Theo khảo sát của nhiều tổ chức lớn, các nhân viên có xu hướng ưa thích làm việc cho những doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội tốt. Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút nhân tài, việc nâng cao chất lượng môi trường làm việc là yếu tố cần thiết để tìm và giữ chân được nhân sự giỏi. Chưa kể, điều này sẽ khiến tổ chức trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư, giúp huy động các nguồn lực tốt hơn.
Mặc dù khái niệm môi trường làm việc bền vững đã được nhiều tổ chức nhắc đến, nhưng vẫn chưa có một bộ tiêu chuẩn riêng lẻ hoặc đồng nhất nào để đo lường yếu tố này. Tuy nhiên, khi nói đến môi trường làm việc bền vững, các tổ chức sẽ nhắc tới hai khía cạnh là môi trường vật lý và môi trường phi vật lý.
Một môi trường làm việc bền vững cần xuất phát từ môi trường vật lý, bao gồm các yếu tố sau.
Thứ nhất, môi trường tạo sự cân bằng trong việc đảm bảo tính tương tác giữa các nhân viên và tính riêng tư. Môi trường làm việc quá khép kín tuy giúp nhân viên tập trung hơn, nhưng không hỗ trợ tốt cho việc trao đổi, chia sẻ giữa các đồng sự. Ngược lại, môi trường quá mở sẽ hạn chế tính riêng tư và sự tập trung. Do đó, môi trường làm việc bền vững phải đảm bảo sự cân bằng của hai yếu tố này.
Thứ hai, văn phòng thân thiện với môi trường, giảm phát thải carbon. Hiện tại, đây là xu hướng chung trên thế giới, khi nhiều văn phòng đưa ra các sáng kiến để thân thiện với môi trường hơn như xanh hóa không gian, giảm thiểu in ấn, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước…
Thứ ba, văn phòng cho phép có thể làm việc ở mọi nơi thông qua hệ thống điện thoại và liên lạc bằng video, giảm thời gian đi lại. Một văn phòng ảo hoặc văn phòng tại nhà cho phép nhân viên có thể liên lạc với đồng nghiệp và khách hàng qua hệ thống hội thảo video (video conference) sẽ giảm thời gian đi lại, giảm phát thải nhà kính.
Ông Nguyễn Viết Thịnh, Trưởng nhóm chấm Báo cáo Phát triển bền vững trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên năm 2017
Môi trường vật lý mới là điều kiện cần đối với môi trường làm việc bền vững, bên cạnh đó, cần xét tới các yếu tố phi vật lý. Theo đó, thứ nhất, một môi trường làm việc bền vững phải đảm bảo cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giúp nhân viên đáp ứng được các nhu cầu công việc nhưng không quên các nghĩa vụ gia đình và mối quan hệ bản thân. Đây là yếu tố quyết định sự gắn bó lâu dài của nhân viên với một tổ chức và cũng là động lực giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn.
Thứ hai, đây phải là môi trường tích cực, từ quản lý đến nhân viên đều có suy nghĩ tích cực, hướng đến lợi ích chung. Trong môi trường này, nhân viên luôn có thói quen đưa ra các nhận xét mang tính xây dựng để đạt được lợi ích chung, thay vì áp đặt các suy nghĩ và chỉ trích mang tính cá nhân.
Thứ ba, môi trường làm việc bền vững cũng là nơi mà ở đó các nhân viên cảm nhận được công việc của mình tạo ra giá trị cho xã hội. Nhân viên trong môi trường này sẽ biết được giá trị của mình/và hoặc giá trị của công ty tạo ra đối với xã hội.
Thứ tư, đảm bảo việc làm. Môi trường làm việc bền vững không thể tồn tại nếu người lao động luôn trong tình trạng bấp bênh về tương lai của mình. Do đó, một tổ chức muốn tạo ra môi trường làm việc bền vững thì phải đảm bảo tương lai về công việc cho các nhân viên, giúp họ an tâm cống hiến và phát huy năng lực.
Thứ năm, tính tự chủ trong công việc. Môi trường làm việc bền vững là nơi các nhân viên từ cấp thấp đến cấp cao đều có thể tự chủ được công việc của mình theo kế hoạch đã vạch ra. Tính tự chủ giúp nhân viên phát huy tối đa hiệu quả.
Thứ sáu, đảm bảo tính an toàn và sức khỏe. Đây là một trong những yếu tố then chốt của môi trường làm việc bền vững, đặc biệt là đối với tổ chức mà nhân viên phải làm việc trong điều kiện có rủi ro cao về an toàn và sức khỏe như ngành mỏ, dầu khí, may mặc… Trong khuôn khổ các chuẩn mực về phát triển bền vững của tổ chức Sáng kiến Báo cáo toàn cầu (GRI), đã có khá nhiều chỉ số được đưa ra để đo lường và báo cáo các vấn đề về an toàn và sức khỏe để các công ty tham khảo.
Thứ bảy, cơ hội phát triển. Cụ thể, nhân viên trong môi trường làm việc bền vững luôn nhận được các chương trình đào tạo và phát triển phù hợp với vị trí và chuyên môn của họ.
Cuối cùng, chế độ phúc lợi. Môi trường làm việc bền vững phải đảm bảo nhân viên nhận được các chế độ phúc lợi cạnh tranh và tương ứng với trình độ, khả năng và các đóng góp của họ cho tổ chức.
Như đã nói ở trên, môi trường làm việc bền vững sẽ thu hút, phát triển và phát huy thế mạnh của các nhân tài, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, dù tổ chức có xây dựng được môi trường làm việc bền vững, nhưng không có hoạt động truyền thông thì sẽ không tận hưởng được những lợi ích từ yếu tố này. Bởi nhà đầu tư và các ứng viên tiềm năng không nắm bắt được thông tin.
Do đó, ngoài việc cải thiện môi trường làm việc, các tổ chức nên suy nghĩ đến việc minh bạch hóa thông tin đối với các bên có liên quan bao gồm nhân viên (hiện tại và tiềm năng) và các nhà đầu tư. Khi công bố thông tin, doanh nghiệp có thể áp dụng các chuẩn mực và hướng dẫn có liên quan, chẳng hạn chuẩn mực lập báo cáo phát triển bền vững của GRI.