M&A nửa nổi, nửa ngầm

(ĐTCK) Thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tưởng như trầm lắng do ảnh hưởng từ đại dịch, nhưng thực tế, nhiều thương vụ sang tên đổi chủ đã bắt đầu lộ diện và còn nhiều thương vụ khác đang trong diện tìm hiểu, đàm phán để đi đến cái kết về chung nhà.
M&A nửa nổi, nửa ngầm

Ông lớn tập đoàn đa ngành của Thái Lan - SCG - tuyên bố sẽ mua cổ phần CTCP Bao bì Biên Hoà (SVI)…

Đây là một trong những thương vụ đã có công bố rõ ràng. Bên cạnh đó, một số thương vụ được giới đầu tư đang dõi theo và chờ đợi thông báo cụ thể.

Thông tin mới nhất về CTCP Tập đoàn KIDO đang dần lộ diện. KDC chính thức cùng CTCP Sữa Việt Nam (VNM) đã ký thoả thuận ghi nhớ liên quan đến việc thành lập liên doanh trong lĩnh vực nước giải khát - kem. Trong đó, tỷ lệ vốn góp của VNM là 51%, còn KDC là 49%.

Lĩnh vực liên doanh của hai bên là sản xuất kinh doanh nước giải khát, (bao gồm các loại nước có lợi cho sức khoẻ, trà, trà sữa… không bao gồm các loại có ga), sản xuất và kinh doanh các loại kem và thực phẩm đông lạnh.

Ở một diễn biến khác, có thông tin cho rằng, một nhóm cổ đông đang gom mua cổ phiếu và gom uỷ quyền để có thể có tiếng nói lớn hơn trong Đại hội đồng cổ đông CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) sắp tới. Bên mua được đồn là Masan - là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, với mục đích tham gia TDH là để sở hữu Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhằm khép kín hệ thống từ sản xuất đến phân phối qua kênh hiện đại, lẫn kênh truyền thống.

TDH đang sở hữu 49% cổ phần tại Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Đây là một trong 3 chợ đầu mối lớn nhất nước, hoạt động từ năm 2003 do Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức (Công ty Quản lý chợ) quản lý.

Năm 2018, TDH đã quyết định chuyển nhượng 51% vốn cho 36 cán bộ quản lý (từ cấp phó phòng trở lên) của TDH và 24 cán bộ của Công ty Quản lý Chợ. Giá bán là 34.900 đồng/cổ phiếu theo định giá của công ty tư vấn độc lập.

Diễn biến bất ngờ là trong tuần qua là việc HĐQT TDH có nghị quyết bán đứt 49% vốn tại Công ty Quản lý chợ với giá 48.400 đồng/cổ phần, tương ứng tổng giá trị chuyển chuyển nhượng gần 87,8 tỷ đồng. Thời gian thực hiện thương vụ là ngay trong tháng 6/2020.

Thông tin xôn xao khác cho rằng, một tập đoàn lớn có động thái xuất hiện tại SJS, đơn vị đang sở hữu dự án có quy mô lớn nhất là Nam An Khánh. Cùng với đó là thông tin tập đoàn này có khoản đầu tư vào STB và đã gom mua khoảng 30% cổ phần tại ITA.

Những thông tin này chưa được kiểm chứng và chưa có phát ngôn chính thức từ các bên có liên quan, nhưng cũng tạo nên không ít sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường. HPG thì được cho là có khả năng sẽ tham gia mua cổ phần tại DBC nhằm hoàn thiện và mở rộng hơn lĩnh vực chăn nuôi heo.

Lĩnh vực năng lượng, ghi nhận việc một số nhà đầu tư nước ngoài muốn rót vốn đầu tư, đặc biệt là cuộc chạy đua thi công và mua những dự án trước thời điểm 2021 để được giá điện tốt.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2020 của CTCP Licogi 16, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, thời gian tới, LCG tiếp tục tìm kiếm cơ hội từ các dự án năng lượng tái tạo, đơn cử việc tham gia đấu thầu các dự án của EVN, dự án điện nổi trên lòng hồ thủy điện…

Đồng thời, Công ty cũng tìm kiếm nhà đầu tư để chuyển nhượng các dự án đã hoàn thành tạo nguồn triển khai các dự án điện gió.

Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều thương vụ đối tác ngoại thông qua các nhà đầu tư trong nước để tham gia các dự án điện mặt trời.

Điển hình là Công ty Năng lượng Thái Lan Super Energy Corporation (SUPER) thông báo sẽ chi không quá 456,7 triệu USD để đầu tư vào cụm 4 dự án nhà máy điện tại tỉnh Bình Phước.

Trong quý I/2020, Tập đoàn Năng lượng Thái Lan Gulf Energy Development trở thành cổ đông chiếm 90-95% vốn tại hai dự án điện mặt trời tại Tây Ninh là TTC1 và TTC 2 - vốn là hai nhà máy điện mặt trời do Tập đoàn Thành Thành Công và Tập đoàn Năng lượng Gulf (Thái Lan) hợp tác đầu tư, vận hành từ giữa năm 2019, với tỷ lệ vốn góp của Gulf là 49%.

Theo chuyên gia của Yuanta Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều công ty phải đối mặt với những thách thức bất ngờ.

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp muốn tìm đối tác để M&A. Bên cạnh các chuyển động mua lại giữa các doanh nghiệp nội với nhau, chuyên gia Yuanta nhận thấy, chưa có nhiều ký vọng dòng tiền từ nước ngoài sẽ chảy mạnh vào doanh nghiệp Việt qua kênh này.

Xu hướng rõ nét nhất hiện nay là các đại gia công nghệ Mỹ mua lại các công ty công nghệ nhỏ, hoặc các công ty khởi nghiệp để củng cố hoặc bổ sung cho lộ trình sản phẩm.

Theo Yuanta, với việc Chính phủ tung ra nhiều gói kích thích nền kinh tế và TTCK liên tục tăng điểm, giá của nhiều doanh nghiệp trên sàn đã không còn rẻ đến mức người mua sẵn sàng "nhảy" vào M&A doanh nghiệp Việt Nam.                                    

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục