Một thực tế cần được chính thức công nhận

Một thực tế đang diễn ra trên TTCK Việt Nam hiện nay đó là nhiều CTCK sử dụng biện pháp linh hoạt trong phương thức thanh toán để đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh ngắn hạn của các NĐT. Với phương thức ứng trước, NĐT có thể mua - bán cổ phiếu trước khi tiền, hàng về tài khoản. Vấn đề này đã trở thành một nhu cầu thật sự trên thị trường và cần được cơ quan quản lý quan tâm.
Nhiều CTCK sử dụng biện pháp linh hoạt trong phương thức thanh toán để đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh ngắn hạn của các NĐT. Nhiều CTCK sử dụng biện pháp linh hoạt trong phương thức thanh toán để đáp ứng nhu cầu đầu tư kinh doanh ngắn hạn của các NĐT.

Một nhu cầu có thực

Nhu cầu được lấy tiền và hàng trước để mua lại hoặc bán ra cổ phiếu trước không phải chỉ xuất hiện một vài năm nay gần đây, mà nó đã có từ khi TTCK mở ra được vài ba năm. Vào lúc đó, trong một số cuộc hội thảo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và TTGDCK, NĐT đã yêu cầu các nhà quản lý rút ngắn thời gian thanh toán xuống còn T+1 để họ có tiền và hàng mua - bán cổ phiếu luân chuyển đồng vốn nhanh. Nhưng thời điểm đó, các nhà quản lý đều cho rằng, TTGDCK chưa đủ nhân lực và công nghệ kỹ thuật để rút ngắn thời gian thanh toán, cần phải có thêm thời gian. Trong khi đó, để giữ chân các NĐT lớn, quen biết, mở tài khoản lâu năm và để cạnh tranh với các CTCK khác, với tiềm lực ngày càng lớn, nhiều CTCK đã có đủ năng lực để đáp ứng tiền, hàng cho các NĐT ruột của mình.

Xuất phát từ những biến động lên xuống của chỉ số VN-Index đã trở thành quy luật theo phương thức T+3, nhiều NĐT đều muốn bán ra cổ phiếu trước ngày hàng về để kiếm lời ngắn hạn. Hoặc bán cổ phiếu giá cao và khi cổ phiếu xuống thấp, có thể mua vào ngay mà không đợi đến ngày thứ 4 (khi tiền về). Nhu cầu mua - bán đầu tư ngắn hạn ngày càng lan rộng theo đà phát triển chung của thị trường và là một thực tế mà UBCK cần quan tâm.

Trên thực tế, hình thức tạm ứng trước tiền và hàng chưa mang lại độ mạo hiểm nào cho cả người môi giới và NĐT, bởi các CTCK đều nắm đằng chuôi. Chỉ có một điều là không tạo nên sự bình đẳng, công bằng giữa các NĐT mà thôi. Về vấn đề này, nhiều CTCK cho rằng, nếu pháp luật cho phép thì họ sẽ áp dụng với tất cả mọi người.

 

Cần quy định cụ thể Luật Chứng khoán hoặc rút ngắn phương thức thanh toán

Với phương thức thanh toán T+3, thị trường có những biến động theo quy luật T+3, tức là lên mạnh, rớt sâu rồi tiếp tục lên. Với phương thức T+0, quá trình lên giá diễn ra từ từ với số điểm mất đi/tăng thêm không nhiều do lượng hàng xả liên tục. Điều đó cũng có nghĩa là, nếu thay đổi phương thức thanh toán thì không ảnh hưởng gì nhiều đến những biến động trên thị trường và các NĐT cũng không tạo được gì thêm trong lợi nhuận ngắn hạn. Tuy nhiên, nó lại thoả mãn được tâm lý mua - bán ngắn hạn trên thị trường.

Việc rút ngắn phương thức thanh toán sẽ mang lại một số lợi ích cho TTCK Việt Nam. Nó sẽ tạo cho tiền quay vòng nhanh hơn. Các CTCK thu được nhiều tiền môi giới hơn. Lượng tiền trung bình luân chuyển trên thị trường nhiều làm tăng tính hấp dẫn, lôi cuốn NĐT đến các sàn giao dịch. Thị trường sẽ trở nên sôi động hơn, tạo tính thanh khoản cho các cổ phiếu.

Với nhu cầu có thực trên thị trường hiện nay, UBCK cần nghiên kỹ tình hình thực tế để đưa ra các biện pháp thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển của thị trường. Trước đây, để xây dựng nên Luật Chứng khoán, các nhà quản lý đã phải sửa đổi nhiều lần thông qua những cuộc hội thảo góp ý của các thành viên trên TTCK. Theo Chủ tịch UBCK thì Luật Chứng khoán được xây dựng theo hình thức khung để sau này dựa trên tình hình thực tế của thị trường có thể bổ sung mà không cần phải sửa đổi Luật. Để tạo nên sự công bằng, bình đẳng cho các NĐT, UBCK cần phải chi tiết, cụ thể hoá điều này trong Luật Chứng khoán hoặc theo ý kiến của các NĐT, nếu việc này quá khó khăn thì có thể rút phương thức thanh toán T+3 xuống thành T+1, T+2 cũng là một cách giải quyết.     

Hồng Vân
Hồng Vân