Mong muốn báo chí lắng nghe toàn diện hơn

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền mong báo chí quan tâm đều hơn, phát hiện những nhân tố mới, thay vì chỉ tập trung vào một số vị kỳ cựu.
Các phóng viên tác nghiệp bên hành lang Quốc hội. Các phóng viên tác nghiệp bên hành lang Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội, phóng viên Báo Đầu tư cũng ghi nhận ý kiến đa chiều của một số vị đại biểu khác về hoạt động báo chí tại nghị trường.

"Tăng tiếp xúc trực tiếp" Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam)

Tôi dành thời gian đọc báo vào mỗi buổi sáng, quan tâm nhiều đến thông tin về hoạt động của doanh nghiệp (bà Hiền là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Hà Nam - PV), về những vấn đề “nóng” đang được cử tri quan tâm. Trong các kỳ họp Quốc hội, tôi không chỉ quan tâm báo chí viết gì về hoạt động của các đại biểu trong Đoàn, về phát biểu của cá nhân mình, mà còn quan tâm xem báo chí bình luận thế nào về những ý kiến của đại biểu khác, vừa “học” vừa rút kinh nghiệm cho chính mình.

Thông tin về hoạt động của Quốc hội trên báo chí, theo tôi là khá toàn diện, nhưng tôi vẫn mong muốn báo chí lắng nghe toàn diện hơn, nhất là khi đại biểu thảo luận tại 19 tổ, từ đó chắt lọc, cổ vũ những nhân tố mới, thay vì chỉ tập trung “canh” phát biểu của một số đại biểu kỳ cựu, hoạt ngôn, doanh nhân.

Để có thể tham gia thảo luận, thì dù ở tổ hay hội trường, đại biểu cũng đều phải dành tâm huyết, thời gian nghiên cứu kỹ, có những điều đã qua trải nghiệm nhiều năm mới đúc rút được. Vì thế, báo chí nên quan tâm đến tất cả các tổ, các đoàn, phản ánh đa chiều hơn để tiếng nói của đại biểu đến với cử tri nhanh hơn, đầy đủ hơn.

Ngoài các phiên thảo luận tại tổ, ở các phiên họp toàn thể cũng có cái khó cho báo chí, đó là thời gian tương tác giữa báo chí - đại biểu chỉ khoảng 20 phút giải lao ở hành lang. Thời gian Quốc hội không họp, báo chí muốn lấy ý kiến đại biểu thường gọi điện thoại. Tôi thấy, gặp trực tiếp thì tốt hơn nhiều, gián tiếp thì nhiều khi nội dung trao đổi không được trọn vẹn.

Theo tôi, phóng viên nghị trường nếu muốn trao đổi với đại biểu nào, nên sắp xếp thời gian về địa phương để có thể lắng nghe cả ý kiến cử tri, thấy được sự gắn bó của đại biểu đó với cử tri. Nếu có thời gian thì có thể tham gia cùng với đại biểu trong các hoạt động an sinh xã hội, như thế, mối quan hệ đại biểu - báo chí sẽ càng gắn bó.

"Phóng viên Quốc hội rất chịu khó “canh” đại biểu" Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM)

Thành công trong chống dịch Covid-19 vừa qua có yếu tố quan trọng là công tác tuyên truyền để dân hiểu, đồng thuận và hành động theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Với hoạt động của Quốc hội, thì vai trò của báo chí là rất quan trọng. Vì thế, đại biểu gặp gỡ và trao đổi với báo chí trong các kỳ họp Quốc hội là rất cần thiết để chuyển tải thông điệp từ Quốc hội đến cử tri. Theo quan sát của tôi, đã có nhiều đại biểu làm được điều này. Tôi thấy, các phóng viên theo dõi đưa tin về Quốc hội rất chịu khó “canh” đại biểu, chuẩn bị những câu hỏi về những vấn đề “nóng” nhất của người dân để hỏi đại biểu. Có thể, có những đại biểu nắm chưa chắc nên chưa “dám” trả lời, chứ không phải không muốn trả lời.

Dù Chủ tịch Quốc hội cũng đã yêu cầu các đại biểu tiếp xúc và trao đổi với báo chí, nhưng đôi khi cũng còn có những đại biểu ngại tiếp xúc với báo chí. Song, nếu phóng viên chịu khó tìm hiểu để biết được sở trường của đại biểu, biết đại biểu am tường lĩnh vực nào để hỏi cho trúng, thì chắc đại biểu cũng sẽ sẵn sàng chia sẻ.

Khi tiếp xúc, cử tri không chỉ quan tâm đến vấn đề của mình, địa phương mình, mà còn hỏi đại biểu cả vấn đề của tỉnh khác, cả những vấn đề vĩ mô, nên đại biểu phải hiểu biết rất rộng và không thể thiếu được việc cập nhật thông tin thường xuyên qua báo chí. Có thể nói, báo chí đóng góp rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử.

"Tôi vẫn thích đọc báo in"Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên)

Tôi đọc báo hàng ngày, nhưng vẫn thích đọc báo in hơn, nhất là những bài bình luận về hoạt động của Quốc hội, về phát ngôn của đại biểu. Trên cơ sở đó, mình ngẫm ra nhiều vấn đề, đối chiếu lại với suy nghĩ của mình để đưa ra các quyết định đối với những vấn đề được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội.

Báo chí là kênh truyền thông rộng rãi nhất, phổ thông nhất, đến được đông đảo cử tri nhất, vì thế, tiếp xúc, trả lời phỏng vấn báo chí cần được xem là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. 

Không phải đến khi trở thành đại biểu, mà ở cương vị công tác nào (đại biểu Tường đang là Phó tư lệnh Quân khu 1 - PV), tôi cũng luôn tạo điều kiện cho báo chí. Phỏng vấn đại biểu là nhiệm vụ của báo chí, nên trả lời họ cũng phải được coi là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục