Thị trường bán lẻ đón sóng

(ĐTCK) Với giá 1 USD, Công ty VinCommerce, thành viên của Tập đoàn Vingroup đã nhận được hệ thống 87 cửa hàng tiện lợi nằm trong chuỗi Shop & Go. Thương vụ chuyển nhượng sẽ được hoàn tất trong tháng 4/2019. Biến động bất ngờ này được xem là con sóng lớn đầu tiên trong năm 2019 - vốn được dự báo sẽ chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt tại mảng bán lẻ.
Thị trường bán lẻ đón sóng

Xu hướng M&A

Shop & Go là chuỗi cửa hàng của chủ đầu tư từ Singapore do Công ty cổ phần Cửa hiệu và Sức sống quản lý. Ra đời năm 2006, cửa hàng Shop & Go mở 24/24h cung cấp các mặt hàng tiêu dùng nhanh từ thực phẩm chế biến đến hóa mỹ phẩm…, sau đó nhân rộng thành chuỗi và là thương hiệu đầu tiên tiên phong trong mô hình cửa hàng tiện lợi. Tính đến năm 2019, Shop & Go đã sở hữu 87 cửa hàng, trong đó 70 cửa hàng ở TP.HCM và 17 cửa hàng tại Hà Nội.

Tuy nhiên, Shop & Go vẫn không đủ sức vượt qua cuộc chiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ. Báo cáo tài chính của Công ty Cửa hiệu và Sức sống cho thấy, năm 2016, hệ thống này đạt 267 tỷ đồng doanh thu và lỗ gần 40 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 là 205 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 1,27 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, Công ty nâng vốn điều lệ lên 207 tỷ đồng.

Đại diện Cửa hiệu và Sức sống cho hay đã quyết định rút lui sau khi nhận thấy thị trường bán lẻ không đơn giản như hình dung và với thương vụ 1 USD này, Công ty tặng lại Shop & Go để Vincommerce tiếp tục đầu tư, phát triển. Theo đó, Vincomerce sẽ chuyển đổi, nâng cấp mọi mặt từ cơ sở vật chất, hàng hóa, chất lượng nhân sự, quản lý theo tiêu chuẩn của hệ thống Vin Mart và Vin Mart +.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán xung quanh thương vụ này, bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho rằng, Shop & Go thất bại chủ yếu do chiến lược kinh doanh không phù hợp. Trong khi đó, Vinmart, C&K… đang đi đúng hướng, cung cấp dòng sản phẩm tốt và tiếp cận đúng phân khúc khách hàng mục tiêu nên hiện nay phát triển rất tốt.

“Thị trường bán lẻ đang chứng kiến cuộc đua cạnh tranh khốc liệt, nhất là mảng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh. Nếu không có chiến lược, chính sách phù hợp, doanh nghiệp sẽ không tồn tại được và hoạt động M&A sẽ diễn ra”, bà Hằng nói và cho biết, xu hướng mua bán, sáp nhập sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay cùng với tốc độ phát triển nhanh của thị trường tiêu dùng Việt Nam. 

Thương mại điện tử bùng nổ

Tính đến hết quý I/2019, doanh thu của bán lẻ toàn thị trường đạt 52 tỷ USD, tăng trưởng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn về dài hạn, Savills Việt Nam nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khi sở hữu nhiều động lực tích cực: Nền kinh tế được kỳ vọng tăng trưởng cao, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng được cải thiện, lực lượng dân cư đông, nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh mẽ…

Theo đó, lĩnh vực bán lẻ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng hai con số, nhất là khi thị trường đang đón nhận sự tham gia mạnh mẽ của thương mại điện tử. Hiện nay, để gia tăng doanh thu, các trung tâm thương mại không chỉ thuần túy trưng bày bán hàng, mà còn chủ động kết hợp với kênh mua sắm online. Đây là yếu tố mới của năm nay và sẽ là xu hướng chủ đạo.

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, cùng với sự nổi lên của các tên tuổi như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Chẳng hạn, tại riêng Hà Nội, năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu doanh thu thương mại điện tử chiếm 9% tổng mức bán lẻ và giữ vững xếp hạng thứ hai cả nước về chỉ số thương mại điện tử. Hà Nội cũng kỳ vọng tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến chiếm 68% số người dùng internet, 85% cơ sở bán lẻ và 25% cửa hàng xăng dầu chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt…

Trong giai đoạn 2018 - 2025, Google và Temesek dự báo, mỗi năm doanh thu của thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng 40%. Có thể thấy, thương mại điện tử đang trỗi dậy và dần chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng doanh thu bán lẻ. 

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục