chi 1 tỷ USD để mua cổ phần của Tập đoàn Vingroup, doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nhất Việt Nam hiện nay.

Nhưng nếu là thương vụ ấn tượng nhất, có lẽ là thương vụ KEB Hana Bank (Hàn Quốc) chi 20.300 tỷ đồng (tương đương 882 triệu USD) mua 15% cồ phần của Ngân hàng BIDV. Thương vụ này được chốt đúng vào thời điểm Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sắp diễn ra.

Và quan trọng hơn, thương vụ KEB Hana - BIDV đã xóa tan những trầm lắng của thị trường M&A Việt Nam trong nửa đầu năm 2019, xóa tan những nghi ngờ rằng, phải chăng cơ hội thị trường đã không còn, phải chăng tốc độ phát triển của thị trường đã tới hạn.

Sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị thương vụ đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới, với đầy đủ các điều kiện “cần và đủ”. Chỉ là, chúng ta có biết cách thay đổi để khơi thông dòng chảy đó không mà thôi!

Ðiều kiện cần: Nền tảng vĩ mô vững chắc

Một thông tin được công bố cách đây ít ngày, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chỉ đạt 6,2% trong quý II/2019. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 27 năm qua.

Mặc dù con số này vẫn nằm trong biên độ mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm 2019, nhưng nó cho thấy rõ, căng thẳng thương mại kéo dài hơn một năm qua với Mỹ đã gây nhiều áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nền kinh tế trên toàn cầu cũng đang tăng trưởng chậm lại, do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, khủng hoảng hạt nhân Iran và Brexit bế tắc. Một báo cáo của IMF đã chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm tốc trong năm 2019 và có nguy cơ kéo đà tăng trưởng của khoảng 70% nền kinh tế chậm lại.

“Tính bất định của kinh tế toàn cầu vẫn rất cao”, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương bình luận.

Trong bối cảnh ấy, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm ngoái, song vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng của 6 tháng các năm 2011-2017.

Tuy mức tăng trưởng 6,76% chưa đạt được mục tiêu bứt phá mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm, song theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, thì đây vẫn là một mức tăng trưởng khá so với khu vực và thế giới, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát.

Người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo, “không được bàn lùi”, cũng không có chuyện điều chỉnh bất cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nào, mà phải nỗ lực đạt mục tiêu đề ra. Đó là ít nhất đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, phấn đấu đạt mức cao hơn.

Dù nền kinh tế mới chỉ đi qua được 1/2 chặng đường của năm, với khó khăn, thách thức phía trước còn rất lớn, khi mà tất cả các khu vực của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, song nhiều dự báo cho thấy, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay không quá khó khăn.

Thậm chí, bà Trần Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia còn cho rằng, năm nay, nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng 6,86%.

Thận trọng hơn, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8% trong năm nay. Và con số này đủ để giúp Việt Nam đứng vị trí thứ 4 châu Á về tăng trưởng nhanh nhất năm 2019, sau Tajikistan (7,0%), Bangladesh (8,0%) và Campuchia (7,0%).

“Yếu tố quan trọng với tăng trưởng của Việt Nam chính là dòng đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick nhận định.

Thực tế, không chỉ dòng đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ góp phần gia tăng năng lực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà tăng trưởng kinh tế cao và ổn định chính là một trong những điều kiện quan trọng nhất giúp Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí, trong bối cảnh kinh tế thế giới bất định, căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp, thì Việt Nam đã được coi là một “vịnh tránh bão” an toàn cho nhiều nhà đầu tư trên toàn cầu.

“Thu hút đầu tư nước ngoài thực sự được hưởng lợi khi có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ trong năm 2019, như kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cũng như cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại. Các hiệp định thương mại đàm phán thành công sẽ đem lại cơ hội cho thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, không chỉ ở các khoản đầu tư mới, mà cả việc mở rộng các dự án sẵn có”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nói như vậy.

Theo Bộ trưởng, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) mới được ký kết cũng đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

Từ nhiều năm trước, ngay khi việc đàm phán CPTPP, khi ấy còn có sự tham gia của Mỹ, được bắt đầu, cũng như sau này, khi Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với Hàn Quốc, với Liên minh thuế quan Á - Âu…, thì rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã chọn Việt Nam đã điểm đến đầu tư, để tận dụng được các cơ hội do các FTA này mang lại. Câu chuyện được cho là sẽ tiếp diễn, khi EVFTA và EVIPA được ký.

“Với các hiệp định mới được ký với EU, thì không chỉ dòng vốn đầu tư có chất lượng từ EU sẽ gia tăng vào Việt Nam, mà vốn đầu tư nước ngoài nói chung từ các quốc gia khác cũng sẽ vào Việt Nam nhiều hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồ hởi nói.

Thị trường rộng mở, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi là lý do để các nhà đầu tư chọn Việt Nam. Và trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, xu thế bảo hộ mậu dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, thì đầu tư theo hình thức M&A chính là cách nhanh nhất để nhà đầu tư có thể tận dụng được cơ hội từ thị trường Việt Nam.

Ðiều kiện đủ: “Hàng hóa” ngày càng đa dạng và hấp dẫn

Thương vụ Tập đoàn SK mua cổ phần của Vingroup cho đến nay vẫn là thương vụ M&A đình đám nhất của thị trường M&A Việt Nam trong nửa đầu năm nay. SK đã chi tới 1 tỷ USD để có thể sở hữu 6,15% vốn điều lệ của Vingroup.

Điều đáng nói là, trước Vingroup, năm ngoái, SK cũng đã dốc khoảng 470 triệu USD để sở hữu 9,45% cổ phần tại Masan, cũng là một tập đoàn tư nhân “khủng” ở Việt Nam. Không quá khó hiểu khi SK chọn hai tên tuổi lừng danh trên thị trường Việt để dốc vốn.

Tương tự, cách đây ít tháng, Mitsui (Nhật Bản) đã công bố việc đạt được thỏa thuận mua lại 35,1% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Minh Phú hiện đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam, cũng là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam.

Đầu tư vào Minh Phú, Mitsui muốn hợp tác xây dựng để đưa doanh nghiệp này lớn mạnh, có thể nắm giữ 25% thị phần tôm toàn cầu vào năm 2035. Trước đó, vào năm 2013, Mitsui đã đầu tư vào Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, một công ty con thuộc Minh Phú.

Trong khi đó, Taisho Pharmaceutical Co,.Ltd cũng đã hoàn tất việc nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại Dược Hậu Giang lên trên 50%, một “tỷ lệ vàng” để Taisho có được quyền điều hành ở một trong những doanh nghiệp dược phẩm lớn tại Việt Nam, thậm chí biến Dược Hậu Giang trở thành công ty con của mình.

Và mới đây, Tập đoàn Sumitomo cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ công tư Nhật Bản cũng đã chi khoảng 4 tỷ yên (tương đương 37 triệu USD) để mua 10% vốn tại Công ty cổ phần Gemadept. Động thái này của Sumitomo, theo Nikkei Asia, là nhằm nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ logistics, nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài. Hiện nhu cầu vận chuyển bằng container ở Việt Nam tăng khoảng 7% mỗi năm, dự kiến đạt 23 triệu container vào năm 2025. Đây là con số cho thấy thị trường logistics Việt Nam hấp dẫn đến chừng nào!

Có thể các thương vụ này không lớn, ngoại trừ thương vụ SK mua cổ phần của Vingroup, song một xu thế khá rõ ràng, nếu như trước đây, các thương vụ M&A tập trung nhiều hơn vào các “món hàng” là các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, được Nhà nước thoái vốn, thì nay, các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cũng là đích ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Số liệu từ Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 714.000 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn (khoảng 11.000). Các doanh nghiệp lớn này đang có tốc độ tăng trưởng rất nhanh chóng và đang nắm giữ vị thế quan trọng ở nhiều lĩnh vực xương sống của nền kinh tế. Vì thế, dễ hiểu vì sao các nhà đầu tư nước ngoài muốn nhanh chóng “có chân” trong các doanh nghiệp này.

Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa, “món ngon” doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và thoái vốn không được để ý.

Bằng chứng là, Tập đoàn SK càng ngày càng không giấu giếm kế hoạch “gửi chân” vào thị trường Việt Nam, khi rất quan tâm đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Trong đó, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) là một đích ngắm. SK thậm chí đã hoàn tất các thủ tục thẩm định đầu tư, chỉ chờ cơ hội để nâng tỷ lệ sở hữu tại PVOIL, mặc dù vẫn đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất của PVOIL. 

Không chỉ với riêng PVOIL, mà ông Chey Tae Won, Chủ tịch SK đã nhiều lần khẳng định mối quan tâm của Tập đoàn đến việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. SK còn mong muốn nghiên cứu, lựa chọn tham gia, tái cấu trúc đưa một công ty trở thành công ty mẹ, từ đó tạo ra các chuỗi công ty tại Việt Nam.

Thực tế, từ nhiều năm trước, quá trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam đã luôn là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Các thương vụ M&A lớn cũng đều xuất phát từ tiến trình này, điển hình là thương vụ ông lớn Thái Lan mua Sabeco và đó là một phần nguyên nhân khiến thị trường M&A Việt Nam liên tục bứt phá.

Tuy nhiên, nửa đầu năm nay, thị trường M&A trở nên trầm lắng một phần do tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang chậm lại đáng kể.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành và địa phương đã bán cổ phần lần đầu (IPO) 5 doanh nghiệp và 1 đơn vị sự nghiệp thu về 562,707 tỷ đồng, một con số khá khiêm tốn. Điều này khiến cho “hàng hóa” trên thị trường M&A Việt Nam bị hạn chế.

Tuy nhiên, theo thông tin từ ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Việt Nam đang quyết tâm đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước. “Số lượng doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn còn rất lớn và đây là cơ hội dành cho nhà đầu tư”, ông Tiến nói.

Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 mới đây cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo danh mục trên, tổng số doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2019 - 2020 là 93 doanh nghiệp.

