Một cách dự báo và xây dựng danh mục theo HNX30

(ĐTCK) Thông qua đánh giá diễn tiến và hàm phân phối diễn tiến chỉ số HNX30 có thể dự báo được sự biến động của chỉ số này. Đồng thời, xem xét sự tương quan của giá cổ phiếu trong rổ HNX30 với diễn tiến chỉ số sẽ chọn được danh mục hiệu quả để đầu tư, đặc biệt là đối với các quỹ ETF.
Có thể xây dựng một danh mục mô phỏng HNX30 mà không cần mua toàn bộ 30 cổ phiếu Có thể xây dựng một danh mục mô phỏng HNX30 mà không cần mua toàn bộ 30 cổ phiếu

Hàm phân phối

Hàm phân phối của chỉ số giá cổ phiếu hoặc giá cổ phiếu mô tả khả năng xảy ra tại một mức giá và đo lường mức độ tập trung của giá (số có tần suất xuất hiện nhiều nhất - Mode và số trung vị - Median) trong quá trình biến động. Từ hàm phân phối này sẽ cho những hàm ý về dự báo quá trình chuyển động tiếp theo của giá.

Trong dài hạn, chỉ số giá cổ phiếu tuân theo hàm phân phối lệch phải, trong đó tần suất xuất hiện các mức giá thấp nhiều hơn so với tần xuất xuất hiện ở mức giá cao. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, hàm phân phối các mức giá chỉ số sẽ tuân theo một trong 3 dạng (xem bảng 1).

- Hình a, hàm phân phối chỉ số giá cổ phiếu trong dài hạn tuân theo dạng lệch phải (right - skewness), đây là dạng mẫu hình chính mô tả hàm phân phối biến động giá chứng khoán. Nếu hiện tại, giá chứng khoán thuộc phân vùng giá cao thì đây được coi như là một quá trình biến động không bình thường, cần quan sát kỹ hơn và hạn chế thực hiện nắm giữ thêm chứng khoán ở giai đoạn này.

- Hình b, hàm phân phối giá chứng khoán trong ngắn hạn, mô tả tần suất biến động giá chứng khoán ở dạng điển hình, tương tự mẫu hình tần suất biến động giá chứng khoán trong dài hạn, với các mức giá cao xuất hiện ở tần suất thấp và các mức giá thấp diễn ra tần suất cao. Khi giá chứng khoán đứng ở phân vùng biến động giá cao, có nghĩa là giá chứng khoán đang chuyển động đi lên trong bất thường, cần quan sát kỹ giá trong giai đoạn này để xác nhận giá chứng khoán có vượt qua được ngưỡng kháng cự nhất định hay không, trước khi có thể hình thành một quá trình đi lên tiếp theo.

- Hình c, hàm phân phối giá chứng khoán có dạng ngược chiều với dạng phân phối a và b, đây là mẫu hình mà trước đó giá chứng khoán tăng nhanh, sau đó hình thành vùng đi ngang. Nếu nhìn vào hàm phân phối giá chứng khoán này mà không nhìn vào diễn tiến giá chứng khoán thì có thể cho rằng, giá chứng khoán sẽ tăng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, đây là dạng mô hình hàm phân phối mà ở đó, giá chứng khoán nên được hiểu là tồn tại quá lâu ở mức giá cao, điều này dẫn tới khả năng giá chứng khoán sẽ sụt giảm, thay vì đi lên.

- Hình d, hàm phân phối giá chứng khoán có dạng cân xứng, đây là hình dạng mô tả trạng thái thị trường đang ở giai đoạn đi ngang, hoặc thị trường có trạng thái cân bằng ở phân vùng không thuộc vùng giá thấp hoặc giá cao. Khi thị trường thuộc phân vùng có phân phối cân xứng thì không đưa ra tín hiệu cho việc đi lên hoặc đi xuống, giá chứng khoán biến động rời rạc theo kiểu ngẫu nhiên.

Từ những mẫu hình phân phối của chỉ số giá chứng khoán trên có thể nhận thấy: Thứ nhất, về dài hạn, giá chứng khoán sẽ có bước đi tập trung ở vùng giá thấp được hình thành trước đó và trong tất cả các trường hợp hàm phân phối giá chứng khoán thì việc giảm giá chứng khoán được hiểu sẽ dễ diễn ra. Giá chứng khoán có xu hướng quay về điểm cân bằng nhất định. Thứ hai, hình thành các hàm phân phối trong ngắn hạn để có thể dự báo diễn tiến tiếp theo của giá.

Mẫu hình hàm phân phối của HNX30

Một cách dự báo và xây dựng danh mục theo HNX30 ảnh 2

Mẫu hình hàm phân phối của HNX30 ở đồ thị 1 được khái lược trong 570 phiên giao dịch, từ ngày 3/1/2012 tới 14/5/2014 (mẫu dữ liệu càng lớn thì việc mô phỏng càng gần với tổng thể) với các thông số:

- Hàm lệch phải, điều này có nghĩa, nếu giá chứng khoán đang ở vùng giá cao, quá trình đi lên này là không bình thường và nhiều khả năng chỉ số giá sẽ quay về vùng trung tâm - vùng giá được hiểu là phạm vi của khoảng giá có tần suất cao nhất (Mode) và điểm phân giữa của dãy biến động chỉ số giá chứng khoán trong quá khứ (Median).

- Hàm nhọn hơn so với hàm phân phối chuẩn, điều này có nghĩa là giá tập trung chủ yếu ở vùng lân cận Mode và Median.

- Hàm phân phối HNX30 cho thấy, từ vùng 135 điểm, chỉ số sẽ đi vào vũng hỗ trợ mạnh, 50% mức biến động trong lịch sử của HNX30 trong phạm vi 115 - 138 điểm.

Xét mẫu hình hàm phân phối của HNX30 trong giai đoạn ngắn hơn (đồ thị 2) cho thấy, HNX30 đang biến động tương đối cân bằng tại tất cả phân vùng giá, tương tự vùng hình c, với nguy cơ đi xuống. Tuy nhiên, với mẫu hình biến dạng tương tự hình c, hàm phân phối chỉ số giá chứng khoán không hình thành một mẫu hình điển hình và điều này dẫn tới khả năng xảy ra các mức biến động giá chứng khoán là tương đương nhau. Nói cách khác, đây là giai đoạn có nhiều sự biến động giá chứng khoán.

Tính tương quan của giá cổ phiếu với HNX30

Một cách dự báo và xây dựng danh mục theo HNX30 ảnh 3

Để tìm kiếm cổ phiếu trong rổ HNX30 mô tả tốt nhất chỉ số, tác giả đã sử dụng hệ số tương quan giữa giá cổ phiếu trong rổ chỉ số và chỉ số HNX30 (kết quả được trình bày ở bảng 2). Hệ số tương quan được tính dựa trên mẫu 570 quan sát của từng cổ phiếu với HNX30.

Theo đó, các cổ phiếu có hệ số tương quan dương sẽ biến động cùng chiều với HNX30 và ngược lại, các cổ phiếu có hệ số tương quan âm sẽ biến động ngược chiều với chỉ số này.

Các cổ phiếu được sắp xếp theo thứ tự mạnh yếu về độ tương quan, trong đó tương quan chặt chẽ nhất với HNX30 là SHS, sau đó lần lượt là SCR, VND… Những cổ phiếu có hệ số tương quan nhỏ hơn 0,3 được đánh giá là tương quan yếu; những cổ phiếu có hệ số tương quan từ 0,3 - 0,5 được đánh giá là tương quan trung bình; từ 0,5 - 0,7 được cho là tương đối mạnh. Các cổ phiếu có tương quan mạnh sẽ mô phỏng chuyển động của HNX30 tốt hơn các cổ phiếu còn lại.

Sau khi thực hiện phép kiểm định tính tương quan của HNX30 với giá cổ phiếu trong rổ chỉ số này, giả thiết không có tính tương quan được bác bỏ ở các cổ phiếu có mức độ tương quan từ mức trung bình tới tương đối mạnh.

Điều này có nghĩa là có thể sử dụng các cổ phiếu có mức độ tương quan trung bình để xây dựng danh mục mô phỏng HNX30, mà không cần phải mua toàn bộ cổ phiếu trong rổ chỉ số.

Lê Đại Nghĩa
CTCP Chứng khoán IB

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục