Có ít nhất 30 đến 50 món chay sẵn sàng phục vụ du khách thập phương. Loanh quanh thăm Huế vào những ngày Phật đản hay những ngày chay giới (rằm, mồng Một), du khách sẽ có dịp thưởng thức những món ăn chay thanh tịnh, nhưng không kém phần ngon miệng này.
Với bàn tay tài hoa, tấm lòng phúc hậu và sự đảm đang tuyệt vời, người phụ nữ Huế tuy chế biến những món ăn chay từ những nguyên vật liệu bình dị giản đơn như đậu hũ, măng khô, nấm đông cô, nấm hương, mì căn, cải bắp thảo, cải ngọt, boa-rô…, nhưng lại hấp dẫn biết bao thực khách lại qua. Đầu tiên, du khách đến Huế sẽ có cơ hội thưởng thức món cơm hấp lá sen và chè hạt sen, hai món ăn rất tốt cho cơ thể.
Cơm chay
Cơm hấp lá sen là một món ăn rất gần gũi với người ăn chay xứ Huế. Tinh hoa của đất trời cùng với sức lao động của con người xứ Huế đã tạo nên một món ăn với những hạt cơm trắng tinh hoà quyện cùng với những hạt sen thơm ngát, một thực phẩm quý ở vùng đất cố đô.
Nhìn vào món cơm hấp lá sen, ta có thể mường tượng như đang được thưởng thức một “bông hoa” ẩm thực. Món ăn này có “nhụy” rất thơm ngon với hỗn hợp cơm, hạt sen, tai nấm đông cô, củ cải, cà rốt, khuôn đậu... Đối với người phụ nữ Huế, nổi tiếng khéo tay trong ẩm thực, nhưng để làm ra được món ăn thanh tao này thì thật cũng không phải là dễ dàng.
Món chè hạt sen
Không chỉ là những hạt sen thơm ngát hòa quyện với từng hạt cơm dẻo ngon và các loại nguyên liệu khác sau khi đã hấp cách thủy, món cơm hấp lá sen còn được điểm tô bởi những bông sen hồng diệu khá bắt mắt và sự lưu giữ hương vị tuyệt vời của món ăn bằng cách ấp ủ tất cả những hương vị trong những lá sen xanh. Và có lẽ, chỉ vào mùa Hạ, mùa sen nở, thì du khách đến Huế mới có dịp thưởng thức đúng điệu món ăn thanh tao nhưng rất cầu kỳ này.
Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội thưởng thức món chè hạt sen, một món ăn giải nhiệt rất tốt cho cơ thể. Sen chính là một loại thực phẩm quý hiếm ở Huế, lúc trước chỉ có tầng lớp vua chúa sử dụng trong việc ăn uống hằng ngày.
Bún chay
Bình dân hơn, du khách thích du lịch “bụi” có thể tìm đến các quán ăn chay dọc các con đường khắp thành phố hoặc các khu chợ của Huế trong những ngày rằm hoặc mồng Một. Các món chay phổ biến thường được bán ở các địa điểm này là bún, cháo, cơm, bánh canh, bánh bột lọc, bánh nậm... với giá cả rất bình dân, nhưng lại rất ngon và lạ miệng.
Nguyên liệu để làm bún chay thường gồm đậu hũ, măng khô, nấm đông cô (hoặc nấm hương), mì căn, cải bắp thảo, cải ngọt, boa-rô… Cách chế biến món bún chay Huế cũng khá tinh tế, như đậu hũ phải cắt lát chiên vàng, nấm đông cô thì phải thái nhỏ, mì căn phải cắt lát vừa ăn… Khi khách gọi, trước hết người bán sẽ bỏ bún vào tô, múc nước súp có măng, nấm, đậu hũ vào; rồi rắc tiêu, ngò, cần tây xắt khúc, múc chao cùng vài lát ớt đỏ bỏ vào tô.
Bún trộn chay
Bún trộn chay ở Huế nguyên liệu chính là miến, mít non (hoặc vả), đậu phụng, khuôn đậu, cà rốt, nấm mèo… Cách chế biến như sau: Miến trúng nước sôi và xào với ớt, gia vị; mít non (hoặc sả) cắt lát rồi xào với các loại gia vị; nấm mèo, cà rốt thái sợi dài và nhỏ rồi cho vào chảo xào thật đều, nêm gia vị sao cho thấm tháp. Món bún trộn ngon hay không là ở khâu xào các loại nguyên vật liệu này. Riêng khuôn đậu thì phải rán vàng rồi xắt thành sợi nhỏ. Khi múc ra tô, người ăn thường được hỏi có thích ăn kèm với rau sống và bánh tráng, thêm chút đậu phộng rang dã đôi không? Nếu ai thích cay thì có thể gọi cho chút tương ớt, chứ người bán sẽ không tự tiện thêm vào.
Món bún trộn chay quả thực là sự tổng hòa của tất cả các hương vị: giòn của bánh tráng, bùi và béo của đậu phộng và mè và cuối cùng là cảm giác vừa mềm vừa mát của miến và rau sống.
Bánh bột lọc chay
Bánh bột lọc chay ngon nhất là bánh bột lọc gói, bởi bánh được gói trong lá chuối rồi hấp chín, khi ăn mùi lá chuối sẽ giúp tăng hương vị thơm ngon của bánh. Tuy nhiên, vào ngày Phật đản, do người dân Huế ai cũng bận bịu việc đi chùa, trang hoàng bàn thờ Phật tại nhà nên không ai có thời gian để rửa, lau, cắt lá rồi gói bánh, nhưng du khách vẫn có thể thưởng thức hương vị bánh bột lọc chay theo cách làm bánh trần. Điều hấp dẫn thực khách và làm cho người ta thấy thích thú khi ăn bánh bột lọc chay trần là cảm giác về một sự tinh khiết qua từng chiếc bánh trần trụi, nhưng cũng cảm thấy rất hấp dẫn bởi mùi vị và màu sắc của từng nhân bánh trong đó (được làm từ nấm mèo, cà rốt, khuôn đậu...) kết hợp với nước chấm thơm ngon làm từ xì dầu và ớt tươi. Nên kết quả ai đã thưởng thức món ăn này cũng cảm thấy ngon miệng và tịnh tâm hơn trong tâm hồn.
Còn nếu có thể sắp xếp thời gian, du khách có thể đến các chùa để thưởng thức các món chay như bao người dân Huế khác. Hàng tháng, nhà chùa thường làm cỗ chay đãi phật tử bốn phương. Những món chay của chùa tuy không cầu kỳ, nhưng luôn thu hút rất nhiều thiện nam tín nữ và các du khách. Trong khung cảnh thanh tịnh của chùa chiền mà thưởng thức được những món ăn ngon thì quả thật không gì thú vị bằng!
Chính vì vậy, du khách thưởng thức các món cơm chay của Huế cũng chính là đã tìm về với bản ngã của tâm hồn, có được sự thanh thản của thể xác và bắt gặp được điểm cao của sự thanh tịnh trong ẩm thực xứ Huế.
Quả không sai khi ai đó đã từng nói rằng: “Ở Huế núi không cao, sông không sâu nhưng lòng người thì trầm luân, tĩnh lặng bởi họ biết cách tu, biết ăn chay cho tâm hồn thanh tịnh”.