Môi giới chứng khoán thời 4.0: Cần cái đầu lạnh để cạnh tranh với... robot

(ĐTCK) Đã qua rồi cái thời người người, nhà nhà đổ xô đi mua chứng khoán, trầy trật, chen lấn và phải “chăm sóc” cho các nhân viên môi giới để được mua cổ phiếu của các công ty niêm yết tốt. Hiện tại, trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, môi giới chứng khoán không thể “há miệng chờ sung”, thay vào đó cần một cái đầu lạnh và một trái tim nóng, để “cạnh tranh” với… robot.

Robot vào cuộc

Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năm 2017, cả nước có khoảng 80 công ty chứng khoán với quy mô lớn, nhỏ khác nhau đang hoạt động. Tính đến hết tháng 11/2017, Việt Nam có hơn 1,9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Song hành cùng lượng nhà đầu tư này là lực lượng môi giới chứng khoán, lên đến hàng chục nghìn người.

Nếu như cách đây 10 năm, vào năm 2007, số lượng nhà đầu tư biết phân tích kỹ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay, hầu hết nhà đầu tư chưa biết đến giao dịch online và chỉ trao đổi thông tin qua một công cụ giờ đã bị quên lãng là Yahoo messenger, thì giờ đây, hầu như công ty chứng khoán nào cũng có hệ thống giao dịch trực tuyến với những tiện ích “đến tận răng” phục vụ nhu cầu nhà đầu tư. Thực tế, những thay đổi đến từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ngày càng tác động mạnh, tạo ra những thay đổi lớn trong cách thức giao dịch và trao đổi thông tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ông Trần Nhật Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam (Techcom Securities - TCBS), người có nhiều tâm tư và ý tưởng ứng dụng nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động tại TCBS chia sẻ, trên thế giới, khái niệm Wealth Management (quản lý gia sản) không chỉ dành cho giới nhà giàu, có tài sản hàng triệu USD trở lên, mà còn phục vụ các gia đình có thu nhập tốt, theo đuổi hoạt động đầu tư.

Tại Việt Nam, dù các hộ gia đình có thu nhập trung bình là chủ yếu, nhưng mức thu nhập đang gia tăng mạnh. Do đó, nhu cầu tích lũy tài sản để đầu tư ngày càng phát triển. Ước tính, có khoảng 8 triệu khách hàng đang gửi tiền trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

“Đây chính là lý do mà TCBS là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đưa ra mô hình Robo Advisor (Robo tư vấn) với công nghệ tự động hoá quá trình lập kế hoạch tài chính dài hạn cho gia đình, tự động phân bổ danh mục đầu tư”, ông Nam cho hay.

Với Robo Advisor, nhà đầu tư có thể xây dựng được một kế hoạch tài chính trọn đời cho mình bao gồm kế hoạch nghỉ hưu, kế hoạch mua nhà, mua xe, cho con đi du học… Đây là đặc điểm khác biệt chính mà TCBS mang đến, bởi các phần mềm tương tự trên thế giới vẫn phải quản lý các mục tiêu này một cách riêng rẽ, chưa tích hợp được thành một mục tiêu trọn đời.

Mất hơn 2 năm nghiên cứu và triển khai, tại thời điểm này, ông Nam cho hay, Robo Advisor của TCBS mới chỉ dừng lại là tự động hoá dựa trên dữ liệu được cung cấp.

“Hiện TCBS đang trong quá trình thu thập lượng dữ liệu lớn và hy vọng trong thời gian tới, có thể thử nghiệm được trí tuệ nhân tạo (AI) thực sự. Giai đoạn này dự kiến sẽ diễn ra trong quý II/2018, mục tiêu không chỉ giúp nhà đầu tư lập kế hoạch mà còn có cơ chế đầu tư tự động theo kế hoạch đã xây dựng một cách dễ dàng, thuận tiện”, ông Nam nói và cho biết thêm, không chỉ dừng lại ở Robo Advisor, trong thời gian tới, TCBS sẽ tiếp tục phát triển nền tảng quan trọng hơn đó là Social Invest. Đây là nền tảng để tạo ra dữ liệu lớn, hỗ trợ cho AI.

Theo ông Nam, thực tế tại các nước phát triển đã chứng minh rằng, số lượng các nhà đầu tư cá nhân sẽ giảm dần trên thị trường chứng khoán, nhường chỗ cho các quỹ, nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Cùng với đó, công nghệ sẽ tiếp tục phát triển để thay thế mô hình quản lý quỹ truyền thống và mô hình quản lý mới trong đó Robo-Advisor cộng với mạng xã hội đầu tư (Social Invest) sẽ là 2 trụ cột của thị trường chứng khoán, cũng như hoạt động đầu tư trong tương lai.

Môi giới truyền thống phải nâng tầm

Social Invest (mạng xã hội đầu tư) là khái niệm không xa lạ đối với giới đầu tư quốc tế nhưng tại Việt Nam còn khá mới mẻ và một trong những mạng xã hội đáng chú ý nhất hiện này có thể nhắc đến là Stockbook.

