MST chuẩn bị tăng vốn, nhiều dấu hỏi về chất lượng hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cổ phiếu MST lọt Top các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HNX thời gian qua, nhưng nội tình doanh nghiệp lại có nhiều vấn đề.
MST chuẩn bị tăng vốn, nhiều dấu hỏi về chất lượng hoạt động

Chào bán riêng lẻ 45,8%, không cổ đông nào nắm tới 5%

Công ty cổ phần Đầu tư MST (mã MST) vừa thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu cho 12 nhà đầu tư cá nhân trong nước. Trong đó, nhà đầu tư mua ít nhất là 1,5 triệu cổ phiếu, nhà đầu tư mua nhiều nhất là 2,9 triệu cổ phiếu, chỉ tương đương 4,4% vốn điều lệ của MST– chưa đủ tỷ lệ 5% để trở thành cổ đông lớn.

Mặc dù tổng khối lượng cổ phiếu phát hành thêm tương đương 45,8% vốn điều lệ sau phát hành, nhưng với việc chia nhỏ số cổ phiếu cho 12 nhà đầu tư, thì sau giai đoạn hạn chế chuyển nhượng 1 năm, các cổ đông có thể bán ra mà không cần công bố thông tin.

Nghĩa là nhà đầu tư bên ngoài không theo dõi được các nhà đầu tư được chọn để chào bán cổ phần này có gắn bó lâu dài với công ty hay không

Với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, Công ty dự kiến thu về 300 tỷ đồng. Số tiền nay dùng để bổ sung vốn lưu động thanh toán cho các nhà thầu phụ thi công dự án “Khu trung tâm thương mại dịch vụ và căn hộ I Tower Quy Nhơn”.

Dự án I Tower Quy Nhơn có quy mô 2 toà tháp, block A cao 36 tầng và block B cao 41 tầng.

MST là một thành phần tham gia liên danh tổng thầu, giá trị hợp đồng tổng thầu là 2.353 tỷ đồng. MST ký hợp đồng với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản Đô Thành là chủ đầu tư dự án. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Đáng chú ý, giá phát hành riêng lẻ MST cao hơn tới 19% so với thị giá của cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 2/3/2021 (8.400 đồng/cổ phiếu) và cao hơn 3 lần so với thời điểm cuối tháng 10/2020 (vùng giá 3.200 đồng/cổ phiếu).

Được biết, hai cổ đông lớn của MST hiện tại là ông Nguyễn Huy Quang (Chủ tịch Hội đồng quản trị) sở hữu 6,39% vốn điều lệ, ông Nguyễn Thanh Tuyên sở hữu 15,53%. Điều này cho thấy tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi tương đối lớn.

Dấu hỏi chất lượng lợi nhuận

Trước khi công bố thông tin về đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ, MST công bố kết quả kinh doanh quý IV/2020 với những số liệu khá ấn tượng. Theo đó, trong quý này, Công ty đạt doanh thu 280,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24,5 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 3.055,1% và 184% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, lợi nhuận gộp tăng 2.030%, lên 21,3 tỷ đồng. Lãi trong công ty liên doanh, liên kết ghi nhận 12,6 tỷ đồng, cùng kỳ năm 2019 không ghi nhận khoản này.

Luỹ kế cả năm 2020, MST ghi nhận doanh thu 344,3 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 25,4 tỷ đồng, lần lượt tăng 467,2% và 173,1% so với năm trước đó. Với kết quả này, Công ty đã hoàn thành tới 211,7% kế hoạch lợi nhuận đề ra.

Dẫu vậy, nhìn sâu vào báo cáo tài chính của Công ty, có những câu hỏi xung quanh chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp. Bốn năm trở lại đây, doanh thu trung bình của Công ty tăng trưởng 102,6%, nhưng khoản phải thu tăng trung bình tới… 426%.

Bên cạnh đó, tỷ lệ các khoản phải thu ngắn hạn trên doanh thu liên tục tăng, nếu như năm 2017 chỉ chiếm 69,8% tổng doanh thu thì tới năm 2020 đã là 327,7%. Đặc biệt, tại ngày 31/12/2020, khoản phải thu ngắn hạn tăng 16,6 lần so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 1.064,1 tỷ đồng, lên 1.128,3 tỷ đồng và chiếm 71,2% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp thuyết minh có tới 253,2 tỷ đồng phải thu của khách hàng; 556 tỷ đồng trả trước cho người bán ngắn hạn; phải thu khác lên tới 312,6 tỷ đồng…

Năm 2020, lần đầu tiên trên báo cáo tài chính của MST xuất hiện khoản phải thu khách hàng với Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản Đô Thành, giá trị 250,1 tỷ đồng. Nhiều khả năng khoản phải thu này liên quan tới dự án I Tower Quy Nhơn.

Ngoài ra, MST phải trả trước cho hàng loạt công ty cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp khác như 147,7 tỷ đồng với Công ty cổ phần Thương mại và xây dựng Trường Xuân Lộc; 119,3 tỷ đồng với Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại An Thịnh Phát; 108,5 tỷ đồng với Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển bất động sản Lộc Phát; 92,4 tỷ đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ phát triển Sông Hồng….

Trong khi đó, khoản người mua trả trước tiền cho doanh nghiệp lại giảm 54,9% so với đầu năm, về còn 101,2 tỷ đồng. Ngoài ra, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn đã tăng 390 lần, tương ứng tăng thêm 702,6 tỷ đồng so với đầu năm, lên 704,4 tỷ đồng và chiếm 44,5% tổng tài sản của doanh nghiệp.

Có thể thấy, MST đã đẩy mạnh huy động vốn trong năm 2020, chủ yếu là nợ vay để tài trợ cho việc thực hiện dự án.

Việc bị đối tác chiếm dụng vốn và còn phải trả trước cho các nhà thầu phụ gây rủi ro về tình hình tài chính và đặc biệt là dòng tiền khi tính tới 31/12/2020, Công ty chỉ còn 6,5 tỷ đồng tiền và các tương đương tiền, tài sản nằm chủ yếu ở khoản phải thu.

Nếu vì lý do nào đó, khoản phải thu của doanh nghiệp chuyển thành nợ xấu (chỉ cần 5% khoản phải thu, tương ứng 56,4 tỷ đồng là nợ xấu) thì khoản lợi nhuận eo hẹp của doanh nghiệp sẽ bị ăn mòn hơn.

Trên sàn chứng khoán, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình từng thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh bằng cách chấp nhận thực hiện nhiều dự án cho chủ đầu tư và thu tiền sau, dẫn tới doanh thu tăng chậm hơn khoản phải thu và cuối cùng phải trải qua giai đoạn tái cơ cấu doanh nghiệp.

Thay đổi lãnh đạo liên tục

Ngoài dấu hỏi về chất lượng lợi nhuận, nhân sự cấp cao của MST cũng thay đổi chóng mặt.

MST đưa cổ phiếu lên sàn HNX từ tháng 5/2016, khi này ông Trần Tuấn Anh làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc. Đến tháng 4/2017, ông Nguyễn Huy Quang đảm nhiệm vị trí này thay ông Trần Tuấn Anh.

Tháng 11/2018, Hội đồng quản trị MST bổ nhiệm ông Phạm Bá Quang giữ chức Tổng giám đốc. Không lâu sau đó, vào tháng 5/2019, Công ty có Chủ tịch mới là ông Nguyễn Thanh Tuyên.

Tới tháng 5/2020, ông Phan Duy Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc và tháng 12/2020, ông Nguyễn Huy Quang trở lại làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 3 năm, doanh nghiệp đã thay Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng quản trị tới ba lần.

Trở lại với câu chuyện tăng vốn của MST, trước thời điểm lên sàn, năm 2015, MST tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:17. Cổ phiếu được phát hành cho 91 cổ đông với mục đích góp vốn vào đơn vị khác và bổ sung vốn lưu động. Đối ứng với vốn góp của cổ đông tăng, khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn của Công ty đã tăng thêm 106 tỷ đồng lên 119,5 tỷ đồng trong năm 2015. Bên cạnh đó, khoản góp vốn vào đơn vị khác tăng 47 tỷ đồng.

Có thể thấy, đa phần số tiền huy động năm 2015 chảy vào khoản phải thu và góp vốn vào Công ty cổ phần Xây dựng và kiến trúc Aline (tỷ lệ sở hữu 47% vốn điều lệ). Đáng nói là, tới năm 2017, MST thông báo thoái vốn tại doanh nghiệp này và… không phát sinh lợi nhuận.

Trong đợt phát hành này, nếu dòng vốn huy động được dùng để thanh toán cho nhà thầu phụ và khoản phải thu theo đó tiếp tục tăng lên sẽ là thách thức lớn với chất lượng tài sản của doanh nghiệp. Đây là rủi ro cho các nhà đầu tư bên ngoài của MST, nếu như việc kiểm soát khoản phải thu không tốt, phải thu trở thành nợ xấu.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục