Một số kết quả của chương trình chấm điểm doanh nghiệp UPCoM 2018

(ĐTCK) Có 160 doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trong tổng số gần 800 doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên UPCoM được đánh giá công bố thông tin và minh bạch.

Dựa trên sự thành công của Chương trình đánh giá công bố thông tin và minh bạch (CBTT&MB) các năm trước đối với các doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), năm 2018, HNX áp dụng chương trình này cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên thị trường UPCoM.

Các doanh nghiệp được đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch có thời gian đăng ký giao dịch trước ngày 20/4/2017 và thông tin dữ liệu phục vụ đánh giá là của năm tài chính 2017.

Các tiêu chí đánh giá được xếp vào 4 nội dung của quản trị công ty, theo nguyên tắc quản trị công ty của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2015. Cụ thể, các nguyên tắc này bao gồm: quyền và đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; minh bạch và công bố thông tin; trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

Việc đánh giá các doanh nghiệp được thực hiện bởi Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Kết quả đánh giá này sau đó được kiểm toán lại nhằm đảm bảo tính chính xác, khách quan và tin cậy.

Theo báo cáo kết quả chương trình đánh giá của HNX, điểm CBTT&MB trung bình của các doanh nghiệp (tính theo trọng số) đạt 59,75% và có 90/160 doanh nghiệp có điểm cao hơn mức trung bình.

Trong đó, các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số UPCoM Large có điểm trung bình cao hơn, đạt 60,89% điểm (UPCoM Large bao gồm 52 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên, trong đó có 21 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện của chương trình đánh giá là có thời gian đăng ký giao dịch trước ngày 20/4/2017 cũng như không bị tạm ngừng giao dịch/hạn chế giao dịch).

Dựa trên kết quả phân tích chất lượng CBTT&MB, HNX khuyến nghị, các doanh nghiệp cần tăng cường sự tiếp cận thông tin của cổ đông; nâng cao chất lượng thông tin được công bố, đặc biệt tập trung vào báo cáo thường niên; nâng cao hiệu quả của quy trình tổ chức đại hội đồng cổ đông và nội dung họp; có các phương án phòng tránh và xử lý các xung đột lợi ích; thúc đẩy các hoạt động về môi trường, xã hội và người lao động. 

Tại thời điểm 31/7/2018, trong 160 doanh nghiệp được đánh giá, có 32 doanh nghiệp (20%) có vốn hóa lớn hơn 1.500 tỷ đồng (lớn nhất là 202.549 tỷ đồng); 14 doanh nghiệp (8,75%) có vốn hóa từ 1.000 - 1.500 tỷ đồng; 25 doanh nghiệp (15,63%) có vốn hóa từ 500 - 1.000 tỷ đồng; 89 doanh nghiệp (55,63%) có vốn hóa dưới 500 tỷ đồng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục