Trong giai đoạn hệ thống giao dịch của HOSE bị nghẽn do quá tải, cơ quan quản lý đã quyết định nâng lô tối thiểu từ 10 lên 100 cổ phiếu nhằm giảm số lượng lệnh, giảm áp lực cho hệ thống trước khi được nâng cấp. Từ ngày 5/7/2021, hệ thống giao dịch nâng cấp (do FPT) triển khai đã được vận hành trên HOSE.
Giai đoạn đầu, cũng có một số trục trặc trong việc đồng bộ dữ liệu giữa một số công ty chứng khoán với HOSE, nhưng sau đó hệ thống đã vận hành trơn tru. Đặc biệt, giai đoạn 3 tháng cuối năm 2021, khi làn sóng cổ phiếu thị giá thấp thúc đẩy khối lượng khớp lệnh tăng kỷ lục, tình trạng nghẽn lệnh cũng không xảy ra.
Điều đó cho thấy, hệ thống mới hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường nếu thanh khoản tăng cao hơn. Và giờ đây, câu chuyện “trả” lô giao dịch về tối thiểu 10 cổ phiếu như trước đây được nhiều người đặt ra.
Nhà đầu tư Hoàng Văn Trung phản ánh, hiện công ty chứng khoán anh đang mở tài khoản không thực hiện mua cổ phiếu lô lẻ liên tục. Chỉ những giai đoạn thị trường giảm điểm, công ty chứng khoán mới công bố mua cổ phiếu lô lẻ, còn khi thị trường tăng lại “im thin thít”.
Thực tế, công ty chứng khoán nơi anh Trung mở tài khoản chỉ là một trong rất nhiều công ty chứng khoán đang áp dụng cùng chính sách đối với cổ phiếu lô lẻ.
Với quy định khối lượng giao dịch là bội số của 100 cổ phiếu, số cổ phiếu lẻ ra sẽ phải nằm im trong tài khoản của nhà đầu tư để đợi ngày công ty chứng khoán công bố mua vào. Điều này vừa “giam” thanh khoản của số cổ phiếu đó, vừa gây thiệt hại cho nhà đầu tư khi không được chủ động thời điểm bán ra.
Nếu số cổ phiếu lẻ đó thuộc về mã đang có thị giá thấp thì giá trị không lớn lắm, có thể vài trăm hoặc vài triệu đồng, nhưng nếu là cổ phiếu có thị giá hàng trăm nghìn đồng thì lại là con số không nhỏ, mà thực tế, sau sóng tăng kéo dài hai năm qua, có hàng chục cổ phiếu vượt mốc giá 100.000 đồng/cổ phiếu.
Giả sử một nhà đầu tư sở hữu 80 cổ phiếu lẻ trong nhóm này, giá trị của lô lẻ là 8 triệu đồng. Vẫn với giả định trên, nhà đầu tư cầm cổ phiếu L14, CMF - đang có thị giá quanh 300.000 đồng/cổ phiếu - bị “kẹp” tới 24 triệu đồng.
Hai năm gần đây, tận dụng đà hưng phấn cuả thị trường chứng khoán, hàng loạt doanh nghiệp đại chúng đã triển khai các đợt phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu cũng như trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, việc phát sinh cổ phiếu lô lẻ là điều khó tránh khỏi với các nhà đầu tư.
Một nhà đầu tư chứng khoán nắm giữ lô lẻ của nhiều mã cổ phiếu cũng là chuyện rất bình thường. Lô lẻ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong giá trị tài khoản của một nhà đầu tư, nhưng tính trên bình diện thị trường lại là con số không nhỏ.
Chỉ cần mỗi tài khoản có vài chục cổ phiếu lẻ thì toàn thị trường đã có hàng trăm triệu cổ phiếu nằm ở dạng “lô lẻ”.
Theo dữ liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam VSD, tính tới cuối tháng 3/2022, thị trường đang có tổng khoảng 4,93 triệu tài khoản chứng khoán.
Chỉ cần mỗi tài khoản có vài chục cổ phiếu lẻ thì toàn thị trường đã có hàng trăm triệu cổ phiếu nằm ở dạng “lô lẻ”, giá trị có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Một giá trị cổ phiếu lớn như vậy không được đưa vào lưu thông sẽ gây lãng phí cho xã hội và nền kinh tế.
Ngoài ra, với mục đích của Chính phủ phát triển thị trường chứng khoán thành kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp trong tương lai, việc thị giá cổ phiếu cao và giới hạn lô lẻ cao là rào cản đối với nhiều nhà đầu tư mới. Thực tế, khi tham gia đầu tư, nhiều nhà đầu tư cá nhân có xu hướng đầu tư thăm dò với một số tiền nhỏ để học cách đầu tư.
Còn nhớ, hồi năm ngoái, lãnh đạo Bộ Tài chính từng có chỉ đạo "HOSE báo cáo việc áp dụng giao dịch lô tối thiểu 10 cổ phiếu như trước để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư", song đến nay, câu chuyện giảm lô trở lại vẫn chưa được giải quyết.