Làm mới chính sách, vốn sẽ chảy mạnh qua M&A

(ĐTCK) Nới lỏng room ngoại chỉ là một chuyện, làm mới chính sách đòi hỏi nền tảng pháp lý mới phải có điểm lỏng hơn, có điểm chặt hơn và có điểm chuẩn hơn, nhằm tạo ra một sự hiểu biết chung nhất, thuận lợi trong việc khớp nối cung - cầu trên thị trường vốn. 
TTCK Việt Nam hiện có giá trị vốn hóa khoảng 200 tỷ USD, khối ngoại sở hữu khoảng 34 tỷ USD, tương đương 17%. TTCK Việt Nam hiện có giá trị vốn hóa khoảng 200 tỷ USD, khối ngoại sở hữu khoảng 34 tỷ USD, tương đương 17%.

Hiện nhà đầu tư ngoại mới mua 20% cổ phiếu toàn sàn HOSE và khoảng 5% cổ phiếu toàn sàn HNX. Không gian đầu tư còn rất rộng, nhưng dòng vốn lớn sẽ chỉ chảy mạnh khi khối ngoại có niềm tin vào sự minh bạch và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp Việt Nam. 

Không gian còn rộng, vốn ngoại chậm chảy vì sao?

Trên TTCK Việt Nam, động thái giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài luôn nhận được sự chú ý, nhưng thống kê mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho thấy một thực tế khác.

Theo đó, nếu năm 2017, vốn ngoại sở hữu 18,88% vốn hóa các cổ phiếu niêm yết trên toàn sàn HOSE thì sang năm 2018, con số này là 19,45%, đến giữa năm 2019 là 20%. Chỉ báo này cho thấy, vốn ngoại có vào ròng doanh nghiệp niêm yết, nhưng tỷ trọng sở hữu trong doanh nghiệp tăng không đáng kể, không gian cho vốn ngoại vào thị trường cổ phiếu Việt Nam còn rất rộng rãi, chứ không hạn hẹp gì.

Gần 30 doanh nghiệp lớn gồm Vinamilk, Kido, SSI, HSC, DHG, CII, NVL… có sức hấp dẫn vốn ngoại đã thực hiện nới room ngoại lên 100%. Tuy nhiên, thị trường còn hàng trăm doanh nghiệp niêm yết khác, có vốn hóa lớn hơn 1.000 tỷ đồng nhưng mức độ hấp dẫn vốn ngoại còn thấp.

Bức tranh thị trường cho thấy, vốn ngoại chỉ “tụ” ở một số doanh nghiệp và ngay cả khi không cần nới room, vốn ngoại vẫn còn không gian lên tới 29% vốn hóa toàn HOSE đang trống.

Trên sàn Hà Nội, do tính chất là nơi giao dịch của đại đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nên mức độ thu hút vốn ngoại trên sàn này rất thấp, chỉ khoảng 5% vốn hóa toàn sàn. Tính chung toàn TTCK Việt Nam, vốn hóa khoảng 200 tỷ USD, sở hữu của khối ngoại khoảng 34 tỷ USD, tương đương 17% vốn hóa thị trường cổ phiếu.

Vậy có nghịch lý không khi vốn ngoại chảy chậm vào cổ phiếu, vào doanh nghiệp, nhưng trên các diễn đàn đối thoại chính sách, nhiều tổ chức đầu tư liên tục kiến nghị Chính phủ rộng cửa cho vốn chảy vào doanh nghiệp Việt?

Trong cuộc làm việc mới đây với các nhà quản lý, chuyên gia pháp lý của Dragon Capital, quỹ quản lý 3 tỷ USD đầu tư vào Việt Nam chia sẻ, họ đã gắn bó với Việt Nam 25 năm và thấy, nhà đầu tư nước ngoài bị vướng nhất là quy định từ Ðiều 23 đến Ðiều 26, Luật Ðầu tư. Câu hỏi các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra là: Luật Ðầu tư có điều chỉnh hay không điều chỉnh các quan hệ đầu tư trên TTCK?

“Nếu quan điểm của Luật Ðầu tư chỉ điều chỉnh hoạt động đầu tư trực tiếp, không điều chỉnh hoạt động đầu tư gián tiếp trên TTCK thì chúng tôi đề xuất Luật cần quy định rõ, Ðiều 23 đến Ðiều 26 Luật Ðầu tư không áp dụng trên TTCK Việt Nam”, luật sư của Dragon Capital nói.

Luật sư phân tích, nếu giải quyết được việc trên, tức là “phân khu” pháp lý rõ ràng giữa quản lý đầu tư trực tiếp và gián tiếp, thì Luật Chứng khoán sửa đổi cần quy định rõ điều kiện, thủ tục đầu tư vào doanh nghiệp và tỷ lệ đầu tư tối đa theo các ngành. Còn nếu không thể định danh rõ ràng, Quốc hội cần sửa Luật Ðầu tư.

Lý do, TTCK có đặc trưng là thay đổi liên tục về sở hữu, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên xuống hàng ngày, nên nếu giữ nguyên quy định như Ðiều 23 đến 26 tại Luật Ðầu tư rằng, doanh nghiệp có 51% vốn ngoại thì là nhà đầu tư nước ngoài, là gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các chủ thể giám sát thực thi Luật.

Chuyên gia đến từ VinaCapital thì chia sẻ, các thương vụ M&A, chào bán cổ phần đến con số triệu USD của doanh nghiệp Việt Nam đều có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Cánh cửa mở cho khối ngoại nên rộng hơn, không chỉ là room, mà còn cần tạo điều kiện cho các giao dịch chuyển nhượng ngoài sàn khối lượng lớn.

Bất cập được ông nêu ra là, trong khi Luật Doanh nghiệp cho phép tự do chuyển nhượng cổ phần tại doanh nghiệp, trừ trường hợp điều lệ hoặc Ðại hội đồng cổ đông doanh nghiệp có quy định hạn chế, thì dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) lại hạn chế thời gian chuyển nhượng của nhà đầu tư chiến lược khi mua cổ phần của doanh nghiệp chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Nới room và tạo thuận lợi tối đa cho dòng vốn chu chuyển, đó là kiến nghị đến từ luật sư của các quỹ đầu tư đã gắn bó lâu nhất với thị trường vốn Việt Nam.

Cần xóa khoảng cách thông tin doanh nghiệp, thông tin tài chính

Vốn ngoại chảy nhiều nhất vào TTCK Việt Nam hiện nay đến từ các nền kinh tế gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mỹ, Ðài Loan, Anh… Nhà đầu tư Hàn Quốc muốn tìm cơ hội mua cổ phiếu ở các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, chế biến, chế tạo, dược phẩm, trong khi nhà đầu tư Anh muốn tìm cơ hội mua doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông, năng lượng, dịch vụ tài chính…

Tuy nhiên, nhà đầu tư ngoại có chung đánh giá, đó là doanh nghiệp Việt chưa thực thi báo cáo tài chính theo chuẩn mực quốc tế và thông tin ra quốc tế còn mỏng, ngôn ngữ không đồng nhất, dẫn đến việc hiểu và tìm cơ hội đầu tư rất khó khăn.

Rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc có nhu cầu tìm kiếm đầu tư tại Việt Nam, nhưng khó khăn của họ, như chia sẻ của ông Lee Jonggun, Tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra) ở chỗ, họ có rất ít thông tin về bức tranh doanh nghiệp Việt Nam, chẳng hạn thông tin về sự phân bổ doanh nghiệp theo ngành nghề, vùng miền, hiệu quả hoạt động, hay thông tin chi tiết hơn đến từng doanh nghiệp…

Tháng 12/2019, Kotra sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cho các doanh nghiệp giữa 2 nước. Ðiều đáng mừng là mới đây, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã ban hành “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019”, công bố bức tranh toàn cảnh doanh nghiệp Việt Nam, đáp ứng nhiều nhu cầu thông tin của nhà đầu tư nước ngoài. Nếu cuốn sách này được dịch sang tiếng Anh sẽ giúp các nhà đầu tư quốc tế cảm nhận rõ hơn bức tranh doanh nghiệp Việt Nam.

Khảo sát của Kotra thực hiện giữa năm 2019 với 300 doanh nghiệp nội địa cho biết, 1/3 số doanh nghiệp chọn đến Việt Nam khi trả lời câu hỏi quốc gia nào doanh nghiệp đang quan tâm tìm cơ hội đầu tư nhất.

Với thị trường 100 triệu dân, sự quan tâm của vốn Hàn Quốc đến Việt Nam là lớn, tuy nhiên, Tổng giám đốc Kotra chia sẻ, do doanh nghiệp Việt chưa thực thi báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế nên rất khó để hiểu được “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam, để từ đó xây niềm tin đầu tư dài hạn.

Ðây là lý do doanh nghiệp Hàn Quốc thường thiên về tìm kiếm cơ hội đầu tư trực tiếp và mới đây có thêm hình thức là đầu tư qua quỹ ETF.

Chỉ thông qua 1 quỹ đầu tư nội địa, nhà đầu tư Hàn Quốc đã mua trên 4.000 tỷ đồng trong tổng số giá trị tài sản ròng 7.578 tỷ đồng của Quỹ VFMVN30. Nếu thông tin về doanh nghiệp Việt Nam dễ hiểu, dễ đầu tư hơn, không chỉ vốn từ Hàn Quốc, mà nhiều quốc gia khác có khả năng chảy vào mạnh. Nhu cầu xuất khẩu vốn, công nghệ từ các quốc gia phát triển sang Việt Nam là lớn, nhưng họ cần tìm được đối tác tin cậy để hợp tác đầu tư.

Diễn đàn M&A 2019 do Báo Ðầu tư tổ chức ngày 6/8/2019 sẽ dành phiên đầu tiên cho việc thảo luận chính sách thu hút vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt, đặc biệt là qua hình thức M&A.

Các diễn giả sẽ thảo luận nhiều chủ điểm, trong đó có chủ điểm liệu Chính phủ Việt Nam có quyết tâm tháo gỡ các rào cản pháp lý và áp dụng chính sách nới lỏng để hỗ trợ hoạt động M&A như nới room vốn ngoại; giảm số lượng các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; xử lý những vướng mắc về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp được quy định trong Luật Ðầu tư…?

Bên cạnh việc rộng cửa hút vốn, ghi nhận ý kiến từ nhiều nhà đầu tư quốc tế cho rằng, nền tảng pháp lý cần thúc đẩy doanh nghiệp Việt chuẩn hóa sự minh bạch trong công bố thông tin và đo lường sức khỏe tài chính. Khi cơ hội và điều kiện đầu tư hội tụ đủ, sẽ là những yếu tố thúc đẩy vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt nhiều hơn.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục