Mỗi người phải trở thành những công dân số, học tập suốt đời

0:00 / 0:00
0:00
Theo GS. Phạm Tất Dong để khai thác tốt tiềm năng của người Việt, biến thành động lực cho sự phát triển KT, xã hội thì mỗi người phải trở thành những công dân số, học tập suốt đời.
GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam. GS. Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam.

Nếu hình dung cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra như một đoàn tàu chạy với tốc độ cao thì con người chúng ta ở đâu trong đó, thưa giáo sư?

Ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, con người cũng là chủ thể, là động lực cho sự phát triển. Tất cả mọi sản phẩm, của cải vật chất đều do con người lao động, sản xuất, sáng tạo ra. Chính vì vậy, dù trong giai đoạn phát triển kinh tế nào, con người vẫn giữ vai trò là người lái tàu, quyết định vận tốc, quyết định đoàn tàu chạy đúng đường ray hay lạc mất phương hướng.

Khi xã hội càng phát triển, thì vai trò của con người, đặc biệt con người có trí tuệ càng trở nên quan trọng. Tri thức của con người sẽ là nguồn lực, động lực chủ yếu tạo nên sự tăng trưởng trong kinh tế tri thức của các quốc gia. Và trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, nguồn lực con người được đặt ở vị trí trung tâm, khơi dậy và phát huy tiềm năng của các nguồn lực khác để từ đó ở mỗi cấp độ quản lý từ vĩ mô đến vi mô đồng bộ đưa ra các giải pháp phù hợp để phát triển nguồn lực này.

Vậy theo giáo sư nguồn lực con người trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 có gì khác so với thời kỳ trước?

Trong nền kinh tế tri thức thì chuyển đổi số là xu hướng cần thiết. Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế tri thức dựa trên 3 trụ cốt là xã hội số, kinh tế số và chính phủ số.

Xã hội số được hình thành từ những công dân số. Vậy thế nào là công dân số? Công dân số chắc chắn phải là những người hiểu biết về công nghệ. Họ có kiến ​​thức về phần cứng và phần mềm, cũng như kỹ năng sử dụng máy móc, thiết bị điện tử. Họ sử dụng công nghệ và Internet cho mọi tác vụ và quy trình có thể. Đồng thời, khi hoạt động trên môi trường số, công dân số phải am hiểu pháp luật, nắm được các quy định được phép hay cấm thực hiện.

Tuy vậy, để có những công dân số, chúng ta lại phải quay lại gốc rễ vấn đề, đó chính là giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, giáo dục phổ thông có thể đào tạo ra nhân lực chất lượng phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Giáo dục phổ thông chỉ tạo ra “nguồn nhân lực” chứ không phải “nhân lực”. Khoảng cách từ “nguồn nhân lực” tới “nhân lực” còn khá xa. Đó chính là quãng đường học nghề, học đại học, sau đại học, học tập suốt đời nếu mỗi người muốn làm chủ công nghệ, có tri thức và trở thành công dân số, công dân toàn cầu.

Dù là công dân số hay công dân toàn cầu, trong mối quan hệ giữa nguồn lực con người và sự phát triển, không thể không nhắc tới giáo dục và nhân tố người thầy, thưa giáo sư?

Như đã nói ở trên, con người là động lực cho sự phát triển, song giáo dục lại là nền tảng để phát triển con người. Và khi nhắc tới giáo dục, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của người thầy.

Khi thế giới bước vào thời đại công nghệ 4.0, thì người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để bắt kịp với thời đại, đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Áp lực chuyển đổi số đang đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt trong ngành giáo dục, điều này càng nên được xem trọng nhiều hơn. Sở dĩ như vậy là do giáo dục là đào tạo con người, con người lại đóng vai trò đổi mới và tạo ra xu thế mà bản thân người thầy không phải là người tiên phong trong xu hướng thì việc trở nên lạc hậu là đương nhiên.

Muốn hội nhập và bắt kịp xu hướng thì các trường sư phạm - chiếc nôi đào tạo người thầy cần phải thay đổi trước tiên trong việc ứng dụng và làm chủ công nghệ thông tin, góp phần vào xu thế chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Và sau đó, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giáo viên cũng phải là người dẫn đầu các xu hướng đổi mới, sau đó mới đến các tầng lớp khác trong xã hội.

Giáo viên hiện nay không còn là người truyền thụ kiến thức, mà là người hỗ trợ học sinh hướng dẫn tìm chọn và xử lý thông tin. Vị trí của nhà giáo không phải được xác định bằng sự độc quyền về thông tin và trí thức có tính đẳng cấp, mà bằng trí tuệ và sự từng trải của mình trong quá trình dẫn dắt học sinh tự học.

Người ta đã bắt đầu quan tâm đến câu hỏi của người học đến trường để làm gì nếu không có gì mới hơn sách điện tử. Đương nhiên, chức năng định hướng và dẫn dắt của nhà trường không thay đổi, nhưng không thể thực hiện theo mô hình dạy học cũ. Cần xác định lại vai trò người thầy trong học tập kết nối mạng đó là sáng tạo, phản biện và giáo dục.

Chúng ta thấy rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ đem lại nhiều phương tiện, công cụ, các hệ thống để hỗ trợ giáo viên cũng như cả ngành giáo dục đổi mới phương pháp giảng dạy hiện tại, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Tuy nhiên, để áp dụng các lợi thế này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi nhiều, từ tư tưởng giảng dạy, phải chấp nhận những vấn đề mới, quan điểm mới, có trường hợp sẽ không có đúng sai hoàn toàn. Bên cạnh đó, giáo viên sẽ phải học sử dụng nhiều phần mềm, công cụ mới để thể hiện nội dung giảng dạy.

Cùng với vai trò người thầy, theo giáo sư, bản thân ngành giáo dục cần có những đột phá nào để góp phần bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người một cách hiệu quả?

Người lao động trong xã hội hiện đại không chỉ được nhấn mạnh ở những kỹ năng làm việc đơn thuần, mà còn nhấn mạnh vào năng lực sáng tạo mới. Muốn vậy, giáo dục phải thực sự đổi mới căn bản và toàn diện, phải làm tròn chức năng lĩnh hội tri thức, truyền bá tri thức và sáng tạo ra tri thức mới, đồng thời ứng dụng tri thức vào cuộc sống.

Giáo dục phải áp sát vào yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong kinh tế tri thức, phải nhận được sự quan tâm chu đáo của toàn xã hội. Phải xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đi trước và thích ứng với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong chiến lược phát triển quốc gia 10 năm tới, chúng ta phải hình dung được vai trò vị trí của giáo dục nằm ở đâu và trách nhiệm như thế nào. Chúng ta không sợ nhanh hay chậm, mà quan trọng phải cùng chung dòng chảy với thế giới. Giáo dục hiện đại phải làm tốt việc đa dạng hóa hoạt động nhằm đánh thức tiềm lực, phát huy tính năng động và khả năng sáng tạo gắn với mục tiêu học tập mang tính cá thể của từng cá nhân, từng nhóm người học.

Ngoài ra, chiến lược giáo dục của Việt Nam giai đoạn tới phải đặt trong bối cảnh giáo dục công dân toàn cầu, tính đến sự cạnh tranh quyết liệt của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và phải tính đến việc chuyển giao tri thức không phân biệt quốc gia.

Ngoài giáo dục, một yếu tố khác mà chúng ta thường hay nhắc tới đó chính là văn hóa. Vậy nền tảng văn hóa có vai trò ra sao trong việc khơi dậy, phát huy sức mạnh của nguồn lực con người theo quan điểm của giáo sư?

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như một khẳng định về vai trò đặc biệt của văn hóa với sự phát triển đất nước, con người Việt Nam.

Ngày nay, Đảng có nhiều chủ trương về phát triển văn hóa, coi “Văn hóa là nền tảng tinh thần của đất nước”, “Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, xã hội”. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng đặt mục tiêu phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước đã minh chứng, nếu khơi gợi được giá trị văn hóa, niềm tự hào dân tộc, sự đoàn kết, tự tin của dân tộc, chúng ta sẽ bước đi vững chắc hơn. Vì khi có tự hào dân tộc, chúng ta sẽ nỗ lực để niềm tự hào trở thành hành trang tiến về phía trước. Ngược lại, sẽ không có sự đột phá trong phát triển đất nước.

Hơn nữa, chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, nơi sự đa dạng văn hóa đang bị đe dọa, các quốc gia đang có nguy cơ mất bản sắc văn hóa và mất căn tính quốc gia, dẫn đến sự phát triển không bền vững. Không ai mong muốn sự phát triển dù đầy đủ về vật chất, lại không giữ được bản sắc văn hóa riêng. Quốc gia nào cũng kỳ vọng văn hóa được gìn giữ để khẳng định vị thế đất nước mình trong thế giới toàn cầu hóa.

Dương Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục