Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm với 18 ngân hàng Việt Nam: Quyết định thiếu công bằng

Một ngày sau khi hạ bậc triển vọng tín nhiệm với Việt Nam, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's đã thông báo hạ triển vọng tín nhiệm với 18 ngân hàng Việt. Kết quả xếp hạng lần này của Moody’s hoàn toàn không liên quan tới tình hình sức khỏe của các nhà băng.
Thanh khoản hệ thống ngân hàng nói chung và thanh khoản ngoại tệ của Việt Nam đang mạnh nhất từ trước đến nay. Thanh khoản hệ thống ngân hàng nói chung và thanh khoản ngoại tệ của Việt Nam đang mạnh nhất từ trước đến nay.

Thanh khoản tốt chưa từng có, triển vọng tín nhiệm vẫn bị giảm

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho hay: “Không chỉ ngân hàng mà tất cả doanh nghiệp được Moody’s xếp hạng đều bị hạ bậc triển vọng tín nhiệm, bởi xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp không được cao hơn xếp hạng tín nhiệm quốc gia. Việc hạ triển vọng tín nhiệm ngân hàng lần này không hề liên quan đến sức khỏe hệ thống ngân hàng”.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khẳng định, Moody’s xem xét hạ triển vọng tín nhiệm lần này hoàn toàn do ảnh hưởng bởi hạ tín nhiệm quốc gia, chứ không phản ánh sức khỏe của hệ thống ngân hàng. Hiện thanh khoản hệ thống ngân hàng nói chung và thanh khoản ngoại tệ của Việt Nam đang mạnh nhất từ trước đến nay.

Tính đến hết tháng 11/2019, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đã đạt gần 11 tỷ USD, dự trữ ngoại hối đang ở mức kỷ lục, vượt 71 tỷ USD, cho thấy, khả năng trả nợ bằng ngoại tệ của Việt Nam rất tốt. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB nhận định: “Quyết định của Moody’s chủ yếu dựa trên yếu tố kỹ thuật, hơn là đánh giá về khả năng, năng lực hay triển vọng. Dựa vào thanh khoản ngoại tệ, lẽ ra Việt Nam phải được nâng bậc, chứ không phải hạ bậc”, ông Tùng nhận xét.

Quyết định hạ triển vọng tín nhiệm với quốc gia (kéo theo hạ triển vọng với doanh nghiệp Việt Nam) của Moody’s, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, là không phản ánh đúng triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, vốn được cải thiện mạnh mẽ những năm vừa qua.

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt tổ chức quốc tế và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác liên tục nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Cụ thể, tháng 4/2019, lần đầu tiên sau 9 năm, Standard & Poor's (S&P) nâng xếp hạng quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB- lên BB, với triển vọng ổn định.

Tiếp đó, giữa năm nay, Tổ chức xếp hạng Fitch Ratings nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực”, nhờ Việt Nam có sự cải thiện về quản lý kinh tế. Điều này thể hiện trong việc củng cố bộ đệm bên ngoài từ thặng dư tài khoản vãng lai, mức nợ Chính phủ giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát ổn định. 

Nhận định về kinh tế Việt Nam năm 2019, trong báo cáo vừa đưa ra giữa tháng 12/2019, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2019 sẽ là 6,8%, thay vì dự báo 6,6% đưa ra đầu năm. 3 năm tới, tốc độ tăng trưởng được dự báo quanh mức 6,5%, cao gấp 3 lần mức độ tăng trưởng chung toàn thế giới.

Ngân hàng Việt có nguy cơ chịu lãi vay cao hơn

Moody’s vẫn giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm với quốc gia Việt Nam, chỉ hạ triển vọng tín nhiệm. Nhìn một cách tích cực, quyết định của Moody’s lần này đỡ căng thẳng hơn so với thông báo đưa ra cách đây hai tháng, là sẽ xem xét hạ tín nhiệm quốc gia với Việt Nam. Việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm cũng là động lực để Chính phủ khắc phục các vấn đề mà Moody’s và nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác đã khuyến nghị.

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, hậu quả của việc Moody’s hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm với quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam không quá lớn. Dù vậy, có thể việc huy động vốn bằng phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp để vay nợ nước ngoài thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nhất định, cụ thể là phải trả lãi suất cao hơn, bởi quốc gia có tín nhiệm càng thấp thì nhà đầu tư càng yêu cầu lãi suất cao và ngược lại.   

Mặc dù vậy, công thức trên cũng không đúng cho tất cả. Dòng vốn trên thế giới khá dồi dào và đang cần tìm kênh đầu tư. Với những ngân hàng, doanh nghiệp uy tín, việc huy động vốn không quá khó. 

“Thời gian qua, rất nhiều nhà đầu tư, tổ chức nước ngoài tìm đến các ngân hàng Việt Nam để cho vay. Quyết định có tăng lãi suất cho vay hay không phụ thuộc vào nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư thấy rằng, quyết định của Moody’s là nguy hiểm cho khoản vay, thì họ sẽ nâng lãi suất cho vay. Còn nếu nhà đầu tư cho rằng, đánh giá của Moody’s đơn thuần mang tính kỹ thuật, có thể họ sẽ không tăng lãi suất cho vay, vì các nhà đầu tư cũng sợ mất cơ hội kinh doanh”, ông Tùng nhận định.

Theo Bộ Tài chính, quyết định hạ triển vọng tín nhiệm quốc gia với Việt Nam của Moody’s là không xác đáng, không tương xứng với chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Chính phủ Việt Nam. Moody's chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, mà bỏ qua thành tựu toàn diện mà Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công.

Làm rõ trách nhiệm trong việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài

Chiều 20/12, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì đã làm việc với các bộ về những nội dung liên quan đến trách nhiệm trong việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài đối với các dự án La Sơn - Túy Loan, Quốc lộ 20 và Thủy điện Hồi Xuân, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng rất không hài lòng và yêu cầu kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan, làm rõ trách nhiệm để báo cáo Chính phủ và Thủ tướng.

Thùy Liên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục