Mời gửi tiết kiệm lãi suất cao, Infina huy động được bao nhiêu tiền năm 2022?

(ĐTCK)  Infina - ứng dụng nhận tiền gửi và cung cấp các sản phẩm - dịch vụ đầu tư tài chính từng được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước nhắc tên cảnh báo - đã thu hút lượng người dùng đông đảo theo số liệu báo cáo năm 2022.
Hình ảnh quảng bá của Infina

Với các chương trình nhận tiền gửi trả lãi suất cao, năm 2022, số tiền Infina nhận từ các khách hàng tăng 3.351% so với năm 2021.

Infina tự giới thiệu mình là “nền tảng đầu tư và tích lũy được sở hữu bởi Công ty RealStake (RealStake Pte.Ltd) được thành lập vào năm 2018 tại Singapore và có chi nhánh tại Việt Nam với sứ mệnh kết nối các nhà đầu tư có số vốn tầm trung được tiếp cận trực tiếp các sản phẩm tài chính chính thống ưu việt trên thị trường”.

Website của Infina cũng cho biết, đây là ứng dụng được đồng sở hữu và khai thác bởi Công ty cổ phần Real Stake Việt Nam và Công ty cổ phần Real Stake Fintech.

Hiện tại, Infina cung cấp nhiều gói tích luỹ với lãi suất cao hơn so với trung bình gửi tiền tại các nhà băng. Ví dụ, chương trình tích luỹ có kỳ hạn 4 tháng, lợi nhuận 8,8%/năm và 10%/năm với kỳ hạn 8 tháng.

Ngoài ra, ứng dụng này thường xuyên công bố các đợt nhận tiền gửi với kỳ hạn ngắn, lợi nhuận cao hơn tuỳ thời điểm. Ví dụ, gói tích luỹ nhóm kỳ hạn 2 tháng, lợi nhuận 10,2%/năm. Gói tích luỹ đôi Valentine kỳ hạn lên tới 10,5%/năm kỳ hạn 1 tháng.

Thông tin 1 chương trình tích luỹ của Infina

Theo thông tin từ Infina, tiền tích luỹ của khách hàng gửi sẽ được đưa tới Công ty Quản lý quỹ ACB (ACBC). ACBC thực hiện phân bổ tiền vào các sổ tiết kiệm kỳ hạn khác nhau ở các ngân hàng khác nhau.

Báo cáo tài chính 2022 đã được kiểm toán của Công ty Quản lý Quỹ ACB đã “hé lộ” số tiền mà Infina nhận gửi từ các khách hàng năm 2022.

Cụ thể, trong báo cáo này, trong năm 2022, Công ty Real Stake Fintech – đơn vị vận hành Infina đang sở hữu số tiền tính tới ngày 31/12/2022 là 3,16 triệu đồng. Tuy nhiên, trong năm, số tiền tăng đạt 1.252,82 tỷ đồng, bao gồm 736,12 tỷ đồng tiền nhận từ nhà đầu tư uỷ thác, 510,15 tỷ đồng nhận tiền từ rút tiền gửi có kỳ hạn và 6,5 tỷ đồng lãi tiền gửi nhận được.

Số tiền gia tăng trong năm 2022 là 1.252,8 tỷ đồng, tăng mạnh 3.351% so với mức 36,3 tỷ đồng năm 2021.

Trong khi số tiền giảm là 1.252,8 tỷ đồng, trong đó tiền gửi có kỳ hạn giảm 873,5 tỷ đồng, mua chứng chỉ tiền gửi 71 tỷ đồng, chuyển lợi nhuận và tiền gửi cho nhà đầu tư là 308,2 tỷ đồng...

Thông tin uỷ thác của Real Stake Fintech tại báo cáo tài chính của ACBC

Ngoài ứng dụng Infina, sản phẩm nhận tiền gửi của khách hàng của Real Stake Fintech còn được triển khai trên nền tảng ZaloPay. Cụ thể, sản phẩm mang tên “Tài khoản tích luỹ” của Real Stake Fintech (Infina) triển khai trên nền tảng ZaloPay từ tháng 4/2022. Người dùng chỉ cần bỏ ra số vốn khởi điểm 10.000 đồng để mở tài khoản và gửi thêm chỉ từ 1 đồng cho những lần tiếp theo.

“Kể từ ngày 23/8, tức sau khoảng 4 tháng ra mắt, Tài khoản tích lũy đã nâng tỷ suất sinh lời từ 5%/năm lên 6%/năm, áp dụng cho tất cả các giá trị tài khoản, dù đang có sẵn hay nạp mới. Đây được xem là mức sinh lời thuộc hàng top đối với sản phẩm tích lũy trên các ví điện tử hiện nay”, thông tin quảng bá của Infina cho biết.

Trước đó, vào ngày 10/8/2022, tài khoản tích lũy đã áp dụng hạn mức mới 20.000.000 đồng thay vì 10.000.000 đồng như trước đây.

Có thể nói, việc hiện diện trên nền tảng ZaloPay đã giúp Infina tiếp cận được lượng khách hàng đông đảo hơn, từ đó hoạt động nhận tiền gửi cũng có tăng trưởng mạnh năm 2022.

Theo báo cáo mới của Data.ai, ZaloPay xếp thứ 6 về lượng người dùng hoạt động hàng tháng tại Việt Nam, xếp sau ứng dụng tài chính của Techcombank, Vietcombank và MoMo. Bên cạnh đó, số liệu của App Annie cho thấy, ZaloPay có khoảng 11,8 triệu người dùng đang hoạt động tính tới cuối năm 2021.

Đáng chú ý, ngày 5/10/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra cảnh báo, trong thời gian gần đây, một số doanh nghiệp đã thiết lập các website, app giao dịch (Passion Invest, Infina, BUFF, Anfin, Tititada…) sử dụng công cụ truyền thông, báo chí quảng bá cho các sản phẩm, dịch vụ của mình để huy động vốn của các nhà đầu tư dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán mà không được UBCK cấp phép, quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Nhà đầu tư có thể gặp rủi ro khi có tranh chấp xảy ra mà không được pháp luật về chứng khoán bảo vệ quyền và lợi ích của mình. UBCK khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục