Một cánh én không làm nên mùa Xuân…

(ĐTCK) Nhận định thu nhập từ lãi không còn là nguồn ổn định khi lãi suất có xu hướng giảm và phí môi giới sẽ bị ảnh hưởng trước sự cạnh tranh gay gắt giành thị phần, CTCK TP. HCM (HSC) đã xác định cách đây cả năm là chuyển hướng tập trung khai thác các công cụ đầu tư giúp gia tăng giá trị như ETF, quỹ mở, hợp đồng chỉ số tương lai và chứng khoán phái sinh.
Một cánh én không làm nên mùa Xuân…

Tuy nhiên, đến nay, HSC vẫn chưa triển khai được gì thêm ngoài nghiệp vụ liên quan đến quỹ mở, vì thị trường chưa có sản phẩm mới. Được biết, HSC đã rất tích cực hợp sức với 2 Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong việc thiết kế các sản phẩm mới. Dù nóng lòng, nhưng ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc HSC nói: “Cũng thông cảm, vì họ cần phải có đủ nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kỹ thuật cũng như pháp lý”.

Năm 2013, HSC là CTCK dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu trên cả 2 Sở. Hoạt động môi giới của HSC có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của mảng môi giới khách hàng tổ chức. Kết quả này thể hiện mạng lưới khách hàng, năng lực và sự nhạy bén của HSC trong việc thu xếp các giao dịch lớn, nâng cao uy tín và tên tuổi của HSC đối với khách hàng.

Doanh thu môi giới của HSC tăng cao, dù “miếng bánh” thị trường không lớn thêm. Trong khi đó, sự cạnh tranh khốc liệt còn dẫn đến tình trạng nhiều CTCK giảm lãi suất, giảm phí, cho vay bạo tay hơn, chèo kéo nhân viên của các công ty khác… Chính vì thế, ông Johan nói: “Trong kinh doanh, lợi nhuận luôn là vấn đề đặt lên hàng đầu. Thị phần lớn nhất mà lợi nhuận không tăng thì cũng chẳng vui mừng gì. Có được danh hiệu này hay giải thưởng kia mà hiệu quả không cao thì cũng chưa nên vội ăn mừng”.

Ông Johan cho rằng, điều quan trọng là phải làm cho miếng bánh thị trường lớn hơn. Điều đó đỏi hỏi thị trường cần có nhiều hàng hoá và sản phẩm hơn để thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều thứ nên làm ngay đó là cho cho phép triển khai ETF, hợp đồng chỉ số tương lai, chứng khoán phái sinh, “mua ngay, bán ngay”, cho phép DN phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài… 

Về việc này, theo ông Johan, vai trò và tiếng nói của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán là rất quan trọng. Hiệp hội cần tiếp xúc với bên ngoài để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới, đề xuất và phối hợp với các cơ quan chức năng để thiết kế sản phẩm và triển khai áp dụng trong nước. Chỉ riêng một mình HSC hay bất kỳ một CTCK nào khác, rất khó để làm việc này.

Với quy mô TTCK hiện nay và nhận định sẽ chưa có những đột phá trong năm 2014, trong khi xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt, HSC khá thận trọng trong việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh.

“Năm 2013, lợi nhuận sau thuế của HSC ước đạt trên 280 tỷ đồng, vượt kế hoạch 20%. Với nhận định thị trường năm 2014 sẽ không có nhiều đột phá nên chúng tôi dự kiến xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận năm nay xấp xỉ với mức thực hiện năm 2013”, ông Johan cho biết.

Trong năm 2014, HSC sẽ tiếp hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin với cơ chế khắc phục thảm hoạ (DR). Bên cạnh đó, nhằm ngăn ngừa các can thiệp không được phép vào các giao dịch cũng như quá trình kinh doanh, HSC triển khai giai đoạn 1 của Dự án cải tiến quy trình kinh doanh (BPI).

Về con người, HSC mong muốn xây dựng một đội ngũ nhân viên với văn hoá tích cực được thấm nhuần từ trên xuống dưới. HSC sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng nhân sự qua quy luật “đào thải tự nhiên” và qua việc tổ chức nguồn lực đúng người, đúng việc. Cùng với đó, HSC tiếp tục triển khai Dự án phát triển năng lực lãnh đạo (leadership competency project) với 2 mục tiêu là nâng cao tinh thần văn hoá doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ kế thừa.

Theo lãnh đạo HSC, khi thị trường có thêm các sản phẩm mới, sẽ có rất nhiều cơ hội mở ra cho mọi người. Lúc đó, với sự chuẩn bị trước của mình, HSC cũng sẽ gặt hái được nhiều thành công.

Kim Yến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục