ĐTCK cùng với các chuyên gia trong ngành nhìn lại chặng đường phát triển đã qua cũng như nhận diện những thách thức của ngành.
Môi trường cạnh tranh là động lực vươn lên
Ông Hoàng Việt Hà, Giám đốc Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt
Ra đời từ năm 1965, sự hình thành và phát triển của Bảo Việt luôn gắn liền với sự hình thành và phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Bảo Việt không chỉ là một thành viên của thị trường mà còn đóng vai trò là đơn vị khai phá, đặt nền móng và là tác nhân kiến tạo thị trường, mở đường cho sự ra đời của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, nhân thọ; tham mưu cho Bộ Tài chính đề ra các chính sách, chế độ quản lý hoạt động về bảo hiểm.
Nhưng chính môi trường cạnh tranh này là động lực thúc đẩy Bảo Việt từng bước vươn lên hoàn thiện mô hình quản trị DN theo thông lệ quốc tế; tăng cường minh bạch thông tin; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ; mở rộng mạng lưới trên toàn quốc; hiện thực hóa chiến lược phát triển bền vững.
Tính đến ngày 30/9/2013, Bảo Việt có nguồn vốn chủ sở hữu đạt 11.835 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 51.633 tỷ đồng; chiếm 22,5% thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, 23,2% thị phần trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Bảo Việt đang phục vụ gần 10 triệu khách hàng trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, 2 triệu khách hàng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Trong nhiều năm liền, Bảo Việt luôn được biểu dương là doanh nghiệp thực hiện tốt việc nộp thuế cho ngân sách Nhà nước, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, hướng tới phát triển bền vững.
Tự hào là “nhân chứng lịch sử” của ngành bảo hiểm
Bà Nguyễn Nguyệt Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty Bảo hiểm AIG Việt Nam
Đã 20 năm kể từ ngày tôi chập chững bước vào làng bảo hiểm, khi trúng tuyển vào làm nhân viên của văn phòng đại diện Tập đoàn bảo hiểm quốc tế Mỹ AIG tại Việt Nam. Và không thể ngờ rằng mình lại được vinh dự là một trong những "nhân chứng lịch sử" của ngành bảo hiểm Việt Nam.
Tôi vẫn nhớ, vì AIG là công ty bảo hiểm nước ngoài đầu tiên đến với thị trường Việt Nam, nên chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi tiệc nhỏ vào chiều thứ Sáu, mời các đồng nghiệp trong ngành bảo hiểm tới trao đổi, chia sẻ về những kiến thức bảo hiểm và cả giao lưu văn hóa, mà chúng tôi gọi vui là tiệc "Đông -Tây hội ngộ" của làng bảo hiểm. Đó có lẽ cũng là không khí chung của thị trường bảo hiểm Việt Nam thuở sơ khai.
Giờ đây, sau 20 năm, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã hình thành và phát triển, có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, tạo môi trường thuận lợi cho các DN bảo hiểm hoạt động, tôi càng tự hào hơn khi thấy nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa hiện đang nắm các trọng trách tại các DN bảo hiểm, những người đã được trang bị kiến thức sâu rộng, kinh nghiệm và nhiệt huyết xây dựng một thị trường phát triển lành mạnh, chuyên nghiệp, để có thể cạnh tranh với các thị trường khác trong khu vực.
Tư vấn bảo hiểm, nghề của người kiên trì, chăm chỉ
Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc Công ty Truyền thông & Đào tạo Bạch Kim
6 năm được làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đã cho tôi rất nhiều trải nghiệm thú vị. Từ một kẻ ngoại đạo, nhưng với niềm đam mê, tôi đã trở thành một chuyên viên đào tạo đại lý, rồi được cất nhắc lên vị trí Giám đốc bán hàng của Manulife Việt Nam, rồi là Trưởng phòng Huấn luyện và phát triển nhân viên kinh doanh của Prudential Việt Nam. Và giờ đây, tôi có cơ hội để đem những gì mình học hỏi, tích lũy, tìm tòi và sáng tạo đến với anh chị em tư vấn viên của bất cứ công ty bảo hiểm nào.
Bất cứ khi nào có cơ hội, tôi lại chia sẻ với các tư vấn viên những kinh nghiệm mà tôi đã đúc kết được qua 6 năm gắn bó với nghề, rằng bán bảo hiểm không khó, bởi nghề tư vấn bảo hiểm không dành cho người giỏi, mà dành cho người chăm chỉ và có tâm nguyện phụng sự khách hàng. Bạn phải tư vấn cho khách hàng như là tư vấn cho chính người thân của mình. Quyền lợi khách hàng không phải là số 1 mà là duy nhất. Tư vấn viên chỉ đạt được những gì mình muốn có khi đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.
Rủi ro gian lận đại lý bảo hiểm cần được kiểm soát tốt
Ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ kế toán pháp lý - E&Y Việt Nam
Tại một số hội thảo bảo hiểm quốc tế, đại diện của nhiều công ty bảo hiểm lớn nước ngoài cho biết, họ muốn tham gia vào thị trường bảo hiểm Việt Nam. Điều này chứng tỏ tiềm năng của thị trường Việt Nam không hề nhỏ. Tuy nhiên, song hành cùng cơ hội cũng là nhiều thách thức, nhất là trong môi trường kinh doanh cạnh tranh và nhiều rủi ro như hiện nay.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi với một số doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam về mục tiêu mà họ hướng tới, câu trả lời thường là lọt vào Top 3 hay Top 5 về thị phần hay tăng trưởng ở mức 20 - 30%... Điều này cũng dễ hiểu và dễ trả lời. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để đạt được mục tiêu đó.
Muốn vậy, chúng ta cần phải nắm được các các yếu tố chính tạo nên sự phát triển của một doanh nghiệp bảo hiểm. Đó là cần tăng cường chất lượng dịch vụ, xây dựng danh tiếng; quản lý hiệu quả mạng lưới phân phối cũng như đưa ra chiến lược sản phẩm rõ ràng…, bởi khách hàng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn từ các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh và nhiều rủi ro như hiện nay, các nhà quản trị doanh nghiệp cần nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của hoạt động quản trị rủi ro, đồng thời, đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua cách tiếp cận bài bản, có hệ thống trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc với các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam, tôi nhận thấy, rủi ro gian lận đại lý bảo hiểm cũng là một thách thức cần được kiểm soát tốt. Vì vậy, các nhà quản lý phải luôn ý thức được việc phòng chống gian lận trong phạm vi toàn doanh nghiệp nói chung và cụ thể phải xây dựng, hoàn thiện các kỹ thuật, các công cụ phân tích để hiểu rõ được hành vi, động cơ gian lận, qua đó đưa ra được các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa kịp thời.
Cần chế tài mạnh với doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh không lành mạnh
Luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty Prudential Việt Nam
Tôi có 16 năm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, với Prudential Việt Nam. Còn nhớ, năm 1996, toàn thị trường bảo hiểm mới chỉ có Công ty Bảo Việt Nhân thọ. Đến năm 2000, thị trường có thêm 3 doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài là Manulife (Canada), Prudential (Vương quốc Anh) và AIA (Hoa Kỳ). Đồng thời, một liên doanh giữa Bảo Minh và CMG (Úc) cũng được thành lập. Cùng năm này, các CEO của 5 công ty đã cùng nhau ký kết thỏa ước chung, nhằm phát triển thị trường bảo hiểm nhân thọ một cách lành mạnh; trong đó, có cam kết sẽ không “lấy” người của nhau. Những năm tiếp đó, thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển khá bình ổn và không xảy ra chuyện “câu kéo” nhân lực.
Đến nay, đã có 16 doanh nghiệp hoạt động trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Nhịp độ cạnh tranh ngày càng sôi động. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh cạnh tranh thông qua việc phát triển mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến sản phẩm với quyền lợi tốt hơn cho khách hàng, tăng cường các hoạt động cộng đồng.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho công tác huấn luyện, đào tạo để nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của đội ngũ tư vấn bảo hiểm. Những nỗ lực đó đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng.
Tuy vậy, với mục đích gia tăng thị phần, có doanh nghiệp đã bỏ tiền ra “câu kéo” lực lượng kinh doanh, qua đó vận động khách hàng bỏ hợp đồng của công ty cũ để tham gia với công ty mới, gây thiệt hại tài chính cho khách hàng.
Hiện tượng này đã khiến cho thị trường bảo hiểm nhân thọ có lúc, có nơi trở nên “bát nháo” trong mắt của người dân. Mặc dù Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã xây dựng quy tắc ứng xử trong cạnh tranh giữa các thành viên, nhưng hiện tượng này vẫn tiếp tục diễn ra một cách kín đáo.
Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần có chế tài mạnh đối với các doanh nghiệp vi phạm. Có như vậy, thị trường bảo hiểm nhân thọ mới phát triển lành mạnh và chuyên nghiệp.