M&A Sabeco: Thành công không nhìn từ giá cổ phiếu

(ĐTCK) Nếu tính theo giá cổ phiếu SAB, tỷ phú Thái Lan đã có một thương vụ M&A không thành công bởi giá thị trường đã giảm đi khá nhiều so với giá vốn bỏ ra. Nhưng liệu đây đã là góc nhìn chính xác?
M&A Sabeco: Thành công không nhìn từ giá cổ phiếu

Nhắc tới những thương vụ M&A đình đám trong 1 thập kỷ qua, không thể không kể tới việc Thaibev thông qua công ty con là Vietnam Beverage mua lại cổ phần chi phối Sabeco với giá trị lên đến 4,8 tỷ USD. Nhờ thương vụ này, giá trị M&A tại Việt Nam năm 2017 đã tăng vọt 175% so với năm 2016, đạt 10,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, nhắc đến thương vụ này, không ít người vẫn đặt câu hỏi: Liệu đây có phải một thương vụ M&A thành công hay không, nhất là sau khi chốt thương vụ, giá cổ phiếu SAB của Sabeco trên sàn chứng khoán giảm mạnh?

Trước đó, tháng 12/2017, 343,6 triệu cổ phiếu SAB đã được Vietnam Beverage mua toàn bộ với giá trúng thầu là 320.000 đồng/cổ phiếu. Trước thời điểm này, cổ phiếu SAB có lúc lên tới 339.000 đồng/cổ phiếu, nhưng gần đến ngày đấu giá, giá cổ phiếu giảm nhẹ dần và sau đợt đấu giá, lao xuống một mạch dưới 300.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, dưới nhiều tác động từ yếu tố thị trường, cổ phiếu SAB chỉ còn giao dịch quanh mức 205.000 - 210.000 đồng/cổ phiếu.

Nếu tính theo giá cổ phiếu SAB, tỷ phú Thái đã có một thương vụ M&A không thành công bởi giá thị trường đã giảm đi khá nhiều so với giá vốn bỏ ra. Nhưng sự thành công của một thương vụ M&A có đơn thuần chỉ đánh giá trên giá trị cổ phiếu trên sàn chứng khoán?

Trả lời câu hỏi này, bà Lê Hải Yến, Phó giám đốc Khối IB Công ty Chứng khoán Bảo Việt, đơn vị tư vấn cho thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco cho biết, để đánh giá một thương vụ thoái vốn nhà nước có thành công hay không cần dựa trên nhiều yếu tố. Thứ nhất là hiệu quả mục tiêu nhà nước đạt được khi thực hiện thoái vốn, thứ hai là lợi ích mà doanh nghiệp có được khi thu hút nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào đẩy mạnh quá trình phát triển, kiện toàn quản trị...

Giá cổ phiếu của một doanh nghiệp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố liên quan tới thị trường. Vì vậy, đây chỉ là một yếu tố nhỏ để đánh giá hiệu quả thoái vốn. Nhà đầu tư mua cổ phần thoái vốn với mục đích đầu tư dài hạn, do vậy nếu chỉ xét trên thời gian ngắn thì không đủ tính bao quát và chính xác.

“Sau khi Thaibev tiếp quản Sabeco, thị trường được chứng kiến những thay đổi mạnh mẽ và tích cực mà doanh nghiệp quốc tế đem lại cho doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ mang đến giá trị khả quan cho các cổ đông đại chúng, không chỉ cổ đông lớn”, bà Yến nói.

Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Thinh, Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam cho rằng, thời điểm hiện tại là quá sớm để đánh giá thương vụ Thaibev mua Sabeco thành công hay thất bại, bởi thời gian M&A chưa được 1 năm.

Thương vụ Thaibev - Sabeco là một trường hợp M&A thành công và là điển hình để giới thiệu cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam đánh giá, Thaibev góp sức vào Sabeco không vì đầu tư chứng khoán, nên việc giá cổ phiếu lên hay xuống không ảnh hưởng đến chất lượng của giao dịch này. Về phía nhà nước, Chính phủ đã thoái vốn thành công, thu được khoản tiền lớn, trong khi bên mua - Thaibev vẫn đang trong quá trình chỉnh đốn lại doanh nghiệp vừa tiếp quản và còn rất nhiều vấn đề liên quan đến hậu sáp nhập cần phải thực hiện.

Trong khi đó, ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng, thương vụ Thaibev - Sabeco là một trường hợp M&A thành công và là điển hình để giới thiệu cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài. Thaibev không mua cổ phần Sabeco theo giá cổ phiếu, mà theo tiềm năng của thị trường tiêu thụ bia 90 triệu dân của Việt Nam.

“Nói về thị trường M&A Việt Nam thập kỷ qua, về góc độ tư vấn, tôi đánh giá chất lượng các doanh nghiệp để M&A phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, hoặc thoái vốn. Đa số những doanh nghiệp này đã có nền tảng về văn hóa và quy mô, cũng như nội lực để đảm bảo cho một thương vụ M&A thành công và có giá trị cao”, ông Dũng đánh giá.

Theo Nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A, năm 2017, hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước được đánh giá có thay đổi về chất khi chính phủ công khai danh mục cổ phần hóa, thoái vốn cũng như tỷ lệ cổ phần hóa từng doanh nghiệp từng năm để nhà đầu tư và thị trường xem xét. Quyết định thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng được kỳ vọng là yếu tố thúc đẩy cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước trong giai đoạn tới.

Nhiều thương vụ tỷ đô đã diễn ra với số lượng lớn dần trong các năm gần đây cho thấy, chất lượng hàng hóa đã được cải thiện và nhà đầu tư ngoại ngày càng tham gia tích cực hơn vào thị trường M&A Việt Nam. Do vậy, có thể kỳ vọng sẽ có thêm các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là thương vụ thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.             

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục