Ông Tạ Quốc Đan, Chánh văn phòng Tổng giám đốc MB chia sẻ, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh doanh, MB luôn xác định các hoạt động cộng đồng là một phần quan trọng tạo nên sự phá triển bền vững của Ngân hàng.
Thưa ông, nói về các hoạt động xã hội mà khối DN thực hiện mang thông điệp chia sẻ, tương thân thì có rất nhiều, vậy tại MB, quan điểm xuyên suốt trong các hoạt động này là gì? Ngân hàng hướng đến những giá trị gì trong các hoạt động xã hội mà mình đang thực hiện?
Trách nhiệm xã hội là một vấn đề tương đối mới mẻ. Do đó, không ít các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có một chương trình hoạt động bài bản, mà thường là tự phát theo cách hiểu và đặc thù của từng doanh nghiệp. Tại MB, chúng tôi cho rằng, việc thực hiện tốt các trách nhiệm với xã hội không chỉ góp phần vào giúp cộng đồng phát triển hơn, nâng cao chất lượng sống của người dân, mà còn giúp cho bản thân các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Đó cũng là điều mà chúng tôi rút ra sau 18 năm hoạt động. MB luôn nằm trong nhóm các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm. Tại địa phương nơi MB có điểm giao dịch, chúng tôi luôn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng. Cho đến thời điểm hiện nay, như bạn đã thấy, khi nhắc đến Ngân hàng Quân đội, điều mọi người nghĩ đến đầu tiên đó là sự tin cậy và thân thiện.
Tại MB , chúng tôi hướng đến việc đề cao giá trị con người và trách nhiệm với xã hội, một trách nhiệm không chỉ ở việc kinh doanh minh bạch, đúng pháp luật, mà còn ở sự chia sẻ thực sự để cùng góp phần mang đến sự phát triển hài hòa giữa con người với con người.
Với chúng tôi, giá trị lớn nhất mang lại từ các hoạt động xã hội là việc phát huy tinh thần yêu nước, tương thân tương ái để người MB hướng thiện hơn, đoàn kết hơn, nỗ lực hơn, từ đó sẽ có động lực làm tốt công tác chuyên môn, mang lại hiệu quả cao hơn cho chính DN và cả xã hội.
Sinh ra từ quân đội, nên phải chăng các hoạt động xã hội của MB thường hướng đến những nghĩa cử tri ân với đồng đội, với người lính, thưa ông?
Đúng vậy. Nhưng cũng như bạn đã biết, mỗi người dân Việt Nam cũng là một người lính. Dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến để giành độc lập. Để có được đất nước phát triển như hôm nay, chúng ta đã đổi rất nhiều máu và nước mắt.
Trưởng thành từ quân đội, MB luôn ý thức việc cần phải phát huy tốt văn hóa “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam . Một tỷ trọng lớn các hoạt động xã hội của MB hướng đến đối tượng chính là người lính thông qua các chương trình lớn mà MB đang thực hiện như chương trình “Trở về từ ký ức”; “Phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng”, “Xây nhà văn hóa đa năng tại Trường Sa”; “Tổ ấm đồng đội”...
Bên cạnh đó, bằng những hành động thiết thực, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục giúp đỡ thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội và những người có công với nước, khơi dậy và hun đúc tinh thần “Đền ơn, đáp nghĩa” trong mọi thành viên MB, tạo nên phong trào rộng lớn không chỉ trong toàn MB, mà sẽ lan tỏa đến cộng đồng. Và, mới đây, chúng tôi vừa hoàn thành bàn giao 21 căn nhà cho các gia đình chính sách tại Miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Đồng Tháp, đưa tổng số nhà tình nghĩa được xây dựng trong năm 2012 lên đến 47 căn; phối hợp với Báo Tiền phong hỗ trợ kinh phí khắc phục nhà ở cho 50 cựu TNXP của tỉnh Nghệ An….
Trở về sau chiến tranh và có cuộc sống hạnh phúc, ấm êm bên gia đình là ước mơ của bao người lính. Thế nhưng, vẫn có những người mãi mãi phải nằm lại nơi chiến trường, còn nhiều thế hệ gia đình có đời sống vất vả do thiếu đi trụ cột… Đó là sự trăn trở của MB và mong muốn được chia sẻ với mục đích hỗ trợ, động viên các đồng chí vươn lên. Những việc MB đang làm không chỉ dừng ở sự giúp đỡ hay chia sẻ một phần kết quả hoạt động đến xã hội, mà còn là sự tri ân với những người đã, đang ngày đêm giữ gìn bình yên cho tổ quốc.
Nhiều năm gần đây, MB liên tục tăng trưởng ở mức cao (trên 30%), có năm có đến cả trăm, thậm chí cả nghìn người mới tham gia vào hệ thống MB. Vậy trong công tác quản trị con người, MB đã làm thế nào để giúp các nhân sự mới hòa nhập với hệ thống, để luôn đảm bảo tính thống nhất trong hoạt động và giữ được hiệu quả kinh doanh ở mức cao, thưa ông?
Đúng như bạn nói, mỗi một người có một nét văn hóa riêng, làm thế nào để tạo nên sự hòa nhập, tạo nên sự đồng thuận, hợp tác, chia sẻ trong nội bộ với gần 5.000 nhân sự là một công việc không đơn giản. Chúng tôi quan niệm rằng, để giữ tính thống nhất và kỷ luật tại MB, công tác củng cố, xây dựng văn hóa rất quan trọng. MB xác định sự phát triển bền vững bắt đầu từ văn hóa, mà bước đầu tiên để hòa nhập văn hóa MB là nhân sự phải biết cảm nhận và chia sẻ. Chỉ khi có sự cảm nhận, có sự chia sẻ thực sự, thì họ mới có thể làm tốt được việc được giao.
Sau 18 năm phát triển, từ 1 ngân hàng chỉ với 25 nhân sự, vốn 20 tỷ đồng, đến nay, MB đã trở thành 1 trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, được Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia xếp hạng là 1 trong 7 tổ chức tín dụng có chất lượng hoạt động tốt, các chỉ tiêu tài chính tăng trưởng ổn định, được kiểm soát chặt chẽ, an toàn, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chính sách tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đó là những kết quả cụ thể MB đạt được trên mặt trận kinh tế, mà xuất phát điểm của nó chính là công tác đào tạo, giáo dục con người.
Ngoài sự chia sẻ và tinh thần cộng đồng, nếu nói về một nét đẹp đặc trưng khác trong văn hóa MB, ông sẽ chọn nét nào, thưa ông?
Tại MB , bên cạnh nét đẹp về sự chia sẻ, tính kỷ luật cao cũng là một nét đẹp rất riêng của Ngân hàng. Tính kỷ luật thể hiện ở việc tất cả các nhân sự đều phải tuân thủ chế tài nội quy chuẩn mực, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước, hoạt động kinh doanh theo tinh thần thượng tôn luật pháp, nêu cao đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, lãnh đạo chính là người làm gương cho nhân viên, là những nhân tố đi đầu để khơi dậy và gìn giữ truyền thống tốt đẹp mà MB đang có.
Cùng với các hoạt động mang tính cộng đồng, phong trào đoàn thể tại MB phát triển rất mạnh, hướng theo văn hóa của Ngân hàng. Theo chúng tôi, để giữ hệ thống và để tiếp tục tăng trưởng bền vững, công tác xây dựng văn hóa phải đi trước một bước, hay nói cách khác là đào tạo nhân sự làm người tốt trước khi làm tốt công tác kinh doanh.
Tối 22.12.2012 trên VTV1 sẽ diễn ra một chương trình đặc biệt kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam với tên gọi: “Nếu không có chiến tranh…”. Đây là chương trình thứ 12 trong chuỗi chương trình “Trở về từ ký ức” - một trong những hoạt động đồng hành của MB với VTV cùng xã hội trong cuộc hành trình tìm kiếm và đưa các liệt sĩ vô danh đang còn nằm ở đâu đó trên khắp đất nước đoàn tụ với người thân của mình. “Trở về từ ký ức” không chỉ là một chương trình truyền hình có hiệu ứng xã hội rộng lớn, mà còn là một “điểm hẹn” cho tình yêu Tổ quốc, hướng về cội nguồn của cộng đồng người Việt Nam. Đó cũng là tấm lòng biết ơn và sự tri ân của những thế hệ sau đối với biết bao liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi xuân và cuộc đời cho đất nước. Gần 1 năm phát sóng, chương trình đã để lại cảm xúc sâu lắng cho những gia đình liệt sĩ và người dân Việt Nam . Chương trình đã phân loại, đưa vào xử lý hơn 20.000 yêu cầu tìm liệt sĩ và hơn 7.000 thông tin từ cự chiến binh và nhân chứng. Chương trình đã trả lại tên và/hoặc báo tin tới gia đình hơn 300 liệt sĩ, trong đó tìm được hài cốt khoảng 120 trường hợp; kết nối rất nhiều gia đình biết được thông tin và gặp được đồng đội của liệt sĩ. Các liệt sĩ được trả lại tên hoàn toàn là nhờ tra cứu, xác minh và kết nối thông tin một cách khoa học, thông qua giám định AND, đảm bảo trả lại đúng danh tính cho người đã khuất và đưa họ tìm về đúng với thân nhân của mình. MB tự hào được đồng hành cùng chương trình “Trở về từ ký ức”. Với tư cách là đơn vị đồng hành cùng chương trình, MB mong rằng, sự nỗ lực của Ngân hàng sẽ góp phần an ủi vong linh các đồng đội đã hy sinh vì tổ quốc, giúp các anh sớm trở về với gia đình. |