Lý do vào Nam của tôi rất đơn giản. Khi hỏi người bạn vừa ở trong đó ra, nó bảo: “Trong Sài Gòn thích lắm”. Thế là tôi khăn gói lên đường.
Nói vậy thôi, nhưng trước khi quyết định vào Nam lập nghiệp, tôi cũng có nhiều suy nghĩ. Công việc ngoài này đang ổn định; nhà neo người, mình đi, ở nhà mỗi còn bố mẹ... Tuy nhiên, với cái liều của tuổi trẻ, tôi quyết định ra đi để tìm trải nghiệm mới.
Trong những ngày đầu mới vào, tôi thực sự choáng ngợp, bởi Sài Gòn quá rộng lớn và ồn ào hơn những gì tôi nghĩ.
Với chuyên môn là công nghệ thông tin, nhưng tôi xin vào làm cộng tác viên cho một tờ báo lớn và tôi xem đó như là một cái duyên với nghề nên cố gắng để theo đuổi.
Để có thêm thu nhập, lại vừa để có trải nghiệm để viết báo, tôi chọn nghề tay trái là “xe ôm công nghệ”. Công việc này cho tôi được “du ngoạn” Sài Gòn nhiều hơn. Khi quá căng thẳng với công việc chính, thì ra “đứng đường” giúp tôi giải tỏa mọi bức bách.
Tiếp xúc nhiều mới thấy bản tính người miền Nam thật là thân thiện, gần gũi. Chỉ cần nghe vài lời là đã cảm thấy xốn xang: “Cưng, chở ngoại zề ngã tư Phú Nhuận”, hay đứng hình trước một khách bánh bèo: “Anh Việt Dũng phải hôn?”.
Với mọi người, đó chỉ là câu xã giao bình thường, nhưng với một thanh niên miền Bắc mới vào Nam lập nghiệp như tôi, chỉ cần nghe thấy vậy thôi, miền Nam đã chiếm trọn trong tâm trí tôi.
Không chỉ thế, nghề tay trái còn cho tôi những buổi tiếp xúc thú vị khác với đủ tầng lớp. Những câu chuyện trên đường đã giúp tôi cơ hội tích lũy vốn sống, xã hội của Sài thành và rất có ích cho nghề báo của mình. Sài Gòn như một bức tranh khổng lồ. Mỗi nhân tố là mảnh ghép tạo nên bức tranh đa sắc màu đó.
Ba năm qua, cuộc sống của tôi lăn dài từ những buổi họp báo, chạy hàng chục cây số xuống tận Đồng Nai, Long An, Bình Dương để lấy tin tức, phản ánh thực địa, tới những cung đường của Sài Gòn với xe ôm công nghệ. Được “va đập” với cuộc sống đã giúp tôi trưởng thành nhiều trong nghề báo. Dù ở xa, nhưng bố mẹ tôi rất sát sao với cuộc sống của tôi. Nhờ thời buổi công nghệ mà ông, bà vẫn biết được tình hình của con trai thông qua zalo, facebook hàng ngày.
Tôi cũng chẳng biết là đã kể chuyện như thế nào về Sài Gòn với bố mẹ, mà dù tôi là con một, nhưng cả 2 đều ủng hộ quyết định của tôi và khuyến khích: “Chịu khó chắt bóp để mua được nhà mà ở lại lâu dài”. Có lẽ, nhờ thời đại thông tin được cập nhật mọi lúc mọi nơi, nên tiếng thơm của Sài Gòn đã được lan tỏa, giúp các cụ thân sinh ra tôi yên gửi gắm đưa con trai cưng của mình cho vùng đất hiếu khách phương Nam này.
Vậy thì có lý do gì mà tôi không đặt mục tiêu tìm cách bám trụ tại đây?
Nhìn lại các bậc cha chú, những đàn anh thành công trong cuộc sống và trong công việc khi ban đầu cũng như tôi, lập nghiệp ở thành phố phồn hoa này với 2 bàn tay trắng, tôi tin mình cũng sẽ làm được.
Cùng đồng hành với giấc mơ này của tôi còn có hàng triệu người khác từ khắp nơi đổ về đây tìm kiếm cơ hội khi tất cả đều có chung ý nghĩ: “Đã vào đây sống là chẳng muốn trở về”.
Dù sống và làm việc tại thành phố hơn 300 năm tuổi này mới được một thời gian ngắn ngủi, nhưng tôi luôn có niềm tin là mình sẽ gắn bó với thành phố này rất lâu dài và mong được trở thành một mảnh ghép nhỏ bé của Sài Gòn.