Trong số này, đáng chú ý, có nhiều tên tuổi lớn, nhiều “món ngon” mà bao lâu nay, các nhà đầu tư nước ngoài “thèm muốn”. Chẳng hạn như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngoài ra, còn có Tổng công ty Cà phê Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam - công ty mẹ, Tập đoàn Hóa chất - công ty mẹ…

Chưa kể, theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực M&A Việt Nam, thì Vietnam Airlines và Vinamilk sẽ tiếp tục “khuấy đảo thị trường”. Hơn 1,4 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã chính thức được chuyển từ sàn UPCoM lên HoSE và đây hứa hẹn là một "món ăn" vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Tương tự, Vinamilk luôn là “miếng mồi ngon”. Các ngân hàng lớn của Việt Nam - ví như MB mới đây đã không giấu giếm kế hoạch bán tiếp 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay - cũng là đích ngắm lâu nay của các thương vụ M&A lớn.

Và tất nhiên, càng không thể không nhắc tới thương vụ KEB Hana Bank với BIDV. Sức nóng của thương vụ này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn vô cùng lớn.

“Hàng hóa” không thiếu, thậm chí rất phong phú và hấp dẫn. Đó là lý do khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng, tuy quy mô giá trị giao dịch M&A được công khai ở Việt Nam còn thấp so với khu vực ASEAN, nhưng giá trị thị trường M&A tại Việt Nam sẽ diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới.

“Chất xúc tác” cho thị trường M&A Việt Nam

Điều kiện cần và đủ đã có, song trong bối cảnh thị trường M&A đang có xu hướng trầm lắng, có lẽ, cần có thêm chất xúc tác cho thị trường, nói đúng hơn là cần “thay đổi để bứt phá”. Chất xúc tác đó đến từ quyết tâm cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, từ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và quan trọng không kém, đến từ các dịch chuyển chính sách thu hút đầu tư nước ngoài…

Một thông tin quan trọng, được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, đó là trong định hướng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam đã xác định, sẽ “mở rộng phương thức M&A”.

Còn nhớ, tại Diễn đàn M&A lần thứ 10 năm 2018, do Báo Đầu tư tổ chức, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trên thế giới, M&A là “hoạt động bình thường” và diễn ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; nhưng với nền kinh tế Việt Nam, đây là hoạt động “vô cùng quan trọng”, mở ra cơ hội thu hút vốn FDI, FII, tạo điều kiện cho hoạt động doanh nghiệp và góp phần vào quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam.

Khi Chính phủ Việt Nam cởi mở hơn với M&A, hành lang pháp lý cho hoạt động này sẽ ngày được hoàn thiện, qua đó sẽ tạo cơ hội bứt phá cho thị trường.

Một thống kê được Cục Đầu tư nước ngoài công bố, 6 tháng đầu năm, đã có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018. Kể cả không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông (Beerco Limited góp vốn vào Công ty TNHH Vietnam Beverage), thì tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ nửa đầu năm nay, mà những năm gần đây, các số liệu thống kê đều cho thấy, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần ngày càng nhiều. Năm ngoái, có tới 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017. Năm 2017, con số là 6,19 tỷ USD; còn năm 2016 là 3,425 tỷ USD.

Một trong những lý do khiến góp vốn, mua cổ phần tăng nhanh những năm gần đây, đó là sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực, thủ tục đầu tư đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đơn giản và minh bạch.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước.

Tới đây, khi Luật Đầu tư được sửa đổi, thì quy định pháp luật thậm chí còn đơn giản, thông thoáng hơn nữa, tạo thêm “cú hích” cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần, M&A phát triển.

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, cũng sẽ bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ phải đăng ký với cơ quan nhà nước khi việc góp vốn, mua cổ phần làm tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới 51% lên 51% trở lên và tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên trong tổ chức kinh tế.

Thủ tục thuận lợi sẽ giúp việc đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tăng nhanh, qua đó thúc đẩy thị trường M&A phát triển.

Chưa kể, việc Luật Chứng khoán được sửa đổi “mở cửa” cho nhà đầu tư nước ngoài “lên sàn” cũng sẽ làm thay đổi đáng kể thị trường chứng khoán Việt Nam và tác động tới thị trường M&A Việt Nam.

“Dù vẫn còn những trở ngại, nhưng chúng tôi dự báo, giá trị thị trường M&A Việt Nam năm 2019 sẽ ở mức 6,7-6,8 tỷ USD, tương đương 90% giá trị M&A năm 2018. Như vậy, dù kết quả năm nay có giảm, nhưng trong 3 năm liên tiếp 2017 - 2019, quy mô thị trường mỗi năm đã ở mức 7 tỷ USD, cao hơn với giai đoạn từ 2014 - 2017 với quy mô 5 tỷ USD. Tuy nhiên, để thị trường đạt một tầm cao mới, vẫn cần chờ đợi những thương vụ lớn, cũng như chờ đợi các động thái mạnh mẽ hơn của Chính phủ và các doanh nghiệp”, Nhóm Nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam nhận định.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục