Nghệ thuật tâm lý
Phiên giao dịch ngày 25/3, VN-Index bất ngờ điều chỉnh giảm sâu 1,7%, từ mức 512,12 điểm của ngày hôm trước xuống còn 503,39 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm mạnh xuống còn 163,68 điểm, giảm 4,55 điểm (-2,7%) so với phiên trước đó. Nguyên nhân của sự điều chỉnh này phần nào là từ "bình xăng HSBC". Cụ thể, HSBC nhận định: mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 của Việt Nam tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2009, thấp hơn dự báo 10% trước đó của ngân hàng này. Áp lực lạm phát ở Việt Nam hiện còn mạnh, với tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ lên tới mức 12% vào cuối quý II năm nay. Trên cơ sở những áp lực lạm phát còn đeo đẳng, HSBC dự báo NHNN sẽ nâng lãi suất cơ bản VND thêm 1% trong một vài tuần sắp tới, từ mức 8% hiện nay.
Trong thời điểm mà hầu hết các NĐT đang chờ đợi thông tin công bố chính thức về lãi suất cơ bản tháng 4 của NHNN, dự báo của HSBC rõ ràng có tác động xấu đến tâm lý thị trường. Cụ thể, đợt điều chỉnh của VN-Index từ ngày 15/3 đến nay xuất phát từ tâm lý lo ngại của NĐT về lạm phát và lãi suất cơ bản. Trong khi đó, báo cáo của HSBC lại được tung ra vào thời điểm "nhạy cảm", nên "hiệu quả" về mặt tâm lý là rất lớn.
Nếu NĐT đọc kỹ báo cáo của HSBC sẽ nhận thấy một vấn đề. HSBC dự báo lãi suất cơ bản sẽ được tăng trong "vài tuần tới". "Một vài tuần tới" là khái niệm mơ hồ về mặt thời gian. Liệu nó sẽ là 4 tuần (tức 1 tháng) hay 8 tuần (tức 2 tháng) tới? Nhưng dù gì đi nữa, nó cũng thừa nhận một vấn đề, phải chăng HSBC cũng tin rằng, lãi suất cơ bản chưa tăng vào tháng 3? Có lẽ như chúng tôi nói ở trên, mặc dù dự báo của HSBC là cho "vài tuần tới", nhưng thời điểm ra báo cáo lại hết sức nhạy cảm và nó đã tác động xấu đến tâm lý NĐT.
Cần phải nói thêm rằng, mặc dù VN-Index giảm điểm mạnh nhưng thanh khoản của thị trường lại được cải thiện. Theo đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng từ mức 43,4 triệu đơn vị trong ngày 24/3 lên 50,2 triệu đơn vị trong ngày 25/3. Điều này cho thấy, nhiều NĐT hoảng loạn bán ra, nhưng cũng đã có nhiều NĐT khác tận dụng cơ hội mua vào cổ phiếu với giá rẻ!
Tính đồng nhất quan điểm trong các báo cáo của HSBC cũng cần phải xem lại. Trong báo cáo được đưa ra vào ngày 27/1/2010, sau khi thông tin lạm phát tháng 1 được công bố, HSBC đã duy trì quan điểm rằng, NHNN sẽ tăng lãi suất cơ bản từ mức 8% lên 12% vào cuối tháng 12/2010 nhằm ngăn chặn lạm phát. HSBC dự báo sự gia tăng đầu tiên sẽ xuất hiện vào cuối quý I với 100 điểm cơ bản. Điều này có vẻ như mâu thuẫn với báo cáo ra mới nhất của HSBC khi cho rằng: "NHNN sẽ nâng lãi suất cơ bản thêm 1% trong một vài tuần sắp tới, từ mức 8% hiện nay", mà như phân tích của chúng tôi ở trên là hàm ý lãi suất cơ bản không tăng trong tháng 3 (tức cuối quý I).
Theo quan điểm của chúng tôi, mức tăng lạm phát 0,75% trong tháng 3 (so với tháng 2) là nằm trong mức chấp nhận được và chỉ cao hơn đôi chút so với dự báo của Bộ Tài chính là 0,5%. Do đó, áp lực lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát. Điều mà chúng ta dễ nhận thấy, từ lúc áp dụng lãi suất thỏa thuận cho vay trong và dài hạn thì diễn biến lãi suất cho vay đã có sự điều chỉnh giảm, diễn biến thị trường liên ngân hàng cũng bớt căng thẳng, lãi suất liên ngân hàng giảm trở lại… Điều này cho thấy không có lý do gì phải tăng lãi suất cơ bản. Trên thực tế, điều này đã diễn ra khi chiều 25/3, mức lãi suất cơ bản 8% đã được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ giữ nguyên trong tháng 4/2010.
Tăng lãi suất cơ bản không phải là giải pháp duy nhất
Các báo cáo của HSBC cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2010 là khá lớn và điều này sẽ khiến NHNN sẽ phải tăng lãi suất cơ bản thêm 4%/năm, từ mức 8%/năm, nhằm kiềm chế lạm phát. Chúng tôi đồng tình rằng, áp lực lạm phát trong năm 2010 là có. Đây là hệ quả việc mở rộng chính sách tiền tệ trong năm 2009 để giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu và các vấn đề khác. Khả năng tăng lãi suất cơ bản là điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, một mức tăng thêm 4%/năm như nhận định của HSBC là không hợp lý với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Thứ nhất, lãi suất cơ bản không phải là công cụ duy nhất để cho NHNN chống lạm phát. Thực tế, nếu chúng ta thử nhìn sang nước láng giềng Trung Quốc sẽ nhận thấy một vấn đề, Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc (PBoC) không tăng lãi suất cơ bản trong 2 tháng đầu năm 2010 khi mà lạm phát tăng cao. Thay vào đó, PBoC liên tiếp tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc tiền gửi nhằm kiềm chế lạm phát. Cách làm này cho thấy, lãi suất cơ bản không phải là công cụ duy nhất để chống lạm phát. NHNN có thể kết hợp nhiều công cụ khác để kiểm soát vấn đề lạm phát chứ không hoàn toàn sử dụng công cụ lãi suất cơ bản.
Thứ hai, chúng tôi cho rằng, việc NHNN tăng mạnh lãi suất cơ bản trong năm nay là rất khó xảy ra, vì triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam là chưa bền vững. Đây không chỉ là hoàn cảnh chung của Việt Nam mà còn cả thế giới. IMF cũng nhận định rằng: "Triển vọng phục hồi của nền kinh tế thế giới năm 2010 là chưa bền vững, dễ vỡ và có khả năng xảy ra khủng hoảng kép". Do đó, các nhà hoạch định chính sách tại FED, EU, Trung Quốc… đều tỏ ra rất thận trọng với việc thắt chặt tiền tệ mặc dù họ hiểu rằng, cần phải có sự hạn chế để kiểm soát vấn đề lạm phát.
Đối với Việt Nam, chúng tôi tin rằng, NHNN không tăng mạnh lãi suất cơ bản khi mà các triển vọng phục hồi của Việt Nam và thế giới vẫn còn mong manh. Trong năm 2010, chúng tôi cho rằng, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ phối hợp các chính sách tiền tệ theo hướng "dung hoà giữa hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát".