Báo Đầu tư Chứng khoán vừa nhận được phản ánh của nhóm cổ đông CTCP Địa ốc Đà Lạt (DLR) về những bất ổn trong hoạt động của Công ty, gây ảnh hưởng đến lợi ích của cổ đông.
Bất ổn và thua lỗ
Theo phản ánh của cổ đông, quản lý của HĐQT cũng như Ban điều hành DLR tại Công ty và tại các đơn vị thành viên kém hiệu quả khiến DLR rơi vào tình trạng bất ổn. Quý I/2016, Công ty lỗ gần 2,5 tỷ đồng.
Tại ĐHCĐ ngày 29/4, cổ đông DLR nêu ra nhiều điểm bức xúc. Trước hết, cổ đông không đồng tình với cách hành xử của một số cổ đông lớn đang là thành viên HĐQT, nhất là quyết định sử dụng thặng dư vốn cổ phần hóa doanh nghiệp để xử lý lỗ lũy kế trong hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2014 (năm 2014, DLR lỗ sau thuế 12,6 tỷ đồng).
Cổ đông cũng không đồng tình với cách tổ chức, kiểm soát quy trình chuyển nhượng Mỏ đá Gần Reo và đề nghị Ban kiểm soát kiểm tra chặt chẽ. Ngoài ra, cổ đông cho rằng, thành viên HĐQT đã dễ dãi với các vấn đề xảy ra tại Công ty TNHH MTV Địa ốc Bảo Lộc, nhất là khi Phó chủ tịch HĐQT DLR kiêm vị trí Giám đốc công ty này.
Trong khi đó, các giải pháp do HĐQT cũng như Ban điều hành DLR đưa ra chưa rõ ràng. Chẳng hạn, việc quản lý tại Công ty Du lịch Mai Anh Đào còn lỏng lẻo, không mang lại hiệu quả, cần có hướng giải quyết triệt để. Hay với phương án tăng vốn, cần xem xét lại hiệu quả sử dụng vốn sau khi tăng.
“Công tác tái cấu trúc DLR đã được nói đến tại nhiều kỳ đại hội, nhưng việc triển khai vẫn không rõ ràng, chưa mang lại hiệu quả do lập kế hoạch còn mơ hồ, không có cơ sở thực hiện”, cổ đông DLR nói.
Cải tổ cách nào?
Là doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) từ tháng 5 năm 2010, thời kỳ đỉnh cao, giá cổ phiếu DLR từng đạt trên 40.000 đồng/cổ phiếu, nhưng hiện nay đã mất giá 90%, chỉ còn 4.100 đồng/cổ phiếu. doanh nghiệp phải cải tổ cách nào để lấy lại niềm tin của cổ đông và cải thiện giá trị của chính mình, là câu hỏi lớn nhất tại DLR lúc này.
Diễn biến đáng quan tâm tại Đại hội DLR vừa qua là việc HĐQT trình kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo ông Trịnh Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT DLR, bức xúc của cổ đông liên quan đến hoạt động kém hiệu quả của Công ty đến chủ yếu từ 2 nguyên nhân.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, Công ty chưa giải quyết bài toán cung ứng nguồn vốn cần thiết để đảm bảo các yêu cầu bắt buộc và cần thiết cho các lĩnh vực hoạt động cốt lõi. Theo đó, về năng lực tài chính, Công ty chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, do đó không đáp ứng được các yêu cầu về pháp lý, bị động trong triển khai thực hiện và hiệu quả đầu tư hạn chế.
Về năng lực máy móc, thiết bị thi công, cung ứng vật tư chủ yếu cho công trình, do chưa được đầu tư nên phụ thuộc vào các đơn vị trực tiếp thi công (tổ đội). Vì vậy, trong hoạt động thi công xây lắp, Công ty chỉ thụ hưởng các chi phí gián tiếp, làm ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập, hiệu quả hoạt động.
Để cải thiện tình trạng này, HĐQT mong muốn có vốn để mua máy móc và có nguồn tối thiểu để thực hiện chức năng làm chủ đầu tư. Theo đó, HĐQT trình phương án phát hành 3 triệu cổ phiếu, để tăng vốn điều lệ từ 45 tỷ đồng hiện nay lên 70 tỷ đồng với dự kiến thu về 30 tỷ đồng vốn mới. HĐQT đề xuất bán với giá 10.000 đồng/CP, theo phương thức riêng lẻ, nhà đầu tư sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Dù không hài lòng với nhiều hoạt động của Ban lãnh đạo DLR, nhưng tất cả các cổ đông dự Đại hội đều nhất trí thông qua kế hoạch tăng vốn. Bài toán tiếp theo của Ban lãnh đạo DLR là làm cách nào, trên nền một doanh nghiệp kém hiệu quả như hiện nay (năm 2014 lỗ 12,6 tỷ đồng; năm 2015 lãi 1,3 tỷ đồng, giá cổ phiếu còn 4.100 đồng/CP), Công ty có thể gọi được dòng vốn mới? Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục tìm thông tin để phản ánh đến bạn đọc.