Một năm khuấy đảo thế giới của ông Trump

Trump cứng rắn với Trung Quốc, khiến các đồng minh châu Âu hoang mang và cố gắng xích lại gần các đối thủ như Nga và Triều Tiên.
Trump và các lãnh đạo thế giới tại hội nghị G7. Ảnh: AFP. Trump và các lãnh đạo thế giới tại hội nghị G7. Ảnh: AFP.

Nếu hỏi Trump năm 2018 của ông như thế nào, ông sẽ trả lời đó là một năm thành công vang dội. "Chưa ai đảm nhận vị trí tổng thống tốt hơn tôi", Trump nói với nhà báo Bob Woodward của Washington Post.

Dù không thể kết luận ông có phải tổng thống làm việc tốt nhất hay không, không thể phủ nhận Trump đã để lại dấu ấn lớn trong năm cầm quyền thứ hai, theo AFP. Từ việc giận dữ với các đồng minh như Canada cho đến nỗ lực tiếp cận các đối thủ như Nga và Triều Tiên, chính sách đối ngoại của Trump đã khuấy đảo thế giới.

Trong nước, ông vẫn giữ nhiệt cho ngọn lửa dân túy bằng các cuộc mít-tinh "Khiến nước Mỹ hùng mạnh trở lại" với đám đông người ủng hộ, gây cảm giác chiến dịch bầu cử năm 2016 của ông chưa bao giờ kết thúc hoặc chiến dịch tái tranh cử năm 2020 của ông đã bắt đầu.

Năm 2018 của Trump trên trường quốc tế là "một năm rất đáng chú ý, khi xét về mức độ gây ồn ào", giáo sư Mark Rom từ Đại học Georgetown bình luận.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 ở Canada, Trump khiến một cuộc tụ họp vốn thường ấm cúng có cái kết chua cay chưa từng có. Trump công kích các đồng minh sử dụng Mỹ như một "con lợn đất", nhấn mạnh quyết định áp thuế nhôm, thép đối với các đối tác thương mại phương Tây và đấu khẩu với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Trump còn không thừa nhận tuyên bố chung của hội nghị (mang nội dung cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ và tuân thủ các quy tắc thương mại hiện hữu).

Bức ảnh Trump ngồi khoanh tay, trước mặt ông là Thủ tướng Đức Angela Merkel chống tay vào bàn nhìn thẳng vào mặt Trump, đằng sau bà là các lãnh đạo khác trong không khí khá căng thẳng được ghi nhớ là khoảnh khắc cho thấy thế đối đầu của ông với các thành viên G7.

 Tổng thống Mỹ Trump (phải) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6. Ảnh: AFP.

Chỉ vài ngày sau, Trump bay tới Singapore để dự hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ông cho rằng bản năng kinh doanh của mình có thể khiến Kim từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhiều chuyên gia cho rằng ông đã mắc bẫy của Triều Tiên vì Kim Jong-un sau đó không có nhiều bước tiến cụ thể trong việc phi hạt nhân hóa. Nhưng sau nhiều thập niên Mỹ thất bại trong việc phá vỡ thế bế tắc của căng thẳng bán đảo Triều Tiên, Trump cũng được ca ngợi vì đã thử một điều mới.

Trump thì nghĩ rằng "canh bạc" của mình sẽ thắng lớn và mong muốn tiếp tục gặp Kim. "Chúng tôi yêu mến nhau", Trump nói về Kim Jong-un.

Một tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, lại có một sự kiện ngoại giao khác khiến thế giới đổ dồn chú ý. Lần này là cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin tại Helsinki, nơi Trump công khai chấp nhận tuyên bố của Putin rằng Nga không can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, các chuyên gia tình báo của Trump đưa ra kết luận ngược lại.

Một năm khuấy đảo thế giới của ông Trump ảnh 2

 Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thống Nga Putin tại cuộc họp báo chung hồi tháng 7. Ảnh: Reuters. 

Việc Trump đứng về phía Putin đã gây náo động ở cả lưỡng đảng Mỹ, đồng thời khiến các đồng minh châu Âu lo lắng khi họ đang nghi ngờ Nga cố gắng can thiệp vào chính trị các nước phương Tây.

Trump sau đó muốn tiếp tục gặp Putin bên lề hội nghị G20 vào ngày 1/12 ở Buenos Aires. Tuy nhiên, cuộc gặp bị hủy vào phút cuối vì vụ Nga nổ súng, bắt ba tàu Ukraine. Động thái này đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong thái độ của Trump với Putin.

Từng nhấn mạnh mình và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "luôn là bạn bè", Trump hồi tháng 9 tuyên bố tình bạn này có thể đã kết thúc. Căng thẳng Mỹ - Trung dâng cao trong năm nay khi hai bên tung các đòn áp thuế ăn miếng trả miếng với hàng hóa của nhau.  

Chiến tranh thương mại được cho là một khía cạnh trong chiến lược của Mỹ nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong bối cảnh chính quyền Trump ngày càng lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên Biển Đông, sáng kiến Vành đai và Con đường hay các hành vi thương mại bất bình đẳng cũng như tình trạng ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ và gián điệp mạng.

Bên lề G20, ông Trump và ông Tập nhất trí ngừng áp thêm thuế trong 90 ngày nhưng "lệnh ngừng bắn" này khó có thể giải quyết được mâu thuẫn gay gắt giữa hai nước.

Về chính trị trong nước, dù đảng Cộng hòa kiểm soát lưỡng viện, Trump đã giành được khá ít chiến thắng lập pháp trong năm 2018. Còn chưa ấn định được nguồn tài chính cho bức tường mà ông hứa sẽ xây ở biên giới với Mexico. Mức tín nhiệm của Trump cũng khá thấp, chủ yếu ở mức dưới 45%. Bộ máy chính quyền của Trump có nhiều thay đổi nhân sự cấp cao như ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng tư pháp và chánh văn phòng Nhà Trắng.

Nhưng Trump đã ghi được điểm lớn khi các ứng viên ông đề cử vào Tòa án Tối cao được thông qua. Đây là vị trí được bổ nhiệm trọn đời, vì vậy, những lựa chọn bảo thủ của Trump sẽ ảnh hưởng đến xã hội và chính trị Mỹ trong thời gian dài.

Trump còn đạt được khá nhiều thành tựu về kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 của Mỹ là 3,7% - thấp nhất trong 49 năm. Tháng 7/2018, Bộ Thương mại Mỹ thông báo tăng trưởng kinh tế quý II đạt 4,1% - mức cao nhất kể từ năm 2014. Theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu hàng năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới được công bố vào tháng 10/2018, Mỹ lần đầu tiên trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới kể từ năm 2008.

Mỹ đã thương lượng lại thành công Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) với Mexico và Canada, cho phép nông dân Mỹ tiếp cận nhiều hơn thị trường các sản phẩm từ sữa tại Canada, đồng thời giải quyết mối lo về thuế nhập khẩu ôtô. Trump tuyên bố hiệp định này sẽ đổ "tiền mặt và việc làm" vào Mỹ. 

Hội đồng Đối ngoại (CFR), tổ chức tư vấn uy tín về chính sách đối ngoại Mỹ và các vấn đề quốc tế, đánh giá rằng Trump may mắn khi chưa phải đối mặt với cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng nào khiến ông phải đưa ra quyết định khó khăn về việc tiến hành các chiến dịch can thiệp quân sự đầy tốn kém. Ngoài ra, số lượng thành viên MS-13 (băng nhóm buôn ma túy, buôn người, cướp, rửa tiền, giết người...) bị bắt đã tăng 83% so với năm trước.

Đối thủ tiềm ẩn của Trump là người trầm lặng nhất Washington: công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người dẫn đầu cuộc điều tra về cáo buộc chiến dịch Trump thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Truyền thông Mỹ cho rằng Mueller có thể đang chuẩn bị cho những tiết lộ lớn trong khi Trump liên tục chỉ trích cuộc điều tra là "săn phù thủy". 

Ngày 12/12, cựu luật sư lâu năm Michael Cohen của ông bị kết án ba năm tù. Trong số các cáo buộc có việc trả tiền "bịt miệng" cho một nữ diễn viên khiêu dâm và người mẫu Playboy nói rằng họ từng ngoại tình với Trump. Các công tố viên mô tả những khoản thanh toán này là đóng góp chiến dịch bất hợp pháp nhằm tác động đến cuộc bầu cử. Cohen cảnh báo còn nhiều điều để phanh phui về ông chủ cũ.

Theo quan điểm pháp lý phổ biến hiện nay, tổng thống đương nhiệm không thể bị truy tố. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về vấn đề này có thể nóng lên trong năm 2019, khi phe Dân chủ kiểm soát hạ viện.

Và có một dự đoán dễ dàng cho năm 2019: dù bất cứ điều gì xảy ra, "Trump vẫn sẽ là Trump", Rom nhấn mạnh.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục