Sau khi giữ nguyên trong giai đoạn 2012-2016, chi tiêu quân sự toàn cầu năm 2017 đã tăng trở lại và chiếm 2,2 % tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, Maritime Executive dẫn báo cáo do Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố hôm 1/5.
Báo cáo cho thấy tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu năm qua đạt ngưỡng 1.739 tỷ USD, đồng nghĩa với mỗi người trên thế giới đang phải gánh 230 USD chi phí quân sự.
Dẫn đầu thế giới vẫn là quân đội Mỹ với mức 610 tỷ USD, chiếm 35% tổng ngân sách quốc phòng toàn thế giới. Trung Quốc đạt mức 288 tỷ USD, đứng thứ hai và chiếm 13% trong tổng chi tiêu quân sự thế giới, so với mức 5,8% năm 2008.
"Ở mức độ toàn cầu, trọng tâm chi tiêu quân sự đang chuyển dần khỏi khu vực châu Âu - Đại Tây Dương", tiến sĩ Nan Tian, nhà nghiên cứu thuộc SIPRI, cho biết. Ngân sách quốc phòng ở châu Á và châu Đại dương duy trì đà tăng trong năm thứ 29 liên tiếp.
Ngân sách quốc phòng Trung Quốc vẫn được mở rộng, tiếp tục xu hướng tăng chi tiêu kéo dài suốt hơn 20 năm qua. Ấn Độ chi 63,9 tỷ USD, trong khi đó Hàn Quốc đầu tư 39,2 tỷ USD.
Nga lần đầu tiên cắt giảm ngân sách quân sự kể từ năm 1998 và chỉ đạt 66,3 tỷ USD, được cho là bắt nguồn từ các lệnh cấm vận áp đặt lên nước này từ năm 2014.
Một phần do căng thẳng với Nga, chi tiêu quân sự ở cả Trung và Tây Âu năm 2017 đều tăng lần lượt là 12% và 7%. Các thành viên NATO đều chấp nhận tăng ngân sách quốc phòng trong năm qua.
Tổng chi tiêu quân sự của 29 nước thành viên NATO năm 2017 là 900 tỷ USD, chiếm 52% chi tiêu toàn cầu.
Xung đột vũ trang và căng thẳng ngoại giao khắp Trung Đông đã làm tăng đầu tư cho quân đội trong khu vực.
Các nước Trung Đông có tỷ lệ ngân sách quốc phòng trên GDP cao nhất thế giới ở mức 5,2%, trong khi tỷ lệ này ở các khu vực khác trên thế giới không vượt quá mức 1,8%.
"Việc ngân sách quốc phòng thế giới duy trì ở mức cao sẽ gây ra nhiều lo ngại nghiêm trọng. Nó làm suy yếu quá trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột khắp toàn cầu", chủ tịch Ủy ban điều hành SIPRI Jan Eliasson tuyên bố.