Một bảo vệ của VFF bị bắt khi đang chào bán 4 cặp vé mời

Lợi dụng cơn sốt vé khi đội tuyển Việt Nam thi đấu AFF Suzuki cup 2018, nhiều người mua vé và bán lại với giá cao kiếm lời.
Số vé bị thu giữ. Ảnh: Hưng Yên. Số vé bị thu giữ. Ảnh: Hưng Yên.

Chiều 5/12, nhiều tổ công tác của Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã tạm giữ 12 người chèo kéo mời mua vé, gây mất an ninh trật tự tại quảng trường sân vận động Mỹ Đình. Gần 100 vé bị tạm giữ.

"Những ngày trước đó cũng có nhiều cò vé bị bắt và tất cả đều bị xử phạt hành chính", lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm nói.

Trong số này có 4 cặp vé mời khán đài A do một bảo vệ của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (Liên đoàn Bóng đá Việt Nam) chào bán. Ông này đang giao dịch cho một người hâm mộ với giá 4,5 triệu đồng/cặp thì bị bắt quả tang.

Phía Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam xác nhận, bảo vệ bị tạm giữ là Trịnh Ngọc Trung. Vợ ông Trung cũng đang làm tạp vụ tại Trung tâm. Theo tiêu chuẩn, ông Trung được mua ba cặp vé và được một đôi giấy mời. Do thấy chênh lệch lớn, ông Trung đã bán lại kiếm lời.  

Một "cò vé" khai nhận, thấy nhu cầu mua vé bóng đá xem đội tuyển Việt Nam thi đấu tăng cao nên vào trang mạng congdongve mua, sau đó về bán lại. Mỗi cặp vé, người này kiếm lời khoảng 400.000 đồng. Từ đầu tháng 12 đến nay, anh ta kiếm được 20 cặp vé và đến chiều 5/12 chào bán 9 cặp thì bị bắt.

Một bảo vệ của VFF bị bắt khi đang chào bán 4 cặp vé mời ảnh 1

 Một số cò vé bị bắt trong chiều 5/12. Ảnh: Hưng Yên.

Theo Công an quận Nam Từ Liêm, mấy ngày trước có người cầm 70 vé chào bán, song đến hôm nay chỉ còn vài cặp. Thủ đoạn của nhóm người này khá tinh vi nhằm qua mặt nhà chức trách.

Từ khi đội tuyển Việt Nam đá vòng bảng giải bóng đá AFF Suzuki cup 2018, cơn sốt vé lên cao. Đến vòng bán kết, giá vé được đẩy lên nữa. Người hâm mộ muốn có tấm vé vào xem trận đấu lượt về bán kết với Philippines trên sân Mỹ Đình phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần giá trị thực.

Theo luật sư Vũ Tiến Vinh, vé xem bóng đá là "hàng hóa" hợp pháp, được phép giao dịch. Việc mua bán không bị pháp luật cấm, không bị coi là vi phạm pháp luật. Việc mua bán với giá bao nhiêu do các bên thỏa thuận. 

Tuy nhiên, việc bán vé của các "cò" vẫn có thể bị xử lý nếu thuộc một trong những hành vi sau: gây rối trật tự công cộng, hoặc cản trở giao thông đường bộ. Gây rối trật tự công cộng là hành vi phổ biến nhất, biểu hiện là chèo kéo, tranh giành khách, chửi bới, nói tục, gây mất an ninh trật tự khu vực.

Theo điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, hành vi tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng bị xử phạt từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Hành vi lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng bị xử phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.

Tùy theo tính chất, mức độ, hành vi gây rối trật tự công cộng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Gây rối trật tự công cộng, theo điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Hành vi cản trở giao thông đường bộ là nếu người bán dừng xe, đỗ xe (môtô, xe máy) ở lòng đường đô thị để bán vé mà gây cản trở giao thông sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng, theo Điều 6 Nghị định số 46/2016.


Theo Vnexpress

Tin cùng chuyên mục