M&A thiên về hợp tác hơn thôn tính

(ĐTCK) Đặc trưng lớn nhất của các thương vụ M&A là mua bán, chuyển nhượng cổ phần giữa các doanh nghiệp, không phải là sáp nhập hay hợp nhất doanh nghiệp. Điều này thể hiện tính chất “hợp tác” giữa các doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường…, thay vì “hủy diệt” hay thôn tính đối thủ. Đây là chia sẻ của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng bình chọn thương vụ M&A 2019. 
M&A thiên về hợp tác hơn thôn tính

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng bình chọn Diễn đàn M&A 2019, với ông, đâu là diễn biến ấn tượng nhất trong hoạt động M&A giai đoạn 2018 - 2019?

Thông thường, khi nhắc tới mua bán - sáp nhập (M&A), chúng ta hay nghĩ tới chuyện nhà đầu tư nước ngoài thôn tính doanh nghiệp Việt. Thậm chí, có những thời điểm, không ít người đặt ra câu hỏi: Tại sao nhiều doanh nghiệp Việt phải bán mình? Phải chăng môi trường kinh doanh gặp quá nhiều khó khăn mới dẫn tới câu chuyện này?

Tuy nhiên những thay đổi gần đây cho thấy xu hướng khác, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng triệt để lợi thế của hình thức M&A nhằm mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở rộng thị trường, phát triển doanh nghiệp. Điển hình có trường hợp doanh nghiệp trong nước thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài, như Saigon Coop mua lại Auchan.

Ngoài ra, những thương vụ M&A không yên ả, thu hút sự quan tâm của báo giới, chuyên gia như trường hợp mua cổ phần tại Vinaconex… cũng cho thấy nhiều vấn đề cần chú ý hơn, không đơn thuần là mua bán hay sáp nhập. Trong đó, câu chuyện cần được quan tâm là vấn đề quản trị doanh nghiệp, chuyển giao doanh nghiệp do thay đổi nhà đầu tư, khác biệt văn hóa giữa các nhà đầu tư lớn và các vấn đề hậu M&A khác.

Các thương vụ M&A giai đoạn 2018 - 2019 có những khác biệt nào so với những giai đoạn trước, theo ông?

Đặc trưng lớn nhất của các thương vụ M&A là mua bán, chuyển nhượng cổ phần giữa các doanh nghiệp, không phải là sáp nhập hay hợp nhất doanh nghiệp. Điều này thể hiện tính chất “hợp tác” giữa các doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường…, thay vì “hủy diệt” hay thôn tính đối thủ. Đây không chỉ là đặc trưng của năm nay, mà còn là đặc trưng của hoạt động M&A ở nước ta trong thời gian vừa qua.

M&A thiên về hợp tác hơn thôn tính ảnh 1

Ông Phan Đức Hiếu trao đổi tại Diễn đàn M&A 2019.

Ngoài ra, có một số trường hợp M&A theo hướng tạo thành một công ty con ở Việt Nam, mua 100% cổ phần. Hay việc phát hành thêm cổ phần để bán cho các nhà đầu tư chiến lược nhằm huy động vốn và kỹ năng quản lý cũng khá phổ biến trong năm vừa qua.

Điều này cho thấy rõ ràng hơn M&A là một công cụ huy động vốn hữu hiệu, ngoài các nguồn vốn truyền thống, để doanh nghiệp vừa mở rộng thị trường, phát triển sản xuất - kinh doanh và lấn sân sang lĩnh vực mới.

Sự hình thành Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ đem lại khác biệt gì cho công cuộc thoái vốn, cổ phần hóa, cũng như thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam, theo ông?

Kỳ vọng lớn nhất là sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với tư cách là một nhà đầu tư chuyên nghiệp và có năng lực tốt hơn sẽ giúp thúc đẩy nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước; thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng hơn và đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho cả nhà nước và bản thân doanh nghiệp. Rõ ràng, dưới góc độ M&A, việc ra đời Ủy ban sẽ giúp tạo ra nguồn hàng tốt hơn cho thị trường này.

Theo ông, Việt Nam cần tạo ra những thay đổi gì để thị trường M&A bứt phá?

Ngoài vai trò của Nhà nước trong việc tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nói chung và M&A nói riêng, bản thân doanh nghiệp và các nhà đầu tư có vai trò hết sức quan trọng.

Các doanh nghiệp phải ý thức được rằng, M&A đôi khi là một hình thức rút lui khỏi thị trường hoặc cơ cấu lại doanh nghiệp một cách thông minh và hiệu quả hơn nhiều so với cách giải thể, hay phá sản. Do đó, ngay từ đầu, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đến kinh doanh chuyên nghiệp, thiết lập quản trị doanh nghiệp tốt.

Trong khi đó, các nhà đầu tư cần tự nâng cao nhận thức và kiến thức pháp lý để bảo vệ mình và phát huy tối đa lợi ích của M&A; giảm thiểu những trường hợp tranh chấp, khiếu kiện trong quá trình M&A; không nên kêu cứu hay khiếu nại mà nên sử dụng tòa án hoặc trọng tài nếu tranh chấp xảy ra.

Cuối cùng, chọn đối tác, tìm hiểu và hiểu nhau, ý thức được sự  khác biệt về văn hóa và đặc biệt là nâng cao kiến thức về quản trị doanh nghiệp là rất quan trọng nếu muốn tận dụng lợi thế của M&A để cơ cấu lại doanh nghiệp, mở rộng sản xuất - kinh doanh. Bản thân doanh nghiệp Việt Nam cũng cần mạnh dạn suy nghĩ đến việc thâu tóm doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, bởi đây là một trong những con đường hiệu quả để phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục