Theo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), năm 2020 là năm cao điểm dính kiện phòng vệ thương mại của hàng hóa xuất khẩu, với 39 vụ việc, tăng 2,5 lần so với năm 2019 và là mức cao nhất từ trước đến nay.
Cho đến hết năm 2020, đã có 201 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt nam, tác động đến khoảng 12 tỷ USD kim ngạch và hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, số lượng vụ việc năm 2020 là 39 vụ, cao gấp hơn 2,5 lần tổng số vụ việc trong cả năm 2019.
Hoa Kỳ vẫn là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng xuất khẩu Việt Nam trong năm 2020 với 08 vụ việc, bao gồm 05 vụ việc chống bán phá giá, 01 vụ việc chống trợ cấp và 02 vụ việc chống lẩn tránh thuế.
|
Hoa Kỳ là quốc gia khởi khiện phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa Việt Nam trong năm 2020. |
Đáng lưu ý, trong năm 2020, Australia nổi lên là nước kiện phòng vệ thương mại nhiều thứ hai (sau Hoa Kỳ) với hàng hóa xuất khẩu của Việt nam với 07 vụ việc, bao gồm 04 vụ việc chống bán phá giá và 03 vụ việc chống trợ cấp. Trong tất cả các vụ việc này, Australia đều điều tra rất nhiều chương trình trợ cấp và cáo buộc tình hình thị trường đặc biệt - một biến thể khác của cáo buộc nền kinh tế phi thị trường.
Bộ Công Thương khẳng định, số lượng các vụ việc điều tra có xu hướng gia tăng, dễ nhận thấy là năm 2020, số lượng vụ việc tiến hành điều tra đã bằng hơn gấp đôi số lượng vụ việc trong cả năm 2019 và dự kiến trong năm tới sẽ còn gia tăng số vụ việc. đây là điều không khó hiểu do dịch Covid-19 đã tác động đến nhiều nền kinh tế, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân.
Trong khi đó, nhờ sự quyết liệt trong phòng chống dịch, Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế ấn tượng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xuất khẩu. Vì vậy, nhiều nước đã gia tăng điều tra phòng vệ thương mại để bảo hộ sản xuất, đặc biệt là với các nước vẫn duy trì xuất khẩu tốt như Việt Nam.
"Năm 2021, xu hướng này được dự báo vẫn tiếp diễn, do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng và có kế hoạch ứng phó thích hợp", Bộ dự báo.
Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh, số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam ngày càng nhiều. Tuy nhiên, công tác xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam được triển khai ngày một hiệu quả hơn.
Cụ thể, Việt Nam đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp (kể cả đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản), duy trì tăng trưởng xuất khẩu, nhất là sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada…
Công tác áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước cũng được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt đối với một số mặt hàng có ảnh hưởng nhiều tới đời sống của người nông dân như mía đường, sorbitol…
Phạm vi sản phẩm bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đang được mở rộng: Trong giai đoạn từ 2011 đến 2020, có gần 60 loại sản phẩm, hàng hóa bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
So với giai đoạn trước đó (từ năm 1994-2010) có 39 loại sản phẩm hàng hóa, chủ yếu tập trung vào mặt hàng nông thủy sản và dệt may bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, số lượng loại mặt hàng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra áp dụng
các biện pháp phòng vệ thương mại gần đây đã có sự mở rộng đáng kể.
Trong giai đoạn này, chủ yếu các mặt hàng Việt nam xuất khẩu bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại là các sản phẩm nguyên vật liệu như sắt thép, sợi...