Một bộ phận nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi

(ĐTCK) Chủ trương hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đang được các ngân hàng khẩn trương triển khai để sớm đưa đồng vốn đến với DN và trong tháng đầu năm 2009, chỉ số tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu dương. Trao đổi với ĐTCK, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, đây là một dấu hiệu rất tốt cho nền kinh tế.
Ông Lê Xuân Nghĩa. Ông Lê Xuân Nghĩa.

Từ khi có chủ trương hỗ trợ lãi suất, tăng trưởng tín dụng tiến triển ra sao, thưa ông?

Mấy tháng cuối năm 2008, tốc độ tăng trưởng tín dụng giảm liên tục, song tháng 1/2009 đã tăng 0,5%. Đây là dấu hiệu quan trọng để nói rằng, sản xuất - kinh doanh bắt đầu tiến triển, phục hồi. Đóng băng tín dụng là dấu hiệu thảm hại nhất của nền kinh tế, vì thế đây là chỉ tiêu quan trọng để xem khủng hoảng đã có dấu hiệu ngừng hay chưa. Hiện tại, ở Mỹ cũng có dấu hiệu tích cực hơn khi ngân hàng bắt đầu cho vay qua thấu chi thẻ, nhưng châu Âu và Anh thì tình hình vẫn tiếp tục xấu.

Chủ trương kích cầu bằng lãi suất đang được khẩn trương thực hiện, ông có suy nghĩ gì về việc một số DN có thể vay ưu đãi lãi suất, sau đó trả nợ các khoản vay lãi suất cao trước đây?

Đảo nợ không gây ảnh hưởng xấu, vì sẽ biến gói kích cầu thành gói cứu trợ tài chính cho NHTM và như vậy cũng dẫn đến tác dụng kích cầu. Khi DN trả được nợ cũ thì NHTM có thể cho vay mới, tài chính của NHTM sẽ lành mạnh hơn vì được khách hàng thanh toán đầy đủ. Với DN, đảo nợ để có vốn duy trì được hàng vạn công ăn việc làm thì không khác gì được cấp cứu kịp thời qua cơn nguy kịch, chứ để nguy cơ nợ quá hạn, lãi suất cao lúc nào cũng treo trên đầu thì làm sao họ có thể tập trung cho những kế hoạch mới. Tại Mỹ, chuyện đảo nợ trong chừng mực nào đó là điều rất bình thường.

Đảo nợ hàng loạt có thể dẫn đến những rủi ro về lãi suất cho ngân hàng khi các khế ước cho vay thay đổi, vậy có thể hạn chế tình trạng này bằng giải pháp nào, thưa ông?

Muốn ngăn chặn đảo nợ, ngân hàng có thể dễ dàng kiểm soát cho vay vốn lưu động bằng cách chỉ giải ngân hợp đồng đúng tiến độ, DN triển khai dự án đến đâu ngân hàng cho vay đến đó. Với ngân hàng, việc kiểm tra tiến độ sử dụng vốn lưu động không khó. Một vấn đề quan trọng khác là cần ngăn ngừa các DN thông đồng với ngân hàng chia chác khoản chênh lệch lãi suất này mà không làm gì, hoặc ngân hàng cho vay bình thường nhưng báo cáo hạch toán như khoản vay được hỗ trợ. Muốn làm được điều này, công tác giám sát của NHNN phối hợp với các bộ, ngành khác phải thật tốt.

Có DN rất muốn tiếp cận khoản vay nhưng lại lo thời hạn quá ngắn để có thể triển khai dự án, vậy theo ông khắc phục bất cập này ra sao?

Đúng là mấy ngày vừa rồi tôi thấy có DN phản ánh ngân hàng chỉ cho vay vốn lưu động đến ngày 31/12/2009, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn DN trình hồ sơ nào, thủ tục gì, như vậy từ nay đến khi hoàn tất thủ tục vay vốn có thể phải tới quý II, thời hạn còn lại quá ngắn. Trong khi nhu cầu hiện nay của DN tập trung chủ yếu vào vốn trung, dài hạn để đổi mới công nghệ, tận dụng cơ hội đầu tư giá rẻ, thiết kế xây dựng sản phẩm mới để nâng cao khả năng cạnh tranh sau khủng hoảng. Có DN đề nghị NHTM cho vay trung, dài hạn như bình thường, thời gian hỗ trợ lãi suất theo quy định của Chính phủ còn lại dựa vào thỏa thuận giữa hai bên. Nếu một khoản vay 3 năm, DN được hỗ trợ lãi suất 1 năm thì có thể thúc đẩy triển khai dự án nhanh để hưởng hỗ trợ, nhưng vẫn khuyến khích DN thực hiện dự án, thay vì e ngại vì thời hạn ngắn.

Mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã đề nghị cho các công ty tài chính tham gia gói hỗ trợ lãi suất này, quan điểm của ông ra sao?

Tại các nước, hoạt động tín dụng của các công ty tài chính chiếm thị phần rất lớn, họ là đối thủ nặng ký của các NHTM. Loại đối tượng này khỏi danh sách được cho vay hỗ trợ lãi suất có nghĩa là một bộ phận của nền kinh tế là khách hàng của các công ty này không được kích cầu. Chính phủ đã quy định rõ những đối tượng nào được hỗ trợ vay vốn rồi thì bất cứ ai thực hiện, NHTM hay công ty tài chính đều cần khuyến khích.

Phong Lan thực hiện.
Phong Lan thực hiện.

Tin cùng chuyên mục