“Mô hình mạng xã hội đầu tư hiện khá phổ biến trên thế giới với các tên tuổi như StockTwits, eToro, Zulutrade... Trong đó, tại các nền tảng này, mọi thông tin giao dịch được chứng nhận là có thật và được minh bạch hóa bằng tỷ lệ lãi lỗ của chuyên gia tư vấn. Do vậy, bất cứ ai đầu tư hiệu quả cũng có thể trở thành môi giới”, bà Hồ Huyền, Giám đốc Phát triển Cộng đồng Stockbook chia sẻ.

Tương tự như Facebook, Stockbook là nơi nhà đầu tư chia sẻ kiến thức, năng lực, trình độ, sở thích, thông tin cho nhau một cách minh bạch. Từ đó, các nhà đầu tư thụ động sẽ theo dõi (follow) các nhà đầu tư chủ động.

Khi đó, các môi giới chứng khoán giỏi, có trình độ sẽ trở thành những người dẫn dắt (leader) trên mạng xã hội này với lượng người theo dõi (follower) lớn. Việc chia sẻ những kiến thức, thông tin một cách minh bạch đem lại lợi ích cho tất cả mọi người và leader sẽ là những người thu được nhiều thành quả nhất.

Chẳng hạn, một nhà đầu tư tên Hạ Anh Tú (nickname anhthu), mới tham gia thị trường từ tháng 4 nhưng đang được rất nhiều thành viên Stockbook coi như một chuyên gia uy tín bởi danh mục lãi lớn với FPT, HPG, SHB, PTB. Một nhà đầu tư tên Nguyễn Thế Anh (nickname theanh2409-pt) có gần 2.500 người theo dõi (follower) chỉ sau 3 tháng tham gia cộng đồng nhờ thường xuyên cập nhật tình hình thị trường.

Ngoài các nhà đầu tư, đối tượng tham gia stockbook hầu hết là môi giới hoặc chuyên viên phân tích đến từ các công ty chứng khoán như SSI, HSC, MBS, VND, IRS... hay các quỹ đầu tư, các đơn vị đào tạo kiến thức tài chính... Thông tin cung cấp trên Stockbook bao gồm khuyến nghị mua bán cổ phiếu, những bài chia sẻ hay về tâm lý đầu tư, bài học kinh nghiệm... và qua đó, nhà đầu tư được kết nối với bạn bè, thỏa sức chia sẻ quan điểm của mình.

Với việc tạo ra một môi trường phục vụ hoạt động đầu tư một cách bài bản, sôi động, mạng xã hội chứng khoán Stockbook vừa ra mắt từ tháng 4/2017 đến nay đã có hơn 42.000 nhà đầu tư sử dụng.

“Rất có thể trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ tìm đến các mạng xã hội chứng khoán tương tự như Stockbook để lựa chọn một nhà tư vấn phù hợp với mình, dựa vào các thông tin minh bạch, cũng như hiệu quả khuyến nghị mà nền tảng này cung cấp, thay vì đi tìm môi giới truyền thống”, bà Huyền nói.

Trí tuệ nhân tạo hay mạng xã hội đầu tư có thực sự thay thế được vai trò của môi giới truyền thống hay không vẫn là một dấu hỏi lớn đối với giới công nghệ ngành tài chính trên toàn cầu. Nhưng thực tế, vai trò của môi giới truyền thống đang đứng trước thách thức bởi những công việc được cho rập khuôn và lặp đi lặp lại, máy móc đã có thể xử lý thay con người. Vậy môi giới thời nay sẽ phải làm gì?

Trả lời cho câu hỏi này, ông Trần Nhật Nam nhấn mạnh vai trò của môi giới không những không mất đi mà trở nên quan trọng hơn, minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn và sẽ là những “Fund Manager” (nhà quản lý quỹ) trong kỷ nguyên số.

Bởi theo ông Nam, cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là cách mạng trong ngành công nghiệp mà còn là cuộc cách mạng về hình thái kinh tế xã hội. Nếu con người không chia sẻ những dữ liệu, kiến thức, năng lực mình có với nhau và với máy móc thì sẽ không có lượng dữ liệu đủ lớn để máy học hoặc phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất. Chỉ bằng việc chia sẻ nguồn lực, dữ liệu về địa điểm đơn thuần, như với Uber, Airbnb chẳng hạn, đã tạo lượng giá trị lớn hơn rất nhiều lần mô hình kinh tế truyền thống.

Còn theo bà Hồ Huyền, mỗi môi giới có thể chọn một cách khác nhau tùy thuộc vào sở trường của mình, nhưng các hướng phát triển sẽ không thể tách rời 2 mục tiêu lớn là tri thức tư vấn và tâm thức phục vụ khách hàng, bởi trong thời đại công nghệ 4.0 mọi thông tin đều được minh bạch và nhà đầu tư có thể tự xếp hạng môi giới của mình giống như cách người dùng đánh giá các lái xe Uber, Grab. Nhà môi giới phải nỗ lực để nhận về những đánh giá tích cực từ khách hàng.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục