Một thế giới không có người lãnh đạo và bị phân chia sẽ là bình thường mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mỹ vẫn đang chiếm ưu thế trên toàn cầu trong nhiều lĩnh vực bao gồm tài chính và công nghệ nhưng không rõ liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có còn là cường quốc hàng đầu mà các quốc gia khác hướng tới hay không.
Ảnh Shutterstock Ảnh Shutterstock

Đó là đánh giá của các chuyên gia trong một cuộc tranh luận tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Singapore.

Thế giới sẽ không có người lãnh đạo

Phát biểu vào ngày làm việc thứ 3 (16/9) của hội nghị, các chuyên gia đã thảo luận về vấn đề “Một thế giới không có người lãnh đạo và bị phân chia sẽ là bình thường mới”.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh trật tự toàn cầu đang chuyển dịch, trong đó Mỹ được nhiều người xem là siêu cường quốc được cho là đang rút lui khỏi các tổ chức quốc tế mà họ lãnh đạo trong nhiều năm, trong khi Trung Quốc dường như đang trỗi dậy và thách thức sự thống trị của Mỹ trên một số mặt trận.

Một trong những diễn giả, Ian Bremmer, Chủ tịch Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho biết, ông đã nhìn thấy một thế giới không có sự lãnh đạo trong tương lai gần.

“Nếu có lãnh đạo thực sự, điều này phải đến từ Mỹ”, ông cho biết.

Ông chỉ ra rằng, Mỹ vẫn chiếm ưu thế trên toàn cầu với các công ty công nghệ đang phát triển mạnh hơn trong đại dịch, đồng USD đóng vai trò là đồng tiền dự trữ chính và sức mạnh của các ngân hàng Mỹ.

Nhưng ông cũng cho biết, chính những điểm mạnh đó là lý do tại sao Mỹ thiếu sự quan tâm với việc dẫn đầu.

“Người Mỹ sẽ không quá quan tâm hoặc cảm thấy thôi thúc để lấp đầy khoảng trống đó trong thời gian tới, vì vậy tôi tin rằng, chúng ta sẽ không còn lãnh đạo và chia rẽ trong tương lai gần”, ông đánh giá.

Tuy nhiên, Niall Ferguson, thành viên cấp cao của Milbank Family tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, lập luận rằng, sự lãnh đạo của Mỹ trên thực tế đã “rất nổi bật” trong năm nay.

“Fed đã có sự lãnh đạo tài chính trong suốt chiều sâu của cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra và Washington thể hiện sự dẫn đầu về công nghệ trong chiến dịch chống lại công ty công nghệ Trung Quốc Huawei”, Ferguson cho biết.

“Thế giới vốn có nhu cầu cần người lãnh đạo. Nếu Mỹ thực sự không thể làm điều này nữa thì một quốc gia khác sẽ làm. Có lẽ là Trung Quốc, vì EU hiện tại dường như đang có sự lãnh đạo tương đối mạnh mẽ của riêng mình ở Berlin và Paris”, Ferguson đánh giá.

Mỹ hay Trung Quốc?

Cuộc tranh luận cũng tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu và nỗ lực lấp đầy khoảng trống lãnh đạo do Mỹ để lại.

Nhưng các chuyên gia nhất trí rằng, Trung Quốc vẫn còn thời gian dài mới có thể đóng vai trò hàng đầu trên trường quốc tế.

Yan Xuetong, Trưởng khoa Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa cho biết, Trung Quốc đã nhiều lần nói rằng họ không quan tâm đến việc thay thế Mỹ hoặc xuất khẩu hệ tư tưởng của mình ra toàn cầu, nhưng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể buộc các nước khác phải chọn lựa.

Yan lưu ý rằng, ngày càng có nhiều quốc gia đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế và dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh. Ông trích dẫn Singapore, Nhật Bản, Đức và Pháp là những ví dụ về những quốc gia có lập trường như vậy.

“Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là cơ hội để các nước nhỏ hơn thúc đẩy những thay đổi mà họ muốn thấy ở các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới”, Ngaire Woods, giáo sư về quản trị kinh tế toàn cầu Đại học Oxford cho biết.

“Nói cách khác, đối với các quốc gia thứ ba trên thế giới, các quốc gia nhỏ hơn, sự cạnh tranh mới giữa Trung Quốc và Mỹ trên các thể chế này không gây ra sự diệt vong và u ám. Điều này tạo cơ hội cho các quốc gia khác có cơ hội trội hơn những siêu cường đó và thúc đẩy hơn nữa những thay đổi mà họ mong muốn trong chính những thể chế đó”, giáo sư Ngaire Woods đánh giá.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục