Tại Hội thảo “Toàn cảnh Thị trường vốn năm 2024 và triển vọng năm 2025”, do Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam phối hợp với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance tổ chức, TS. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ những thông tin đáng chú ý liên quan tới mối quan hệ giữa việc đầu tư tài sản cố định với tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Tú Anh, ở Trung Quốc, đầu tư tài sản cố định đóng vai trò then chốt trong 20 năm trở lại đây. Tại Hàn Quốc, 20 năm gần đây tốc độ tăng tích lũy tài sản cố định giảm tốc độ tăng trưởng cũng suy giảm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tốc độ tăng tích lũy tài sản cố định giảm 2019 -2023 dẫn đến tăng trưởng suy giảm.
“Tốc độ tăng GDP bình quân đầu người chủ yếu tăng do đầu tư vào vốn và tăng giờ lao động. Đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (Total factor Productivity - TFP) là âm”, TS. Tú Anh thông tin.
Vốn đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế nhưng mức độ đầu tư công của Việt Nam đang thấp nên quan hệ giữa đầu tư công và tăng trưởng chưa cao. Trong khi đó, để thực hiện hóa được mục tiêu Net Zero và thích ứng biến đổi khí hậu và tăng trưởng 8%, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh tỷ lệ đầu tư công trên GDP.
TS. Tú Anh nói: “Hiện tại, tỷ lệ đầu tư công trên GDP của Việt Nam đang ở mức 30% - 32%. Để con số này tăng lên 40%, Việt Nam cần phải tăng hiệu quả đầu tư”.
Trong những năm gần đây, giai đoạn 2020 - 2024, đầu tư công đã có những khởi sắc nhất định. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Tú Anh, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc lớn vào ngân hàng. Trong khi đó, sức khỏe ngành ngân hàng lại đang có nhiều tín hiệu báo động khi rủi ro nợ xấu tăng cao. Còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh huy động vốn trung và dài hạn, lại chỉ có sự tham gia chủ yếu của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.
Không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả các doanh nghiệp trung bình cũng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận vốn. Tín dụng trên đầu người cao hơn rất nhiều so với GDP bình quân đầu người. Điều này đồng nghĩa với việc thiếu liên kết giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP.
Theo ông Tú Anh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2045, cần phải đẩy mạnh đầu tư và nâng cao chất lượng đầu tư: “Một nền kinh tế phát triển không thể dựa mãi vào ngân hàng. Chúng ta cần phải cải thiện thị trường tài chính một cách toàn diện; phải phát triển những thị trường vốn then chốt khác, trong đó có thị trường trái phiếu và chứng khoán”.
TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA cho biết, tính đến hết tháng 6/2024, vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt hơn 7.066 nghìn tỷ đồng, tương đương 69,1% GDP ước tính năm 2023. Số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tiếp tục tăng trưởng, đạt hơn 8 triệu tài khoản. Đặc biệt, ngày 29/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung cùng với 8 luật đi kèm liên quan đến lĩnh vực tài chính là bước tiến quan trọng thúc đẩy thị trường vốn phát triển.
|
TS. Lê Minh Nghĩa, Chủ tịch VFCA phát biểu tại sự kiện |
Bên cạnh sự phát triển ấn tượng thời gian qua, Chủ tịch VFCA cho biết, thị trường vốn Việt Nam hiện nay còn tiềm ẩn nhiều thách thức cần được giải quyết để phát triển bền vững hơn như: quy mô thị trường vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực và thiếu tính ổn định; các sản phẩm còn ít, chưa đa dạng; tính minh bạch, chuyên nghiệp chưa cao, chế tài chưa đủ sức răn đe; hạn chế về hạ tầng công nghệ, niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào thị trường vốn chưa hồi phục, nền tảng nhà đầu tư chưa bền vững... còn nhiều rào cản cần tháo gỡ và cơ hội cần khai thác để thị trường vốn Việt Nam thực sự trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả và bền vững
Để tăng trưởng kinh tế 8 - 8,5%, TS. Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh, khai thông thị trường vốn là điều bắt buộc. Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu phải là kênh cung ứng vốn trung dài hạn chính cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần vốn rất lớn để đầu tư hạ tầng, cần xử lý tốt hiện tượng chèn lấn; tập trung vốn lớn, đầu tư nhanh dứt điểm để nhanh chóng đưa công trình vào hoạt động để tạo lực hút đầu tư tư nhân
Đối với doanh nghiệp, theo TS. Tú Anh, cần có nhiều lựa chọn tài chính khác nhau để mở rộng quy mô. Khi còn bé vốn tự có và bạn bè người thân, khả năng vay nợ rất hạn chế cần có sự hỗ trợ của nhà nước, các quỹ đầu tư mạo hiểm. Khi doanh nghiệp phát triển quy mô trung bình, thị trường vốn, thị trường ngân hàng, các quỹ đầu tư tư nhân. Thực tế các doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng lớn nhưng lại là đối tượng khó tiếp cận vốn vay.
“Thực hiện cải cách tài chính toàn diện đa dạng hóa các công cụ tài trợ cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau và tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng khả năng huy động nguồn lực quốc tế”, TS. Tú Anh nói.
|
Khuyến nghị trong vấn đề có liên quan, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT FiinGroup cho rằng, để phát triển bền vững thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường vốn nói chung, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích cho trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, đồng thời, cho phép các định chế tài chính tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp dựa trên khung quản trị đầu tư dựa trên rủi ro.