Quản lý thuế đối với hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) như thế nào

Việc quản lý thuế đối với hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) là vấn đề được dư luận quan tâm. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, pháp luật về thuế hiện hành đã có quy định cụ thể đối với các giao dịch chuyển nhượng thuộc phạm vi liên quan đến M&A.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế). Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế).

Thưa ông, hoạt động M&A được điều chỉnh bởi những sắc thuế nào?

Pháp luật hiện hành của Việt Nam đã có một số quy định liên quan đến M&A, nhưng rải rác ở nhiều văn bản như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh… 

Tuy M&A được tiến hành dưới nhiều phương thức khác nhau, nhưng tựu trung, hoạt động M&A được thực hiện thông qua giao dịch chuyển nhượng với chủ thể là bên bán, bên mua, bên môi giới hoặc làm dịch vụ cho các bên.

Đối tượng của giao dịch chuyển nhượng có thể là tài sản, dự án đầu tư của doanh nghiệp; toàn bộ cơ sở sản xuất, kinh doanh; phần vốn hoặc cổ phần của doanh nghiệp được chuyển nhượng theo hợp đồng; giao dịch mua gom cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cho đến khi đạt tỷ lệ được quyền kiểm soát.

Hiện tại, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang trong giai đoạn nghiên cứu, tổng hợp ý kiến trước khi trình Chính phủ, còn trong chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội năm 2017 và 2018 không có kế hoạch ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các luật về chính sách thuế.

Mặc dù vậy, pháp luật về thuế hiện hành đã có quy định cụ thể đối với các giao dịch chuyển nhượng thuộc phạm vi liên quan đến M&A. Cụ thể là thuế đánh với bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ cổ phần (hoặc phần vốn góp) của doanh nghiệp khác.

Bên chuyển nhượng sẽ phải nộp những loại thuế nào, thưa ông?

Bên chuyển nhượng phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp. Luật thuế GTGT hiện hành quy định, doanh nghiệp chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ tài sản như nhà xưởng, máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất thì nộp thuế GTGT theo mức thuế suất chung 10%.

Trường hợp doanh nghiệp chuyển nhượng vốn góp, cổ phần, chứng khoán được giao dịch trên thị trường chứng khoán thì các giao dịch này được xếp vào giao dịch tài chính và thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại hoặc dịch vụ tài chính, ngân hàng khi chuyển nhượng toàn bộ mảng kinh doanh nào đó (ví dụ ngân hàng chuyển nhượng khối bán lẻ, doanh nghiệp thương mại chuyển nhượng chuỗi cửa hàng), thì việc xác định nghĩa vụ thuế GTGT phức tạp hơn.

Theo đó, doanh nghiệp phải xác định tách bạch giá trị của yếu tố vật chất, giá trị của hàng hóa, dịch vụ, bất động sản gắn với mảng kinh doanh được chuyển nhượng để tính đủ thuế GTGT. Phần giá trị về vốn, công nợ, tài sản sở hữu trí tuệ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn, thì các giao dịch của doanh nghiệp về chuyển nhượng tài sản, vốn, chứng khoán đều phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với mức thuế suất phổ thông là 20%.

Đối với các trường hợp bán toàn bộ doanh nghiệp thì cần tách riêng trị giá bất động sản để áp thuế theo quy định, không được quyền bù trừ giữa lãi của hoạt động bất động sản với khoản lỗ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

Hoạt động chuyển nhượng vốn, cổ phần không chỉ diễn ra giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, mà còn có sự tham gia của cá nhân. Thưa ông, cá nhân chuyển nhượng vốn, cổ phần phải chịu sự điều chỉnh của sắc thuế nào?

Cá nhân được quyền mang tiền vốn, tài sản, bất động sản, kể cả quyền sử dụng đất góp vốn thành lập doanh nghiệp. Theo quy định về thuế thu nhập cá nhân, thì bất động sản chuyển nhượng phải thực hiện nghĩa vụ thuế 2% trị giá bất động sản.

Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp được chuyển nhượng, trị giá phần vốn, tài sản sẽ được hoàn trả lại cho chủ đầu tư, quyền sử dụng đất của các cá nhân trước đây góp vào để thành lập doanh nghiệp, nay được chuyển nhượng sẽ phải truy nộp thuế thu nhập cá nhân.  

Tương tự, cổ tức và lợi nhuận sau thuế phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5% trên thu nhập thực tế cá nhân được nhận, trong trường hợp doanh nghiệp dùng lợi nhuận sau thuế để tăng vốn mà chưa chia cho cá nhân thì chưa thu thuế.

Do vậy, khi chuyển nhượng phần vốn hoặc cổ phần của chủ sở hữu là cá nhân, doanh nghiệp chuyển nhượng cần rà soát lại nghĩa vụ thuế đối với phần vốn có nguồn gốc được bổ sung từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế những năm trước đây.

Chủ sở hữu là cá nhân nắm giữ phần vốn hoặc cổ phần của doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, chuyển nhượng chứng khoán phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo mức 0,1% trên tổng trị giá giao dịch; chuyển nhượng vốn nộp 20% trên thu nhập.

Bên chuyển nhượng đã nộp các loại thuế rồi, thưa ông, bên nhận chuyển nhượng có tiếp tục phải nộp thuế?

Bên chuyển nhượng phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế vì có thu nhập, nên bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện các nghĩa vụ về thuế đối với hoạt động chuyển nhượng nữa, mà chỉ có nghĩa vụ nộp các loại lệ phí liên quan đến thủ tục đăng ký quyền sở hữu tài sản đối với những tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký.

Tuy nhiên, trên thực tế, đã có không ít thương vụ chuyển nhượng mà trên hợp đồng quy định: Bên bán nhận tiền theo giá NET (giá chuyển nhượng chưa bao gồm các loại thuế thuộc nghĩa vụ của bên bán), thì bên mua (nhận chuyển nhượng) phải thực hiện các nghĩa vụ thuế đáng ra bên bán phải chịu.

Đây là cam kết dân sự, hai bên đồng thuận với điều khoản này, cho nên bên mua phải thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho bên bán.

Mạnh Bôn
baodautu,vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục