Cụ thể, việc nâng bậc xếp hạng và đánh giá triển vọng kinh tế được Moody’s đưa ra dựa trên 3 yếu tố sau:
Thứ nhất, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy mạnh nhờ vào tiến trình cải cách nền kinh tế tích cực, tiếp tục đa dạng hóa và nâng cao năng lực các hoạt động kinh tế.
Việc Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tiến hành cải cách đã hỗ trợ dòng tiền FDI chảy mạnh hơn. Theo đó, trong giai đoạn 2014 – 2016, dòng vốn FDI tương đương 5,2% GDP, cao hơn so với mức trung bình 3,6% của bậc B1.
Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc tham gia một số hiệp định thương mại tự do trong những năm gần đây, qua đó đẩy mạnh hơn quá trình tự do hóa nền kinh tế. Theo đó, đánh giá về môi trường đầu tư, Việt Nam đã tăng lên thứ 60 trong số 138 quốc gia thuộc Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới giai đoạn 2016 – 2017, so với thứ 70 giai đoạn 2013 – 2014. Thêm vào đó, tại Chỉ số Doing Business của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã tăng lên thứ 82 trong số 190 quốc gia năm 2017, từ vị trí 99 năm 2014.
Với việc tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, dân số trong độ tuổi lao động gia tăng nhanh chóng và Chính phủ tập trung vào cải cách nền kinh tế, Moody’s đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 6,3% mỗi năm cho tới năm 2019, cao gần gấp đôi so với mức trung bình 3,3% của bậc B1.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô và chính sách đối ngoại ổn định tiếp tục được duy trì.
Theo đó, Việt Nam đã có liên tiếp 6 năm thặng dư tài khoản vãng lai, nhờ vào sự tăng trưởng xuất khẩu và dòng kiều hối chảy về ổn định. Điều này kết hợp với dòng chảy FDI sẽ giúp hồi phục quỹ dự trữ ngoại tệ, vốn đã rơi xuống mức thấp vào năm 2011.
Moody’s đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 6,3% mỗi năm cho tới năm 2019
Bên cạnh đó, theo Moody’s, việc áp dụng các chính sách tỷ giá linh hoạt hơn năm 2016 cũng giúp đảm bảo “sự dư dật” của quỹ dự trữ ngoại tệ, tăng thêm tính an toàn trước những biến cố bất ngờ xảy ra tại thị trường quốc tế.
Thứ ba, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định sẽ giúp củng cố các khoản nợ chính phủ ở mức hiện tại.
Cụ thể, theo Moody’s, triển vọng kinh tế sáng sủa và kinh tế vĩ mô ổn định tạo nền tảng vững chắc cho các khoản nợ của chính phủ, mà theo tổ chức này đã đạt đỉnh ở mức dưới 55% GDP năm 2016.
Bên cạnh đó, Moody’s đã nâng bậc xếp hạng trái phiếu và tiền gửi bằng đồng nội tệ của Việt Nam từ Ba1 lên Baa3. Trái phiếu bằng đồng ngoại tệ và tiền gửi giữ nguyên ở mức Ba2 và B2.