Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi (Dự thảo) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu bỏ quy định về hiệu lực sớm hơn của các quy định về phát triển nhà ở xã hội, song Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vẫn mong được giữ quy định này.
Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật tại phiên họp chiều 16/11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phản ánh, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định hiệu lực sớm hơn của nội dung về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở. Đồng thời, rà soát các quy định về đất xây dựng nhà ở xã hội trong Luật Đất đai để quy định có hiệu lực sớm hơn, đồng bộ với thời điểm có hiệu lực của quy định về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở.
Ông Tùng cho biết, trên cơ sở thống nhất với Thường trực Ủy ban Kinh tế , Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội tại kỳ họp này đã bỏ quy định về hiệu lực sớm hơn của các quy định về phát triển nhà ở xã hội do Chính phủ trình. Bởi vì các dự án xây dựng nhà ở xã hội luôn gắn liền với đất, nên cần có hiệu lực chung theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này cũng không quy định hiệu lực sớm hơn đối với đất xây dựng nhà ở xã hội. Do đó, trường hợp Luật Nhà ở được thông qua tại kỳ họp này trước Luật Đất đai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có ý kiến chỉ đạo thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở (và Luật Đất đai) là từ ngày 1/1/2025 để có cơ sở quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua.
Việc xác định thời điểm có hiệu lực như vậy cũng phù hợp với Luật Đất đai (dự kiến được Quốc hội thông qua chậm nhất tại Kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024)) để Chính phủ kịp ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đáp ứng yêu cầu khẩn trương đưa Luật vào cuộc sống, ông Tùng lập luận.
Tuy nhiên, phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị vẫn bày tỏ mong muốn những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm hơn, để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, trong điều kiện nguồn cung nhà ở xã hội đang rất thiếu.
Giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đã thể hiện tương đối đầy đủ quan điểm của Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói sau đó.
Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho hay, tiếp thu ý kiến đa số đại biểu, dự thảo luật quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.
Dự thảo luật cũng chỉnh lý quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội theo hướng kế thừa quy định của pháp luật nhà ở hiện hành.
Theo đó, bổ sung quyền được xây dựng cả nhà ở thương mại trong quỹ đất 20% của tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án nhà ở xã hội. Chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất với phần diện tích này theo quy định của pháp luật về đất đai.
Điều này để vừa thu hút đầu tư, vừa quản lý chặt chẽ nguồn thu ngân sách Nhà nước, theo Ủy ban Pháp luật.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc quy định về 20% diện tích nhà ở thương mại trong khu nhà ở xã hội. Theo Phó thủ tướng, quy định như dự thảo nhằm thu hút nguồn lực đầu tư xã hội hóa, nhưng cũng xuất hiện một số vấn đề bất hợp lý phát sinh trong quá trình thực hiện.
Về chung cư mini, Dự thảo đã bổ sung quy định điều chỉnh với các loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ mà có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê.
Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quy định về chung cư mini với tinh thần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở, nhưng “không hợp thức hóa các sai phạm của chung cư mini”.
Theo nghị trình, sáng 27/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi).