Một số quốc gia phải đối mặt với sự cứu trợ chậm trễ của IMF do các cuộc đàm phán về nợ kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần như Zambia và Sri Lanka đã tìm đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để được giúp đỡ về tài chính đang phải đối mặt với sự chậm trễ chưa từng có trong việc đảm bảo các gói cứu trợ.
Một số quốc gia phải đối mặt với sự cứu trợ chậm trễ của IMF do các cuộc đàm phán về nợ kéo dài

Gói tài trợ của IMF thường là cứu cánh tài chính duy nhất dành cho các quốc gia đang trong tình trạng khủng hoảng nợ và là chìa khóa để giải phóng các nguồn tài chính khác, trong khi sự chậm trễ trong giải ngân sẽ gây áp lực lên tình hình tài chính của chính phủ, các doanh nghiệp và người dân.

Đối với Zambia, phải mất 271 ngày giữa việc đạt được thỏa thuận trị giá 1,3 tỷ USD với IMF và ban điều hành của IMF chính thức ký kết, đây cũng là điều kiện tiên quyết để giải ngân thực tế.

Là quốc gia châu Phi đầu tiên vỡ nợ trong kỷ nguyên đại dịch Covid-19 vào năm 2020, các cuộc đàm phán giảm nợ đang diễn ra của Zambia liên quan đến Trung Quốc đã được các quốc gia khác theo dõi chặt chẽ như một trường hợp thử nghiệm đối với người cho vay lớn ở thị trường mới nổi.

Mặc dù các thỏa thuận có thể đạt được mà không cần đảm bảo tài chính, nhưng hội đồng quản trị IMF cần Trung Quốc phê duyệt chương trình. Đây là những đảm bảo rằng các bên cho vay quốc gia - và ở một mức độ nào đó là các chủ nợ thương mại - sẽ đàm phán tái cơ cấu phù hợp với phân tích nợ của IMF nhằm cung cấp cứu trợ và tài trợ khi cần thiết.

Sri Lanka đã chờ 182 ngày để hoàn tất gói cứu trợ sau một thỏa thuận trị giá 2,9 tỷ USD vào tháng 9/2022, trong khi Ghana (đã vỡ nợ ở nước ngoài vào tháng 12/2022 sau một thỏa thuận sơ bộ của IMF) vẫn chưa được Hội đồng quản trị IMF phê duyệt trong 80 ngày sau đó.

Theo dữ liệu công khai từ hơn 80 trường hợp do Reuters tổng hợp, con số này cao hơn nhiều so với thời gian trung bình là 55 ngày mà các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải mất trong thập kỷ qua để đi từ thỏa thuận sơ bộ đến phê duyệt.

Những sự chậm trễ này do một số lý do gây ra, nhưng các chuyên gia về nợ chủ yếu chỉ ra một thực tế là Trung Quốc vẫn miễn cưỡng trong việc đưa ra các điều khoản giảm nợ.

Hôm thứ Tư (1/3), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, nước này sẵn sàng tham gia "một cách xây dựng" vào việc giải quyết vấn đề nợ của các nước liên quan trong khuôn khổ đa phương. Nhưng Bắc Kinh luôn nhấn mạnh, tất cả các chủ nợ nên tuân theo nguyên tắc "cùng hành động, gánh vác công bằng" trong việc giải quyết nợ.

Người phát ngôn của IMF cho biết, "một số lượng rất nhỏ các quốc gia" phải chịu "sự chậm trễ đáng kể", đặc biệt là khi cần phải cơ cấu lại khoản nợ của các bên cho vay song phương chính thức. Tuy nhiên, thời gian từ thỏa thuận đến phê duyệt cho vay vẫn "nhất quán rộng rãi đối với đại đa số các quốc gia".

Bên cạnh các thành viên của Câu lạc bộ Paris, gồm các quốc gia chủ nợ như Mỹ, Pháp và Nhật Bản, các quốc gia thiếu tiền mặt hiện phải điều chỉnh lại các khoản vay với các bên cho vay như Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, Nam Phi và Kuwait, nhưng trước hết là Trung Quốc.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc là chủ nợ song phương lớn nhất đối với các quốc gia đang phát triển, nước này đã mở rộng khoản vay mới trị giá 138 tỷ USD từ năm 2010 đến năm 2021.

Đối với những quốc gia như Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men cũng như những cải cách khó khăn để giảm bớt khủng hoảng nợ sau nhiều năm quản lý kinh tế yếu kém, sự chậm trễ này có thể rất nghiêm trọng.

“Sri Lanka sẽ vượt qua tháng 3 mà không có chương trình của IMF sẽ là một thách thức đối với chúng tôi. Chúng tôi cần chương trình để lý giải cho những cải cách cần được thực hiện cho quá trình ổn định kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Lanka, Sehan Semasinghe cho biết.

Một thế giới nợ phức tạp hơn

Sau khi đại dịch Covid-19 gây áp lực lên các nền kinh tế sử dụng nợ nhiều, G20 đã đưa ra Khuôn khổ chung vào năm 2020 như một nền tảng được thiết kế để giúp các quốc gia có thu nhập thấp cơ cấu lại nợ công. Lần đầu tiên, Trung Quốc tham gia một nỗ lực đa phương nhằm giải quyết nợ công.

Chad, Ethiopia và Zambia đã đăng ký tham gia vào Khuôn khổ chung vào đầu năm 2021. Chad đã đạt được một thỏa thuận vào tháng 11 với các chủ nợ của mình. Trong khi đó tiến độ của Ethiopia bị trì hoãn do nội chiến và Ghana đã tham gia khuôn khổ này vào đầu năm nay.

Trong một bức thư gần đây gửi tới Sri Lanka, một quốc gia không thuộc Khuôn khổ chung do có mức thu nhập trung bình, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã đề nghị hoãn nợ hai năm.

Brad Setser, thành viên cấp cao về kinh tế quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) cho biết: “Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận việc gia hạn thực sự các kỳ hạn với lãi suất ưu đãi trong một thời gian dài hay không”.

Gregory Smith, nhà quản lý quỹ thị trường mới nổi tại M&G Investments cho biết Trung Quốc đã có truyền thống cung cấp các khoản giảm nợ "nhưng nó thường liên quan đến việc gia hạn thời gian đáo hạn hoặc đóng băng tạm thời các khoản thanh toán lãi", trong khi việc giảm thanh toán gốc là rất hiếm.

Theo một tài liệu nghiên cứu của Sáng kiến Nghiên cứu Châu Phi - Trung Quốc (CARI), các nhà cho vay Trung Quốc đã giải quyết việc tái cấu trúc hoặc hủy bỏ trên cơ sở từng khoản vay thay vì cho toàn bộ danh mục cho vay như Câu lạc bộ Paris.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục