Một lần đến xứ Hàn

Đặt chân đến Hàn Quốc vào đúng mùa Thu, những ngày được xem là đẹp nhất của Hàn Quốc mới thấy hết vẻ lộng lẫy đan xen nét cổ kính của những cung điện như Gyeongbok, Hangdeok, Changgyeong… hòa giữa những hàng cây lá đỏ tạo nên một bức tranh Hàn vừa hiện đại, vừa thơ mộng. Và tôi hiểu, vì sao người Hàn Quốc tự hào khi ví đất nước mình đẹp như một dải lụa màu kim tuyến…
Một lần đến xứ Hàn

Du lịch trong tổng hòa các ngành kinh tế

Kim Hee Sun, chị hướng dẫn viên ở Busan kể cho tôi câu chuyện của người Hàn Quốc trong lúc những vị khách Việt Nam đang tỏ ra kinh ngạc bởi tốc độ phát triển kinh tế của Busan không khác gì Seoul. 

Theo lời Kim, để có kết quả ngày hôm nay, từ những năm 1960, bắt đầu giai đoạn lập kế hoạch phát triển, mọi người dân Hàn Quốc đều bắt đầu mỗi ngày với cách làm việc miệt mài, chăm chỉ. Theo đó, quan chức được tuyển chọn theo năng lực và người tài được trọng dụng.

Nhìn lại quá khứ, từ thập niên 1960, Hàn Quốc phải vay vốn nước ngoài (chủ yếu là ODA và vay thương mại) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án phát triển công nghiệp. Đầu thập niên 1980, Hàn Quốc là một trong 5 nước vay nợ nhiều nhất thế giới.

Năm 1986, Hàn Quốc chuyển từ nước nhập siêu sang nước xuất siêu tư bản. Năm 1996, Hàn Quốc đã trở thành thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một tổ chức của các nước tư bản phát triển.

Như vậy, từ lúc bắt đầu kế hoạch phát triển (năm 1962) của một trong những nước nghèo nhất thế giới đến khi trở thành thành viên OECD (năm 1996), Hàn Quốc chỉ mất có 35 năm.

Hiện tại, Busan đã là thành phố cảng lớn thứ 3 thế giới. Đây cũng là nơi những người yêu thích môn nghệ thuật thứ Bảy có thể tới để thưởng thức các thể loại phim tại Liên hoan Phim quốc tế Busan diễn ra thường niên.

Busan được ví như bản sao của Seoul khi có tháp Busan tương tự Tháp N’Tower tại Seoul. Ngọn tháp này không chỉ là địa điểm nổi tiếng cho những cặp tình nhân, mà còn là địa điểm hấp dẫn khách du lịch. Bởi ở độ cao 120 m trên đỉnh tháp, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của toàn thành phố cảng hiện đại này.

Người Hàn Quốc cũng rất biết tận dụng lợi thế từ vị trí địa lý và từ du lịch để phát triển kinh tế. 

Tại Busan, Chính phủ Hàn Quốc đã cho xây dựng Trung tâm Triển lãm và Hội nghị BEXCO với diện tích 53.471 m2 dành riêng  tổ chức những sự kiện kinh tế, chính trị lớn và mang tầm quốc tế. Vào thời điểm tôi đến Busan, cuối tháng 10/2013, trung tâm này đang diễn ra triển lãm quốc tế ngành đóng tàu.

Không riêng Busan, đảo JeJu cũng có Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC và tại Seoul là Trung tâm Hội nghị và Triển lãm COEX. Tất cả những trung tâm này đều được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư xây dựng rất bài bản.

Đây là điều rất dễ hiểu, bởi chính những cầu nối các cơ hội kinh tế và chính trị này sẽ đem tới cho Hàn Quốc tiềm năng gia tăng những giá trị kinh tế.

Tính riêng Trung tâm Thương mại COEX tại Seoul, nơi được xếp hạng lớn thứ 10 trên thế giới, đã chiếm hơn 50% các sự kiện tại Hàn Quốc mỗi năm.

Là một trong những người đi cùng đoàn Fam Trip do Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức, tôi có dịp trò chuyện cùng ông Min Min Hong, Giám đốc Bộ phận du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc ngay tại hội sở của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Seoul.

Thành phố Busan nhìn từ Tháp Busan 

Khi được hỏi về tổng doanh thu du lịch của Hàn Quốc mỗi năm, ông Hong cười hóm hỉnh: “Tôi thực sự cũng không biết là bao nhiêu, vì du lịch của Hàn Quốc phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế có thế mạnh và ngược lại”.

Đứng giữa Seoul, ngẫm về lời ông Hong quả là đúng, bởi ngoài nét tráng lệ của một thành phố hiện đại, đây thực sự là một môi trường kinh doanh lý tưởng. Tất cả các dãy phố đều là khu vực kinh doanh, trong đó, những dãy phố sầm uất nhất bao quanh khu mua sắm Myeongdong hay Apgujeong chủ yếu phục vụ khách du lịch.

Đối với người Hàn Quốc, mỹ phẩm và thời trang thực sự là thế mạnh đem lại thiên đường mua sắm cho những người “nghiện shopping”. Ở đây, có hẳn những dãy phố mua sắm đồ thiết kế, trong đó, mỗi cửa hàng được bày biện như một show diễn thời trang với đủ màu sắc, kiểu dáng khiến những người khó tính nhất về thời trang cũng không thể làm ngơ.

Sầm uất, náo nhiệt, sôi động, nhưng không lộn xộn chính là những điều mà khách du lịch cảm nhận được ở Seoul. Đây cũng là đặc trưng khiến thành phố này không hổ danh khi được tôn vinh tại cuộc thi thủ đô có kiến trúc quốc tế năm 2010.

Ở giữa đất nước hiện đại này, người Hàn Quốc rất biết cách quảng bá để biến những điểm đến giản dị thành một điểm du lịch hấp dẫn. Dòng suối Cheonggye Cheon có chiều dài khoảng 5,8 km chảy qua trung tâm Thành phố Seoul là một ví dụ.

Đây là dòng suối được khôi phục lại từ một dòng suối không tên đã từng bị chôn lấp dưới lớp bê tông suốt 47 năm trong giai đoạn Thành phố đang phát triển. Tuy nhiên, khi khu vực tài chính lớn nhất Seoul mọc lên ở Quảng trường Cheonggye, đường Sejongro, quận Jongno Gu với phần lớn là những tòa nhà cao tầng, thì người Hàn Quốc lại có ý tưởng khôi phục nó, nhằm tạo một nơi thoáng đãng để người dân hít thở không khí trong lành. 

Trên thực tế, hiệu quả của nó có thể khiến những người lên ý tưởng khôi phục không ngờ khi suối Cheonggye Cheon hiện đã trở thành điểm đến hấp dẫn của Thành phố Seoul với khách du lịch nước ngoài, đem lại niềm tự hào cho người dân Hàn Quốc về văn hóa yêu thiên nhiên, môi trường.

Nét Việt trên xứ Hàn

Đang ngơ ngẩn trước vẻ hiện đại, đẹp mỹ miều của thành phố hoa lệ này, thì cô bạn đi bên cạnh tôi chợt thở dài: Dù đẹp tới mấy, thì đây cũng không phải đất nước mình. Và rằng, giữa đất nước xa lạ này, mà gặp người Việt Nam thì sẽ mừng biết mấy…

Như cầu được ước thấy, cả đoàn bỗng nhiên hồ hởi, rộn ràng khi gặp một đoàn các nhà khoa học tham gia Hội nghị Khoa học quốc tế tổ chức tại COEX. Những người đồng hương hoàn toàn xa lạ chợt như gần gũi tựa những người bạn thân qua cách nói chuyện thân mật, rộn rã. Chúng tôi hỏi nhau về kế hoạch đi thế nào, vì sao sang đây, đi được những đâu…

Theo lời anh Quyền (Ninh Bình), tôi chỉ có thể nhớ được những thông tin đó về anh, thì kế hoạch đoàn các anh sẽ tới đảo JeJu sau khi dự hội nghị xong. Tính ra, chúng tôi có dịp thưởng thức phong cảnh thiên nhiên khoáng đạt của hòn đảo được ví như Hawaii nhỏ của Hàn Quốc trước đoàn các anh 2 ngày.

Đón chúng tôi tại Sân bay Gimpo (JeJu) là một cô hướng dẫn viên nhỏ nhắn, xinh xắn và rất dễ mến có tên Kim In Ioo. Có thể do sinh ra và lớn lên tại JeJu, nên trong từng lời giới thiệu của Kim luôn đầy ắp niềm say mê, nhiệt huyết và tình yêu đặc biệt với mảnh đất này. Theo lời Kim, “đặc sản” của JeJu không phải là quýt JeJu như người Hàn Quốc ở đất liền thường nói, mà là gió, nước và phụ nữ.

Ở hòn đảo xinh đẹp này, phụ nữ lại là trụ cột của gia đình, dù doanh thu từ du lịch hiện đã giúp họ đỡ vất vả hơn nhiều. Về tính cách đặc biệt ở người phụ nữ, theo giải thích của Kim, thì núi lửa Hallasan hình khiên đồ sộ tạo ra địa hình nhấp nhô của  đảo cộng với thiên nhiên quanh năm đầy gió và nước biển mặn mòi khiến những người phụ nữ nơi đây có chất giọng mạnh mẽ như đàn ông và tính cách hay nóng giận. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, họ là những người rất yêu chồng, thương con.

“Vì thế, bạn đừng ngạc nhiên khi tới một gia đình ở đảo JeJu mà thấy người mẹ luôn miệng quát tháo, hoặc nói to, mặc dù có mặt khách ở đó”, Kim nói.

Với niềm kiêu hãnh về những phụ nữ bản địa, Kim đã dẫn chúng tôi tới thăm làng dân tộc Seongup, nơi tái hiện cuộc sống của người phụ nữ và dân trên đảo. Đây cũng là địa danh nổi tiếng khi nó trở thành bối cảnh để dựng bộ phim nàng Dae Jang Geum từng làm nức lòng rất nhiều fan hâm mộ phim Hàn ở Việt Nam. 

Nhưng có một biểu tượng khác khắc họa rõ hơn về người phụ nữ đảo JeJu, đó là hình ảnh hòn đá cô đơn tại công viên Hallasan. Thực chất, đây là 2 hòn đá qua kiến tạo của núi lửa đã có hình thù tương tự một người đàn ông nằm dưới chân người phụ nữ. Theo truyền thuyết của người dân trên đảo, đó chính là người phụ nữ chờ chồng hóa đá và xác người chồng đi biển sau khi chết đã trôi dạt về phía người vợ và cũng hóa thành đá.

Thực sự, chúng tôi không thể ngờ giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc lại có những nét tương đồng đến thế. Hình tượng hòn đá cô đơn ở nơi xa xôi Hàn Quốc gợi trong lòng mỗi người chúng tôi về người phụ nữ Việt với hòn vọng phu ôm con chờ chồng.

Chính nét tương đồng ấy khiến chúng tôi thêm yêu mến hơn đất nước này, đất nước của những con người với những cái cúi chào rất thân mật ngay cả với người không quen biết.

Niềm yêu mến ấy có lẽ sẽ biến thành nỗi nhớ khi chúng tôi trở về Việt Nam với lòng mong ước một ngày nào đó sẽ được quay trở lại xứ sở kim chi xinh đẹp này.

Quảng trường Seoul Plaza    

Hải Hà

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục