Đúng hạn không có nghĩa là xong việc
Mặc dù vào thời điểm này, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2019 gần như dậm chân tại chỗ, nhưng ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tếTrung ương – CIEM) vẫn tin rằng, kế hoạch cổ phần hóa DNNN đến năm 2020 sẽ được hoàn tất.
Kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm khắc, cả về thời hạn và mục tiêu thực hiện. Trong ảnh: TKV đã xin điều chỉnh thời hạn cổ phần hóa từ năm 2019 sang năm 2020. Ảnh: Đức Thanh
“Số lượng hoàn toàn có thể làm được, bằng cách chuyển các DNNN sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần. Nhưng, điều này không đồng nghĩa với việc các mục tiêu tái cơ cấu sẽ đạt được”, ông Trung nói.
Tình trạng này khá giống thời điểm các DNNN buộc phải chuyển thành công ty TNHH một thành viên trước ngày 1/7/2010, theo Luật Doanh nghiệp 2005. Khi đó, để việc chuyển đổi đúng hạn, một văn bản với những thủ tục rút gọn được ban hành.
Nhưng lần này, các mục tiêu hậu chuyển đổi sẽ không chỉ dừng lại ý nghĩa pháp lý. Thậm chí, soi vào kết quả bán cổ phần lần đầu theo phương án được duyệt, yêu cầu DNNN có cơ cấu hợp lý hơn vào năm 2020 đang trở nên khó khả thi.
Trong giai đoạn 2011-2016, có 172 doanh nghiệp không bán được toàn bộ số cổ phần theo phương án cổ phần hóa, chiếm 40% tổng số 426 doanh nghiệp thực hiện chào bán.
Sau khi bán cổ phần lần đầu, tổng giá trị vốn điều lệ của 426 doanh nghiệp là 184.254 tỷ đồng, trong đó Nhà nước tiếp tục nắm giữ 81,1%. Số vốn do nhà đầu tưchiến lược nắm giữ chỉ chiếm 7,3% vốn điều lệ. Các nhà đầu tư khác nắm giữ qua bán đấu giá công khai chiếm 9,4% vốn điều lệ.
Ngay trong năm 2017-2018, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu tiếp tục gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đạt tỷ lệ bán cổ phần lần đầu rất thấp so với phương án đã duyệt, như Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp chỉ đạt 0,1%; Công ty Bột mỳ Vinafood1 đạt 4%; Công ty Cao su Tân Biên đạt 0,4%; Công ty Cấp nước Gia Lai đạt 0,04%; GENCO3 đạt 2,8%; Tổng công ty Sông Đà 0,4%...
“Không bán được cổ phần, nghĩa là không đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ vốn nhà nước xuống mức sàn theo các phương án được duyệt, quan trọng hơn là không đạt được mục tiêu thu hút vốn của xã hội nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây mới chính là mối lo lớn nhất khi tiến độ cổ phần hóa chậm trễ”, ông Trung nói.
Cũng có nghĩa là, một khoản vốn nhà nước đáng ra có thể được rút ra, đầu tư vào những dự án, công trình có tác động lan tỏa, kích thích các vùng kinh tế động lực, thúc đẩy các khu vực kinh tế khác phát triển theo hướng hiệu quả... đã không thực hiện được.
Doanh nghiệp nhà nước không thể đứng ngoài yêu cầu bứt phá
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM đã buộc phải đặt nặng những yếu kém chung của khu vực DNNN, cho dù nếu tính tách biệt từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực, sẽ có những điểm sáng đáng kể.
“Tổng thể không hiệu quả của DNNN đang làm khó cho cả kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Cung nói.
Phải nhắc lại, doanh nghiệp nhà nước đã từng thực sự xứng đáng ở vai trò chủ đạo, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Theo CIEM, hiệu suất sinh lời trên vốn nhà nước giai đoạn 2001-2010 đã từng đạt mức bình quân 15-17%/năm.
Nhưng hiện tại, tình hình có xu hướng kém đi. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2018), mặc dù tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động của DNNN cao hơn mức bình quân của các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng số liệu này không phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả kinh doanh của phần lớn DNNN.
Trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài doanh nghiệp lớn. Riêng 7 tập đoàn kinh tế nhà nước đã nắm giữ 66% tài sản, 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước, tạo ra 61,7% doanh thu, 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% thu ngân sách nhà nước của toàn bộ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Trong đó, 3 tập đoàn (PVN, EVN và Viettel) cùng nhau tạo ra 50% doanh thu, 51% lợi nhuận và 52% nộp ngân sách của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Phải thẳng thắn, những doanh nghiệp trên cơ bản là hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có mức độ cạnh tranh thấp, tập trung vào ngành khai thác tài nguyên và tận dụng điều kiện tự nhiên (khai khoáng) hoặc những ngành, lĩnh vực do DNNN thống lĩnh, chi phối thị trường (như viễn thông, năng lượng).
Ở các ngành có cạnh tranh cao giữa các thành phần kinh tế như thương mại, xây dựng, công nghiệp chế tạo… thì hiệu quả kinh doanh của DNNN còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh đã bộc lộ hạn chế về kinh doanh của DNNN.
“Cụ thể là để tạo ra một đồng giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân DNNN có nợ phải trả cao hơn mức trung bình doanh nghiệp Việt Nam”, ông Trung phân tích.
Mục tiêu cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020:
Doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn thông qua cổ phần hóa, thoái vốn. Hoàn thành thoái vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn.
Phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp. Hoàn thiện mô hình quản lý, giám sát.
Nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài.
Điều này có nghĩa là những nguồn lực lớn đang nằm trong khu vực DNNN đã không thể phát huy hết hiệu quả. Sự chậm trễ trong tái cơ cấu DNNN, bao gồm cả cổ phần hóa, thoái vốn và các hình thưc sắp xếp khác thậm chí làm trầm trọng hơn tình trạng này.
“Không thể để DNNN đứng ngoài sự phát triển chung. Trước mắt, các kế hoạch tái cơ cấu phải được thực hiện nghiêm khắc, đúng bản chất, chứ không thể chỉ vì đúng hạn. Có nghĩa là mọi việc phải thực hiện theo cơ chế thị trường, nguyên tắc thị trường, có thể chấp nhận thương vụ thành công và cả thương vụ thất bại, chứ không thể để tình trạng không ai dám làm vì sợ sai“, ông Cung nói.
Đặc biệt, yêu cầu tuân thủ các quy định trong quản trị doanh nghiệp phải được đặt lên cao, cả ở góc độ doanh nghiệp và trong mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu...
Trình kế hoạch cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2019-2020
Trước ngày 15/6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phải hoàn tất yêu cầu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2019-2020 của cả nước, trong đó có kế hoạch cổ phần hóa của TPHCM. Yêu cầu này đã được ghi rõ trong Nghị quyết 39/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019.
Cho tới thời điểm này, xét riêng trong danh sách 108 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa 2017-2018 ban hành theo văn bản số 991/TTg-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, thì đến tháng 2 năm 2019 vẫn còn 77 doanh nghiệp chưa được phê duyệt phương án cổ phần hóa (chiếm 71%).
Như vậy, kế hoạch cổ phần hóa 2019 sẽ tăng lên 95 DNNN thay vì 18 doanh nghiệp. Trong danh sách cổ phần hóa còn lại có những tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước quy mô rất lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam…
Cùng với đó, Nghị quyết 39/NQ-CP cũng yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với các bộ, ngành tập trung thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn theo quy định; nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xử lý 12 dự án yếu kém, thua lỗ của ngành Công thương”, Nghị quyết 39/NQ-CP ghi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng DNNN trong tổng số doanh nghiệp có đăng ký ở Việt Nam giảm mạnh từ 1,2% năm 2010 xuống còn 0,4% năm 2018. Trong đó, tỷ trọng của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 0,6% năm 2010 và 0,2% năm 2018.
Đến năm 2018, số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 526 doanh nghiệp...