Gia tăng vốn nước ngoài nhờ “cửa” mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Có sự trợ lực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua hình thức mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A), vốn nước ngoài vào Việt Nam không ngừng tăng lên.
Central Group thâu tóm Big C là một trong những thương vụ M&A lớn trong thời gian qua. Central Group thâu tóm Big C là một trong những thương vụ M&A lớn trong thời gian qua.

Chọn M&A để nhanh “tham chiến”

Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 7 tháng đầu năm, đã có gần 23 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Nếu phân tích kỹ, mức tăng này chủ yếu nhờ vào hoạt động góp vốn, mua cổ phần ngày càng sôi động của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bởi thực chất, sau 7 tháng, tuy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới đã đạt 13,2 tỷ USD, tăng nhẹ 2,2% so với cùng kỳ, song vốn tăng thêm lại chỉ đạt 4,95 tỷ USD, bằng 84,2% so với cùng kỳ năm 2017. 

Điều này có nghĩa, nếu không có các hoạt động M&A “kéo” lên, thì vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 7 tháng qua sụt giảm so với năm ngoái.

Thực tế, theo ông Nguyễn Nội, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, những năm gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần để đầu tư vào Việt Nam, để có thể ngay lập tức “tham chiến” trên thị trường, thay vì đầu tư xây nhà máy, hay thiết lập cơ sở kinh doanh từ đầu.

Con số của năm 2016 là 4,5 tỷ USD, còn của năm 2017 là 6,3 tỷ USD. Sự “bùng nổ” trong góp vốn, mua cổ phần đã góp phần quan trọng đưa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng cao.

“Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Tôi cho rằng, việc nhà đầu tư nước ngoài chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần khi đầu tư vào Việt Nam là rất quan trọng, bởi hầu hết phần vốn này sẽ ngay lập tức được đưa vào thực hiện. Đầu tư qua hình thức này còn giúp thúc đẩy chuyển giao công nghệ, chuyển giao kỹ năng quản lý tiên tiến và đặc biệt là mang lại sự minh bạch trong các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Nội nói.

Trong khi đó, theo ông Micheal DC Choi, Phó tổng giám đốc Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Hà Nội, ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, nhất là các tổ chức tài chính, các quỹ đầu tư mạo hiểm, muốn tới đầu tư tại Việt Nam thông qua hình thức M&A. “Tôi tin rằng, sẽ có thêm nhà đầu tư chiến lược Hàn Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, trong đó có thông qua hình thức M&A”, ông Choi nói.

FDI tạo lực đẩy cho thị trường M&A

Các thương vụ M&A đã góp phần quan trọng làm dầy thêm dòng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, theo ông Đặng Xuân Minh, đại diện nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam, thì một trong những yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong những năm qua lại chính là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư FDI lớn tại Việt Nam cũng chính là các nhà đầu tư thực hiện nhiều thương vụ M&A, với giá trị lớn ở thị trường Việt Nam nhất.

Không quá khó để chứng minh nhận định này. Nhà đầu tư Thái Lan là ví dụ điển hình. Theo ông Đặng Xuân Minh, các nhà đầu tư Thái Lan đã thực hiện hàng loạt thương vụ lớn, mua lại các công ty lớn dẫn đầu thị trường Việt Nam, như các thương vụ mua BigC, Metro, Nguyễn Kim, hay mua Prime Group, VCM, Xi măng Holcim, rồi Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong… và đặc biệt là thương vụ ThaiBev - Sabeco.

Thái Lan, có thể nói, đang tiếp tục dẫn đầu trong số các quốc gia thực hiện M&A tại Việt Nam. Trong khi đó, Thái Lan đứng vị trí thứ 9 trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam, với 10,2 tỷ USD. 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư Thái Lan đã chi hơn 107 triệu USD để góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài chọn hình thức góp vốn, mua cổ phần khi đầu tư vào Việt Nam là rất quan trọng, bởi hầu hết phần vốn này sẽ ngay lập tức được đưa vào thực hiện.

Tuy các nhà đầu tư Hàn Quốc, hiện đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam, không có các thương vụ đình đám như nhà đầu tư Thái Lan, song họ cũng có tên trong danh sách 100 thương vụ M&A tiêu biểu trong vòng một thập kỷ qua của Diễn đàn M&A Việt Nam.

Điển hình là các thương vụ Shinhan Việt Nam mua lại mảng bản lẻ của ANZ Vietnam; Dongwon mua cổ phần Bao bì Tân Tiến, Minh Việt; CJ CGV mua Megastar; Lotte Card Co., Ltd mua Techcom Finance (Techcombank); CJ Logistics mua cổ phần Germadept; hay Daesang Corp mua CTCP Thực phẩm Đức Việt…

Trong khi đó, nhà đầu tư Nhật Bản cũng có rất nhiều thương vụ M&A “để đời”. Chẳng hạn, các thương vụ giữa JX Nippon Oil & Energy và Petrolimex; ANA Holdings và Vietnam Airlines; Sojitz và Giấy Sài Gòn; hay Thép Kyoel với Công ty cổ phần Thép Việt Ý; Bank of Tokyo -Mitsubishi UFJ với VietinBank; rồi Mizuho - Vietcombank…

Các nhà đầu tư Singapore cũng tương tự. Theo Diễn đàn M&A Việt Nam, 7 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư Singapore đang nổi bật với các thương vụ của GIC.

Tổng giá trị mà các nhà đầu tư Singapore đã bỏ ra để góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp ở Việt Nam kể từ đầu năm tới nay là 805 triệu USD.

Trong khi đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc bỏ ra 937,6 triệu USD; các nhà đầu tư Nhật là 343,5 triệu USD, còn BritishVirginIslands thì lên tới trên 1 tỷ USD…

Theo nhận định của GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, Việt Nam đang có một cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư nước ngoài.

Cùng với dòng chảy FDI đó, thì đầu tư qua hình thức M&A sẽ tiếp tục bùng nổ, bởi M&A chính là con đường ngắn nhất để các nhà đầu tư nhanh chóng hiện thực hóa các tham vọng của mình ở thị trường Việt Nam.

Hà Nguyễn
baodautu,vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục